Ông Bá Văn Thắng, sinh ngày 10/7/1968, Trưởng phòng Phòng Đô thị, Văn phòng UBND Thành phố giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
Kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố
Ngày 14/7, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3786/QĐ-UBND về việc kiện toàn, điều chỉnh phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định, kiện toàn, điều chỉnh, bổ sung thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội (Ban Chỉ huy Thành phố), cụ thể như sau: Phó trưởng Ban Chỉ huy Thành phố: Ông Trương Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố; Ông Đào Văn Nhận - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô; các Ủy viên: Ông Nguyễn Đình Thạo - Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô; Ông Lê Thanh Nam - Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Ông Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế; Ông Võ Văn Hòa - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Bộ; Ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường; kiện toàn điều chỉnh số lượng các thành viên được mời tham gia Ban Chỉ huy Thành phố (02 thành viên): Ông Nguyễn Doãn Toản, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy; Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố. Đồng thời điều chỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể đến các thành viên Ban Chỉ huy Thành phố.
Quyết định có hiệu lực từ ngày ký. Các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định số 1935/QĐ-UBND và Quyết định số 16/QĐ-BCH cùng ngày 08/4/2025.
Bổ nhiệm chức vụ Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội
Ngày 15/7, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3798/QĐ-UBND về việc bổ nhiệm chức vụ Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định, Bổ nhiệm ông Bá Văn Thắng, sinh ngày 10/7/1968, Trưởng phòng Phòng Đô thị, Văn phòng UBND Thành phố giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố. Thời hạn bổ nhiệm là 05 năm kể từ ngày ký Quyết định.
Ông Bá Văn Thắng được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, hệ số 0,8.
Bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội
Ngày 15/7, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3799/QĐ-UBND về việc bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định, Bổ nhiệm ông Đào Minh Tâm, sinh ngày 26/7/1973, Trưởng phòng Phòng Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội. Thời hạn bổ nhiệm là 05 năm kể từ ngày ký.
Ông Đào Minh Tâm được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, hệ số 0,8.
Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đợt cao điểm phục vụ các hoạt động kỷ niệm 80 Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Ngày 14/7, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 186/KH-UBND về Phòng, chống dịch bệnh đợt cao điểm phục vụ các hoạt động kỷ niệm 80 Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2025), Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2025) và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, Kế hoạch nhằm giảm tối đa tỷ lệ mắc và số ca tử vong do các bệnh truyền nhiễm; chủ động kiểm soát, khống chế kịp thời, không để dịch lớn xảy ra, không bị động, bất ngờ theo phương châm "phòng, chống từ sớm, từ xa", góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Đồng thời, đảm bảo an toàn dịch bệnh phục vụ cho các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2025) trên địa bàn Thành phố; với mục tiêu cụ thể 100% UBND các phường, xã xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh theo đặc điểm địa giới hành chính mới; bố trí sẵn sàng lực lượng tại chỗ, lực lượng tăng cường theo các cấp độ dịch tại địa phương; thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người; có kế hoạch đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau cho các hoạt động, các sự kiện kỷ niệm...; đảm bảo kịp thời và đầy đủ kinh phí, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị, hóa chất đáp ứng hiệu quả công tác phòng chống dịch theo phương châm "04 tại chỗ".
Kế hoạch đề ra 11 nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu nêu trên gồm các công tác: Lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; tuyên truyền; tiêm chủng vắc xin; giám sát, xử lý dịch; thu dung, điều trị bệnh nhân; xét nghiệm; đào tạo, tập huấn; vệ sinh môi trường phòng chống dịch; đảm bảo an toàn thực phẩm; đảm bảo hậu cần; kiểm tra, giám sát.
