Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm
Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước, đang phải đối mặt với một trong những thách thức của quá trình phát triển đô thị hiện đại: ô nhiễm không khí. Những con số quan trắc đáng báo động, những lớp bụi mịn vô hình len lỏi vào từng hơi thở của người dân, cùng với những hệ lụy sức khỏe ngày càng rõ ràng đã khiến vấn đề này trở thành ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển bền vững của Thành phố. Trước thực trạng đó, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ về "một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường" đã được ban hành, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ và toàn diện nhằm kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường sống.
TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Hội Không khí sạch Việt Nam, nhận định rằng Chỉ thị 20 thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm. Ông cho rằng điểm đáng chú ý nhất của Chỉ thị là tính hệ thống và đồng bộ, với các thời hạn cụ thể được đưa ra một cách rõ ràng, từ năm nay đến các năm tiếp theo, thay vì chỉ là các mục tiêu mang tính định hướng dài hạn.
TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Hội Không khí sạch Việt Nam
Tuy nhiên, để chuyển từ quyết tâm chính trị thành hành động thực tế, các địa phương - đặc biệt là Hà Nội - cần thể hiện vai trò tiên phong với những hành động cụ thể và quyết liệt. Thực tế đã chứng minh rằng, trong nhiều năm qua, ô nhiễm không khí tại Hà Nội không chỉ là hiện tượng mang tính chu kỳ theo mùa mà đã trở thành tình trạng kéo dài, mang tính cấu trúc. Theo ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), các dữ liệu từ mạng lưới quan trắc quốc gia cho thấy rõ xu hướng gia tăng ô nhiễm trở lại kể từ khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19. Thời điểm từ tháng 10/2024 đến tháng 4/2025 ghi nhận nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội liên tục ở mức cao, nhiều ngày vượt ngưỡng cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đặt ra cảnh báo đỏ về sức khỏe cộng đồng.
PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) phân tích rằng, tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe không dừng lại ở những triệu chứng tức thời như khó thở hay viêm đường hô hấp. Về lâu dài, các hạt bụi siêu mịn có thể thâm nhập vào hệ tuần hoàn, dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí gây tổn thương thần kinh và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như Alzheimer và Parkinson. Trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và những người có bệnh nền về hô hấp là nhóm dễ bị tổn thương nhất. Ngoài ra, ô nhiễm còn gây ảnh hưởng đến mắt, da và làm gia tăng các bệnh dị ứng, bệnh về da liễu, làm giảm khả năng miễn dịch, khiến cơ thể dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và mãn tính.
Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Hoàng Văn Thức
Không dừng lại ở khía cạnh y tế, ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế và xã hội. Việc gia tăng số ca bệnh dẫn đến quá tải bệnh viện, chi phí y tế tăng cao, năng suất lao động giảm sút và chất lượng sống của người dân cũng bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân của ô nhiễm không khí là tổng hợp của nhiều yếu tố, nhưng dễ nhận thấy và tác động trực tiếp nhất là từ hoạt động giao thông đô thị. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, các phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là ô tô và xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch, là nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí chiếm từ 54% đến 75% tại Hà Nội. Trung bình, Thành phố xác định khoảng 60% nguồn ô nhiễm đến từ lĩnh vực này. Hà Nội có khoảng 8 triệu xe cá nhân, gồm 1,1 triệu ô tô và 6,9 triệu xe máy. Trong Vành đai 1 có khoảng 450.000 xe, dân số là 600.000 người, chủ yếu là xe sử dụng xăng dầu. Với phần lớn các phương tiện đều đã qua sử dụng nhiều năm, do đó, việc kiểm soát khí thải từ phương tiện cá nhân là một trong những nhiệm vụ cấp bách, sống còn trong công cuộc cải thiện chất lượng không khí.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng, tất cả các đô thị trên thế giới, không chỉ riêng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân ô nhiễm từ các phương tiện giao thông chạy nguyên liệu hóa thạch là chắc chắn, đã có những nghiên cứu khoa học, có những số liệu. Phát thải CO2, đi xe điện giảm tới 70% so với đi xe máy chạy xăng, những chất khác cũng giảm rất nhiều. Vì vậy, chúng ta không nên băn khoăn là xe máy có phải nguyên nhân gây ô nhiễm chính hay không. Bây giờ đòi hỏi có những giải pháp cực kỳ quyết liệt như Chỉ thị 20. Tôi thấy rất mừng vì vừa rồi Hà Nội đã nhanh chóng có những hành động triển khai như vậy. Thành phố đã thành lập ngay Ban Tư vấn, chỉ đạo, Tổ công tác liên ngành để tổ chức triển khai các nội dung liên quan đến giao thông xanh, phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện và đề xuất các nhiệm vụ phát sinh theo thực tế. Những biện pháp như thế là rất kịp thời.
PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế)
Trên thế giới, nhiều thành phố đã từng trải qua giai đoạn khủng hoảng môi trường tương tự như Hà Nội. Bắc Kinh là một ví dụ điển hình. Cách đây hơn 10 năm, Bắc Kinh liên tục nằm trong top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Tuy nhiên, nhờ sự đầu tư lớn từ Chính phủ Trung Quốc cùng các biện pháp mạnh mẽ như chuyển đổi toàn bộ xe buýt sang xe điện chỉ trong vòng 1-2 năm, thiết lập các vùng phát thải thấp và áp dụng các chính sách hỗ trợ công khai, minh bạch, đến nay chất lượng không khí của Bắc Kinh đã được cải thiện rõ rệt. Không chỉ ở Trung Quốc, tại châu Âu, hơn 300 thành phố đã áp dụng mô hình vùng phát thải thấp, trong đó chỉ cho phép phương tiện đạt chuẩn khí thải lưu thông, đồng thời khuyến khích giao thông công cộng và xe đạp. Tại Đông Nam Á, Indonesia từng thất bại khi chỉ thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi mà không có biện pháp bắt buộc. Sau đó, họ kết hợp cả biện pháp hỗ trợ, cấm phương tiện gây ô nhiễm và tăng cường giao thông công cộng, tạo ra hiệu quả rõ rệt.
Triển khai Luật Thủ đô 2024 của Quốc hội, cuối năm 2024, thành phố Hà Nội đã ban hành một Nghị quyết quy định vùng phát thải thấp và cũng xác định các quy trình, quy định liên quan tới thiết lập vùng phát thải thấp.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn, vùng phát thải thấp đầu tiên sẽ bao gồm các quận trung tâm (cũ) như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Tây Hồ, với diện tích khoảng 31 km², dân số khoảng 600.000 người. Trong thời gian tới, Thành phố sẽ mở rộng dần ra Vành đai 2 và Vành đai 3. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ được áp dụng để kiểm soát khí thải phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy cũ để tạo lập vùng phát thải thấp.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn
Bên cạnh đó, Thành phố cũng xử lý triệt để các nguồn phát thải cố định như đốt rơm rạ, đốt rác, sử dụng than tổ ong – vốn từng phổ biến trong các khu dân cư. Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành việc loại bỏ 100% lò than tổ ong trong nội thành, đồng thời tăng cường công tác xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải y tế và kiểm soát ô nhiễm tại các dòng sông, hồ trên địa bàn.
Đặc biệt, để thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình với các giải pháp cụ thể. Bao gồm việc hỗ trợ nhân dân chuyển đổi phương tiện sử dụng xăng dầu sang nhiên liệu xanh, trước hết áp dụng cho người dân trong khu vực Vành đai 1, mở rộng ở khu vực Vành đai 2.
Cùng đó kêu gọi các doanh nghiệp cung ứng phương tiện xe đưa ra chế độ ưu đãi nhất khi chuyển đổi phương tiện, hỗ trợ giá... Hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ, đăng ký... cho xe năng lượng sạch; chuẩn hóa và quy hoạch lại hệ thống trạm sạc...
Ngoài ra để đảm bảo an toàn cho các đối tượng sử dụng, Thành phố cũng sẽ có giải pháp liên quan đến sử dụng pin xe điện, phòng cháy chữa cháy với hạ tầng và tiêu chuẩn, quy chuẩn đồng bộ, hiện đại; có trạm đổi pin xe với sự tham gia của nhiều hãng, tránh độc quyền.
Trong khi các giải pháp mang tính hệ thống đang từng bước triển khai, người dân vẫn cần những biện pháp bảo vệ sức khỏe cấp thời. TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng, nhận thức của cộng đồng đã có bước tiến đáng kể. Ngày càng nhiều người chủ động theo dõi chất lượng không khí qua các ứng dụng, lựa chọn giờ tập thể dục phù hợp, chuyển đổi sang xe điện, tắt máy khi chờ đèn đỏ… Mỗi hành vi tuy nhỏ nhưng khi được nhân rộng sẽ tạo ra tác động tích cực lên toàn xã hội. Ông nhấn mạnh, điều quan trọng là cần chuyển hóa nhận thức thành hành động cụ thể, đồng thời chính quyền phải công bố rõ ràng, minh bạch các chính sách hỗ trợ để người dân được tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi, an toàn.
Tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội hiện nay đã vượt qua mức báo động và trở thành một vấn đề cấp bách, không còn có thể trì hoãn. Với sự quyết liệt từ Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, cùng với những hành động cụ thể của Hà Nội và sự đồng lòng của người dân, hy vọng rằng trong tương lai gần, Thủ đô sẽ lấy lại được bầu không khí trong lành - điều kiện sống cơ bản và chính đáng của mỗi người dân. Cuộc chiến này không dễ dàng, nhưng không thể không bước vào. Không còn đường lùi, chỉ còn hành động.