Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng truyền đạt chuyên đề tại Hội nghị
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết, Ban chấp hành Trung ương đã thảo luận xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng nhiều mặt và thống nhất rất cao về các nguyên tắc, tiêu chí thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Việc xác định tên gọi và địa điểm đặt trung tâm chính trị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp dựa trên các tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, về lịch sử truyền thống văn hóa dân tộc, kinh tế chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Ưu tiên sắp xếp các đơn vị hành chính có vị trí liền kề giữa miền núi đồng bằng với các địa phương có biển với mục tiêu cao nhất là mở rộng không gian phát triển, đáp ứng định hướng phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.
Việc đặt tên cần dễ nhận diện, ngắn gọn, khoa học có giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa và được Nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ, ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính mới. Trung tâm chính trị hành chính, đơn vị hành chính mới cần có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thuận tiện kết nối với các khu vực phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, xem xét, lựa chọn trung tâm chính trị hành chính của một trong số các tỉnh hiện nay làm trung tâm chính trị hành chính mới. Sau khi tỉnh mới đi vào hoạt động ổn định, có thể nghiên cứu quy hoạch lựa chọn xây dựng các trung tâm chính trị hành chính mới hợp lý phù hợp.
Các đại biểu dự Hội nghị tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội
Trên cơ sở các quan điểm, nguyên tắc, tiêu chí nêu trên, Trung ương đã đồng tình thống nhất rất cao và thông qua chủ trương định hướng như sau: Tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Cấp tỉnh gồm có tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cấp xã gồm xã, phường trực thuộc tỉnh, thành phố. Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng ý kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện kể từ ngày 1/7/2025 sau khi nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực. Cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.
Bộ Chính trị và Ban Bí thư giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và khẩn trương xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Trong đó căn cứ tiêu chí và thực tế địa phương chủ động nghiên cứu phương án, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định sắp xếp tên gọi, địa điểm đặt trụ sở xã, bảo đảm chính quyền cấp xã gần dân, sát dân, tiết giảm chi phí, không hình thành cấp huyện thu nhỏ.
Trong đó, căn cứ tiêu chí và thực tế địa phương, các tỉnh, thành phố chủ động nghiên cứu, xây dựng phương án, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định thực hiện việc sắp xếp, tên gọi, địa điểm đặt trụ sở xã, bảo đảm chính quyền cấp xã tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ kịp thời lợi ích thiết thực của nhân dân, tiết giảm chi phí.
Đồng thời, triển khai tổ chức hoạt động chính quyền địa phương 2 cấp theo quy định pháp luật bảo đảm đúng lộ trình, tiến độ đề ra, đạt mục tiêu tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gắn với tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cũng quán triệt kế hoạch tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp cấp xã và xây dựng hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp từ nay đến ngày 31/10/2025 với 121 nhóm nhiệm vụ được phân công cụ thể cho các cơ quan từ Trung ương xuống cơ sở.