Về tổ chức thực hiện, UBND Thành phố giao: Sở Y tế cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố, tham mưu cho UBND Thành phố chỉ đạo phòng chống dịch, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch phục vụ các sự kiện lễ lớn và nhiệm vụ trọng tâm cuối năm 2025. Tổ chức giao ban, kiểm tra, giám sát chặt chẽ diễn biến dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế, phát hiện sớm và xử lý ổ dịch triệt để... Rà soát kinh phí, vật tư, thuốc men cho công tác phòng chống dịch. Kiểm tra, giám sát phòng chống dịch tại phường, xã, báo cáo UBND Thành phố những vấn đề vượt thẩm quyền; Sở Nông nghiệp và Môi trường lập kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên động vật, gia súc, gia cầm. Kiểm soát chặt chẽ lưu thông động vật, giết mổ, xử lý ổ dịch triệt để. Phối hợp thu gom, xử lý rác thải y tế, rác thải sinh hoạt liên quan dịch bệnh. Thanh tra, kiểm tra xử lý nguồn nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường; Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học tổ chức phòng chống dịch, vệ sinh, phun hóa chất khử khuẩn. Rà soát tiền sử, tư vấn tiêm chủng cho trẻ mầm non, tiểu học khi nhập học. Tuyên truyền về dịch bệnh và biện pháp phòng chống trong học sinh. Cung cấp thông tin kịp thời các trường hợp mắc bệnh trong trường học; Sở Du lịch tập huấn công tác phòng chống dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân viên khách sạn, công ty du lịch. Chuẩn bị phương án phòng chống dịch khi có khách du lịch mắc bệnh truyền nhiễm. Phối hợp cập nhật thông tin dịch bệnh và giám sát hành khách, đoàn khách du lịch; Sở Công Thương kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về an toàn vệ sinh. Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu trong trường hợp cách ly, phong tỏa. Kiểm tra, xử lý hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, tăng cường kiểm soát giá thiết bị y tế; Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp báo đài, truyền thông tuyên truyền chính xác về diễn biến dịch và biện pháp phòng chống. Tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức người dân chủ động phòng bệnh; Sở Xây dựng kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, xử lý phế thải công trình xây dựng. Cung cấp, kiểm soát nguồn nước sạch, kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt. Hướng dẫn phòng chống dịch tại công trường xây dựng, nhà ga, bến xe. Đề xuất phương án phân luồng giao thông trong trường hợp dịch bùng phát; Sở Khoa học và Công nghệ khuyến khích nghiên cứu khoa học, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ phòng chống dịch; Sở Tài chính đảm bảo kinh phí kịp thời cho hoạt động phòng chống dịch, đặc biệt dịp lễ lớn….; Công an Thành phố kiểm tra, xử lý vi phạm ô nhiễm môi trường. Phối hợp kiểm tra an toàn thực phẩm, cưỡng chế cách ly, xử lý thông tin sai lệch về dịch; Bộ Tư lệnh Thủ đô xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, báo cáo, phối hợp ngành Y tế. Triển khai khu cách ly, bệnh viện dã chiến hỗ trợ ngành Y tế khi cần. Đảm bảo vệ sinh, khử khuẩn khu vực quân sự, phục vụ các hoạt động lễ lớn.
UBND các phường, xã: Chủ tịch UBND phường, xã chịu trách nhiệm toàn diện công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch, chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, kiểm soát dịch bệnh. Kiện toàn lực lượng y tế, đội xung kích, công nhân phun hóa chất. Tuyên truyền, huy động cộng đồng tham gia phòng chống dịch. Giám sát, điều tra dịch tễ, khoanh vùng, xử lý kịp thời không để dịch bùng phát. Phối hợp với các cơ sở giáo dục và ngành Y tế để rà soát, tư vấn tiêm chủng, xử lý dịch trong trường học.
Đẩy mạnh thực hiện phong trào "Sáng - xanh - sạch - đẹp", phục vụ các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Ngày 14/7, UBND Thành phố ban hành Công văn số 4071/UBND-NNMT về việc vận động mở cửa nhà vệ sinh miễn phí phục vụ du khách, nhân dân; đẩy mạnh thực hiện phong trào "Sáng - xanh - sạch - đẹp", phục vụ các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Thực hiện các chỉ đạo, kế hoạch của Thành ủy và UBND Thành phố về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, nhằm phục vụ nhằm phục vụ tốt nhân dân, du khách tham dự các hoạt động và góp phần xây dựng hình ảnh Thủ đô văn minh, thanh lịch, Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo như sau:
Yêu cầu UBND các xã, phường tuyên truyền, vận động các cơ quan, doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng, siêu thị, cửa hàng, trường học, điểm sinh hoạt cộng đồng tại khu dân cư, hộ dân... mở cửa nhà vệ sinh miễn phí cho du khách, nhân dân trong dịp kỷ niệm. Khuyến khích duy trì hoạt động này lâu dài như một nét đẹp văn hóa.
