Quang cảnh Hội nghị lần thứ 23, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII
Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn.
Các đồng chí Thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Hội nghị lần thứ 23, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố (khóa XVII) diễn ra trong 1 buổi sáng để bàn, cho ý kiến về 7 nội dung quan trọng của Thành phố, gồm: Phương hướng công tác nhân sự Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVIII; Đề án phân bổ số lượng đại biểu dự Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVIII; Sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc số 09-QC/TU ngày 22/6/2023 và Quyết định số 7799-QĐ/TU ngày 14/11/2024 của Thành ủy.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại Hội nghị
Cùng với đó là Sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025; Điều chỉnh Kế hoạch kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố năm 2025; Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 của Thành phố; Báo cáo công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm 2025; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của Thành ủy.
Chủ động, gương mẫu trong sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
Tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong trình bày Tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy về phương hướng công tác nhân sự Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVIII. Tiếp đó, đại diện Thường trực Thành ủy Hà Nội phát biểu giải trình, tiếp thu đối với các nội dung đã gửi xin ý kiến các đồng chí Thành ủy viên bằng văn bản (nếu có). Hội nghị tiến hành biểu quyết thông qua phương hướng công tác nhân sự Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVIII.
Hội nghị lần thứ 23 cũng xem xét, thông qua Báo cáo kết quả thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, các cơ quan đơn vị trong hệ thống chính trị Thành phố đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và kịp thời chỉ đạo, giải quyết tốt các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh. Trong đó, nổi bật là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo 4 nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, quyết liệt, chủ động, gương mẫu trong công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội; tiếp tục chỉ đạo công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030.
Thành phố quyết liệt triển khai, tổ chức thực hiện các nghị quyết chiến lược, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị trong thời gian gần đây; đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ tổ chức, phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025).
Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kế hoạch số 341-KH/TU, ngày 12/6/2025 để vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (từ ngày 20/6 đến 26/6/2025) và họp rút kinh nghiệm vào ngày 27/6, chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để vận hành chính thức từ ngày 1/7/2025.
Ngày 30/6/2025, Thành ủy-HÐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã tổ chức trọng thể Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các quyết định của Thành phố về triển khai tổ chức bộ máy tại 126 xã, phường mới, đồng thời, tổ chức các đoàn lãnh đạo của Thành phố trao quyết định về công tác nhân sự tại các xã, phường mới ngay trong chiều 30/6/2025. Trong sáng 1/7/2025, đồng loạt 126 xã, phường đã tổ chức kỳ họp thứ nhất HĐND xã, phường để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định, đảm bảo ổn định tổ chức bộ máy để vận hành theo mô hình mới.
Kết quả đến nay, toàn Đảng bộ Thành phố có 186/186 Đảng bộ bộ phận và 16.765/16.765 chi bộ tổ chức đại hội, đạt tỷ lệ 100%. Đại hội cấp cơ sở, có tổng số 1.238 tổ chức cơ sở Đảng phải tổ chức đại hội, đã có 1.221/1.238 chi, đảng bộ cơ sở tổ chức đại hội, đạt 98,7%.
Để hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025 theo Kế hoạch đề ra, Thành ủy xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2025.
Trong đó, tiếp tục chỉ đạo tập trung triển khai các văn bản của Trung ương, Thành ủy về công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, trọng tâm là việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; công tác sắp xếp, bố trí cán bộ; quan tâm làm tốt công tác tư tưởng cán bộ, đảm bảo chế độ chính sách cán bộ theo các Nghị quyết, Kết luận, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, đảm bảo ổn định đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ ngay sau sắp xếp.
Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội
Đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng
6 tháng đầu năm 2025, việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố góp phần hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Qua đó phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo các mục tiêu phát triển của Thủ đô.
Trong đó, kinh tế tăng trưởng khá, cao hơn kịch bản đề ra. Cụ thể, GRDP quý sau tăng cao hơn quý trước; lũy kế 6 tháng tăng 7,63% (kịch bản là 7,59%). Cân đối thu - chi ngân sách được bảo đảm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 51,4%, đạt 77,6% dự toán; Chi ngân sách địa phương tăng 50,6%, đạt 40,3% dự toán. Kim ngạch xuất khẩu tăng 12,5% (cùng kỳ tăng 11,0%). Thu hút FDI của Thành phố đạt kết quả ấn tượng với mức tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ, đứng đầu cả nước, tạo động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế của Thành phố.
Đáng chú ý, công tác chuyển đổi số chuyển biến tích cực. Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) của Hà Nội tăng liên tục 3 năm, tăng 19 bậc từ năm 2021 đến nay; xếp hạng nhất trong cả nước về chỉ số công nghiệp công nghệ thông tin, giữ vị trí thứ hai trong 7 năm liên tiếp về chỉ số thương mại điện tử Việt Nam, đứng đầu về chỉ số quản trị điện tử và dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2024.
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tăng trưởng chung 6 tháng đạt cao, tuy nhiên quý II đạt thấp hơn so với kịch bản (7,56% so với 7,93%), tăng trưởng ngành xây dựng thấp hơn khá nhiều kịch bản (6,81% so với 8,05%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,9% - còn chưa tương xứng với tiềm năng. Doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng cao.
Các dự án nhà máy xử lý rác thải, nước thải còn chưa đạt tiến độ đề ra. Việc xử lý ô nhiễm nước sông nội đô Kim Ngưu, Tô Lịch, Lừ, Sét, sông Nhuệ - Đáy còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn…
Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, xã, phường tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động số 04/CTr-UBND ngày 14/2/2025, các Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 14/3/2025 và số 04/CT-UBND ngày 28/3/2025, với 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng; tập trung vào các dự án giao thông trọng điểm như: Vành đai 4, tuyến đường sắt đô thị Metro số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), Metro số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc) và 6 cây cầu gồm: Hồng Hà, Mễ Sở, cầu Thượng Cát, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo, Vân Phúc… Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng và bảo vệ môi trường; ưu tiên nguồn lực và tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành các dự án xử lý rác thải, nước thải; tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường.