Ảnh minh họa
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 (Chương trình) nhằm phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống ma túy, lấy địa bàn cơ sở để triển khai; triển khai đồng bộ 3 nhóm lĩnh vực: "giảm cung", "giảm cầu", "giảm tác hại" ma túy, chung tay xây dựng "Hà Nội - Vì cộng đồng không ma túy". Cụ thể: Nâng cao nhận thức toàn dân, giảm số người nghiện, mở rộng khu dân cư không ma túy. Đầu tư trang thiết bị, công nghệ cho lực lượng chuyên trách. Bảo đảm cơ sở vật chất cho công tác cai nghiện và hậu cai nghiện.
Phấn đấu đến năm 2030: Giảm người nghiện hằng năm; 50% xã, phường không ma túy; 100% điểm tổ chức, diện tích trồng cây ma túy bị phát hiện, triệt phá; 80% lực lượng chuyên trách được trang bị hiện đại. Tăng vụ bắt giữ ma túy có tổ chức, xuyên quốc gia, lợi dụng không gian mạng. 100% cơ sở y tế cấp xã đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện; 80% cơ quan báo chí có chuyên mục về ma túy; 100% trường học, 70% lao động được tuyên truyền; 100% người đủ điều kiện được trợ giúp pháp lý. 90% người nghiện, sau cai được hỗ trợ y tế, tâm lý.
Chương trình được thực hiện từ cấp xã tới cấp Thành phố; thời gian thực hiện Chương trình từ 2025 đến hết 2030.
Nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
1. Công tác tham mưu, chỉ đạo triển khai: Quán triệt các nghị quyết, xử lý trách nhiệm cán bộ để xảy ra tình trạng nghiện.
2. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước: Kiện toàn Ban Chỉ đạo, tổng điều tra định kỳ, hỗ trợ người sau cai tái hòa nhập.
3. Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục phòng, chống ma túy.
4. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy.
5. Nâng cao năng lực, hiệu quả phòng, chống tội phạm ma túy của các lực lượng chuyên trách.
6. Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy: Triệt phá đường dây xuyên quốc gia; trao đổi kinh nghiệm; thực hiện công ước, hiệp định quốc tế.
7. Ứng dụng công nghệ trong phòng, chống ma túy: Quản lý bằng phần mềm, hệ thống cơ sở dữ liệu; đào tạo trực tuyến.
8. Tăng cường nguồn lực, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống ma túy: Ưu tiên ngân sách; trang bị kỹ thuật hiện đại; hỗ trợ lực lượng trực tiếp phòng, chống.
9. Thực hiện quản lý, giám sát, đánh giá Chương trình: Kiểm tra định kỳ, đột xuất; kịp thời kiến nghị khắc phục thiếu sót.
UBND Thành phố giao Công an Thành phố thường trực chương trình phòng, chống ma túy. Chủ trì kiểm tra, giám sát, sơ tổng kết, đề xuất điều chỉnh mục tiêu chương trình. Rà soát, đề xuất kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp. Phối hợp các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phòng ngừa xã hội, đặc biệt tại địa bàn phức tạp và nhóm đối tượng dễ tổn thương. Quản lý, nâng cao chất lượng cơ sở cai nghiện; tập huấn cán bộ, hỗ trợ công tác cai nghiện tại cộng đồng. Tăng cường điều tra, trấn áp tội phạm ma túy, nhất là tại địa bàn trọng điểm.
Sở Y tế hướng dẫn, tổ chức điều trị cai nghiện, điều trị bằng thuốc thay thế. Phối hợp đảm bảo an ninh tại cơ sở Methadone. Chỉ đạo xác định tình trạng nghiện ma túy. Quản lý chuyên môn y dược, kiểm tra việc sử dụng thuốc gây nghiện. Chủ trì thực hiện Dự án 6: Tăng cường đáp ứng y tế trong phòng, chống ma túy.
UBND các phường, xã cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ trong Kế hoạch này vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và từng giai đoạn của địa phương. Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm về tình hình tội phạm ma túy tại địa phương, tăng cường kiểm tra, đôn đốc và thực hiện nghiêm túc về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.
UBND Thành phố đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức thành viên tăng cường công tác phối hợp, hướng dẫn tổ chức các hoạt động và phát động phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống ma túy"; gắn kết hiệu quả trong việc thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
UBND Thành phố yêu cầu, triển khai đồng bộ các biện pháp, lấy phòng ngừa là chính, đấu tranh ngăn chặn ma túy từ xa, từ sớm là quan trọng để giải quyết tổng thể, giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy; tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy, hạn chế thấp nhất tác hại do ma túy gây ra, tạo môi trường xã hội lành mạnh, góp phần phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đối ngoại của đất nước và Thủ đô.