Giao các sở, ngành: Văn hóa và Thể thao chủ trì tuyên truyền, biểu dương các gương điển hình và địa phương tích cực triển khai. Đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện đại chúng và mạng xã hội; Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, UBND các xã, phường niêm yết bộ nhận diện điểm nhà vệ sinh miễn phí, tổ chức tuyên truyền rộng rãi; các cơ quan báo, đài Thành phố tăng cường tuyên truyền hoạt động mở cửa nhà vệ sinh miễn phí và phong trào "Sáng - xanh - sạch - đẹp".
Kiện toàn Hội đồng thẩm định, đánh giá công tác kiểm định các chung cư cũ
Ngày 15/7, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3797/QĐ-UBND về việc kiện toàn Hội đồng thẩm định, đánh giá công tác kiểm định các chung cư cũ trên địa bàn Thành phố.
Theo Quyết định, kiện toàn Hội đồng thẩm định, đánh giá công tác kiểm định các chung cư cũ trên địa bàn Thành phố (Hội đồng) gồm các đồng chí: Chủ tịch Hội đồng là Đồng chí Luyện Văn Phương - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội; 02 Phó Chủ tịch Hội đồng: Đồng chí Phó Giám đốc Công an Thành phố; Đồng chí Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cùng Ủy viên Hội đồng là Chủ tịch UBND xã, phường nơi có nhà chung cư cũ cần kiểm định, thực hiện theo triệu tập của Chủ tịch Hội đồng; Tổ giúp việc và Tổ chuyên gia do Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định thành lập; Sở Xây dựng là cơ quan thường trực của Hội đồng.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký; chấm dứt hiệu lực Quyết định số 4850/QĐ-UBND ngày 17/9/2024 của UBND Thành phố. Tiếp tục thực hiện các nội dung khác của Quyết định số 1437/QĐ-UBND ngày 27/4/2022, không bị điều chỉnh bởi Quyết định này.
Ban hành bộ định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực Công Thương
Ngày 15/7, UBND Thành phố ban hành Quyết định pháp quy số 42/2025/QĐ-UBND về Ban hành bộ định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực Công Thương thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định, ban hành 83 bộ định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực Công Thương, gồm: Tổ chức thông tin, tuyên truyền trên báo giấy, báo điện tử, truyền thanh, truyền hình, ấn phẩm, tờ rơi, tờ gấp và các hình thức phổ biến thông tin khác về hoạt động điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm; tổ chức hội nghị, hội thảo, triển lãm trong nước và nước ngoài. hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán năng lượng; hỗ trợ kỹ thuật xây dựng mô hình quản lý năng lượng cho các cơ sở sử dụng năng lượng trong; hỗ trợ đánh giá hiệu quả áp dụng trang thiết bị, công nghệ tiết kiệm năng lượng cho các cơ sở sử dụng năng lượng trong sản xuất công nghiệp, công trình;…
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 25/7/2025 và thay thế Quyết định số 40/2024/QĐ-UBND ngày 05/6/2024 của UBND Thành phố ban hành một số bộ định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực Công Thương.
Bồi thường thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản hoặc vật nuôi khác mà không thể di chuyển khi Nhà nước thu hồi đất
Ngày 15/7, UBND Thành phố ban hành Quyết định pháp quy số 43/2025/QĐ-UBND về bồi thường thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản hoặc vật nuôi khác mà không thể di chuyển khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định, phạm vi điều chỉnh: Quy định về bồi thường thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản hoặc vật nuôi khác mà không thể di chuyển khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố; đối tượng áp dụng: Đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và người sở hữu tài sản hợp pháp đối với vật nuôi là thủy sản hoặc vật nuôi khác trên đất mà không thể di chuyển khi Nhà nước thu hồi đất; các đối tượng khác có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại về vật nuôi là thủy sản hoặc vật nuôi khác mà không thể di chuyển khi nhà nước thu hồi đất.
Nguyên tắc bồi thường là thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch; chỉ bồi thường với vật nuôi hiện có trên đất trước ngày có thông báo thu hồi và khi vật nuôi không thể di chuyển, như do dịch bệnh, không có nơi chuyển đến... Mức bồi thường được xác định 100% giá trị vật nuôi không thể di chuyển. Căn cứ theo đơn giá do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Trong trường hợp giá trị vật nuôi chưa được xác định tại thông báo do Sở Nông nghiệp và Môi trường ban hành thì UBND Thành phố phân cấp cho UBND cấp xã, phường xác định.
Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai, vật nuôi, tổ chức bồi thường chịu trách nhiệm thực hiện. Phải đảm bảo kiểm đếm, phân loại chính xác, hợp lý. Các dự án đã hoàn thành bồi thường hoặc đã có phương án được phê duyệt, đang thực hiện chi trả thì thực hiện theo phương án đã phê duyệt, không áp dụng hoặc điều chỉnh lại theo quy định của Quyết định này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị có liên quan gửi về Sở Nông nghiệp và Môi trường để hướng dẫn giải quyết hoặc tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/7/2025.
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
Ngày 15/7, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch 187/KH-UBND về Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo Kế hoạch, triển khai Chương trình nhằm phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống ma túy, lấy địa bàn cơ sở để triển khai; triển khai đồng bộ 3 nhóm lĩnh vực: "giảm cung", "giảm cầu", "giảm tác hại" ma túy, chung tay xây dựng "Hà Nội - Vì cộng đồng không ma túy". Mục tiêu cụ thể: Nâng cao nhận thức toàn dân, giảm số người nghiện, mở rộng khu dân cư không ma túy. Đầu tư trang thiết bị, công nghệ cho lực lượng chuyên trách. Bảo đảm cơ sở vật chất cho công tác cai nghiện và hậu cai nghiện. Chỉ tiêu đến 2030: Giảm người nghiện hằng năm; 50% xã, phường không ma túy. 100% điểm tổ chức, diện tích trồng cây ma túy bị phát hiện, triệt phá. 80% lực lượng chuyên trách được trang bị hiện đại. Tăng vụ bắt giữ ma túy có tổ chức, xuyên quốc gia, lợi dụng không gian mạng. 100% cơ sở y tế cấp xã đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện. 80% cơ quan báo chí có chuyên mục về ma túy. 100% trường học, 70% lao động được tuyên truyền. 100% người đủ điều kiện được trợ giúp pháp lý. 90% người nghiện, sau cai được hỗ trợ y tế, tâm lý.
Chương trình được thực hiện từ cấp xã tới cấp Thành phố; thời gian thực hiện Chương trình từ 2025 đến hết 2030.
Kế hoạch tập trung triển khai 9 nhóm nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình gồm: Công tác tham mưu, chỉ đạo triển khai: Quán triệt các nghị quyết, xử lý trách nhiệm cán bộ để xảy ra tình trạng nghiện. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước: Kiện toàn Ban Chỉ đạo, tổng điều tra định kỳ, hỗ trợ người sau cai tái hòa nhập. Tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy: Đổi mới nội dung, hình thức; truyền thông đến từng gia đình; xây dựng mô hình tiên tiến. Quản lý, cai nghiện và sau cai: Rà soát, phân loại người nghiện; đầu tư hạ tầng, nhân lực; đẩy mạnh xã hội hóa. Phòng, chống tội phạm ma túy: Triệt phá đường dây lớn; điều tra đúng người, đúng tội; kiểm soát ngành nghề nhạy cảm. Hợp tác quốc tế: Triệt phá đường dây xuyên quốc gia; trao đổi kinh nghiệm; thực hiện công ước, hiệp định quốc tế. Ứng dụng công nghệ: Quản lý bằng phần mềm, hệ thống cơ sở dữ liệu; đào tạo trực tuyến. Tăng cường nguồn lực: Ưu tiên ngân sách; trang bị kỹ thuật hiện đại; hỗ trợ lực lượng trực tiếp phòng, chống. Giám sát, đánh giá: Kiểm tra định kỳ, đột xuất; kịp thời kiến nghị khắc phục thiếu sót.
Kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể với từng đơn vị liên quan: Công an Thành phố với vai trò điều phối, thường trực chương trình phòng, chống ma túy. Chủ trì kiểm tra, giám sát, sơ tổng kết, đề xuất điều chỉnh mục tiêu chương trình. Rà soát, đề xuất kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp. Phối hợp các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phòng ngừa xã hội, đặc biệt tại địa bàn phức tạp và nhóm đối tượng dễ tổn thương. Quản lý, nâng cao chất lượng cơ sở cai nghiện; tập huấn cán bộ, hỗ trợ công tác cai nghiện tại cộng đồng. Tăng cường điều tra, trấn áp tội phạm ma túy, nhất là tại địa bàn trọng điểm. Chủ trì triển khai các Dự án 1, 2, 4, 5, 7 (tiểu dự án 2), 9 của Chương trình MTQG; Sở Y tế hướng dẫn, tổ chức điều trị cai nghiện, điều trị bằng thuốc thay thế. Phối hợp đảm bảo an ninh tại cơ sở Methadone. Chỉ đạo xác định tình trạng nghiện ma túy. Quản lý chuyên môn y dược, kiểm tra việc sử dụng thuốc gây nghiện. Chủ trì Dự án 6: Tăng cường đáp ứng y tế; Sở Tư pháp tham mưu, chỉ đạo tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy. Tuyên truyền trên các kênh thông tin pháp luật của Thành phố; Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch hướng dẫn báo chí tuyên truyền về phòng, chống ma túy. Lồng ghép nội dung tuyên truyền vào văn hóa, thể thao, du lịch. Chủ trì Dự án 7 - Tiểu dự án 1: Truyền thông về phòng, chống ma túy; Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường giảng dạy, hoạt động ngoại khóa về phòng chống ma túy trong trường học. Chủ trì Dự án 7 - Tiểu dự án 3: Giáo dục học sinh, sinh viên; Sở Nông nghiệp và Môi trường tuyên truyền pháp luật về cấm trồng cây chứa chất ma túy...; Sở Công Thương phối hợp kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất có liên quan đến tiền chất ma túy, thuốc lá điện tử. Thực hiện kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; Sở Tài chính tham mưu, bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch theo đề xuất của các đơn vị….
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức thành viên tăng cường công tác phối hợp, hướng dẫn tổ chức các hoạt động và phát động phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống ma túy"; gắn kết hiệu quả trong việc thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Dự án 7-Tiểu dự án 4: "Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy cho công nhân lao động các khu công nghiệp".
UBND các phường, xã cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ trong Kế hoạch này vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và từng giai đoạn của địa phương; cân đối, bố trí kinh phí ngân sách hằng năm đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ theo phân cấp ngân sách hiện hành. Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm về tình hình tội phạm ma túy tại địa phương, tăng cường kiểm tra, đôn đốc và thực hiện nghiêm túc về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.
Khẩn trương thực hiện Đề án hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ởđối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ
Ngày 15/7, UBND Thành phố ban hành Công văn số 4091/UBND-ĐT về việc khẩn trương thực hiện Đề án hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
UBND Thành phố nhận được các văn bản: số 6639/BXD-QLN 11/7/2025 của Bộ Xây dựng về việc hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ theo Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg; số 8376/STC-TCĐP của Sở Tài chính về việc Hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ. Về việc này, UBND Thành phố có ý kiến chỉ đạo như sau: (1) Việc hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa nhân văn to lớn, cần được khẩn trương triển khai và hoàn thành dứt điểm trong tháng 7/2025; (2) Yêu cầu UBND các xã, phường khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Đề án theo quy định tại: Điều 102 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ; Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 2672/QĐ-UBND ngày 27/5/2025 của UBND Thành phố. Và các văn bản hướng dẫn: Sở Nội vụ: Số 3259/SNV-NCC ngày 13/6/2025 Sở Tài chính: Số 7545/STC-TCĐP ngày 25/6/2025 và 8376/STC-TCĐP ngày 11/7/2025; Sở Xây dựng: Số 8300/SXD-QLN ngày 01/7/2025.
UBND Thành phố giao: Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng khẩn trương Rà soát, hướng dẫn; triệu tập UBND các xã, phường liên quan xác định rõ nhu cầu, dự toán kinh phí; tổng hợp, tham mưu, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 28/7/2025; Sở Xây dựng là đầu mối theo dõi, đôn đốc, xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh; tham mưu, đề xuất báo cáo UBND Thành phố các nội dung vượt thẩm quyền.