VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
Đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ đợt cao điểm các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Ngày 4/7, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 176/KH-UBND về Đảm bảo an toàn thực phẩm đợt cao điểm phục vụ các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2025) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (02/9/1945-02/9/2025), chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 18, nhiệm kỳ 2025-2030 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch là kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng thực phẩm trong các khâu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nhằm bảo đảm thực phẩm an toàn, phòng ngừa ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm. Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm "từ sớm, từ xa", kiểm soát từ khâu đầu vào đến tay người tiêu dùng.
Thời gian thực hiện kiểm tra từ ngày 01/7/2025 đến 31/12/2025; cao điểm từ 01/7 đến 30/9/2025 trên toàn địa bàn Thành phố, trọng tâm tại các điểm tổ chức Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02/9.
UBND Thành phố đề ra nội các dung công tác triển khai bảo đảm an toàn thực phẩm chuẩn bị trước thời gian tổ chức các hoạt động: Xây dựng kế hoạch triển khai đảm bảo ATTP cho các hoạt động kỷ niệm và Đại hội Đảng; rà soát cơ sở thực phẩm: sản xuất, kinh doanh, chế biến, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; kiểm tra và xử lý vi phạm, xử phạt cơ sở không đảm bảo điều kiện ATTP; kiểm tra thực phẩm tài trợ bằng yêu cầu thông tin trước 20 ngày, kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn; tuyên truyền, giáo dục ATTP, cảnh báo nguy cơ mất ATTP và chuẩn bị phương án xử lý ngộ độc thực phẩm: lập đội phản ứng nhanh, sẵn sàng điều tra, cấp cứu. Đối với giai đoạn diễn ra hoạt động, lập tổ kiểm tra giám sát ATTP, thực hiện kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn, xét nghiệm nhanh; giám sát địa điểm ăn, nghỉ của đại biểu, kiểm tra cơ sở cung cấp nguyên liệu, dịch vụ ăn uống lân cận và xử lý ngộ độc thực phẩm: phản ứng nhanh, điều tra kịp thời các ca nghi ngộ độc.
Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện đồng bộ hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm an toàn thực phẩm 6 tháng cuối năm 2025: Xác định công tác bảo đảm an toàn thực phẩm là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, liên tục, gắn với mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô. Triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch và văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố trên cơ sở bám sát các chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy Hà Nội về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm như Chỉ thị 17-CT/TW (2022); Chỉ thị 17/CT-TTg (2020); Chỉ thị 38/CT-TTg (2024); Công điện 55/CĐ-TTg (2025).
Kế hoạch phân công nhiệm vụ cho từng ngành: Ngành Y tế có trách nhiệm kiểm soát ATTP tại trường học, bếp ăn tập thể, điểm tổ chức sự kiện; giám sát thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tăng cường kiểm tra ngoài giờ hành chính. Lấy mẫu giám sát, cảnh báo nguy cơ. Đẩy mạnh truyền thông, tập huấn kiến thức. Thực hiện mô hình điểm ATTP; Ngành Công Thương sẽ kiểm soát làng nghề bánh, kẹo và dịp Tết Trung thu, cửa hàng trái cây. Tăng cường kiểm tra thị trường, xử lý hàng giả, vi phạm thương mại điện tử. Hậu kiểm, lấy mẫu, xử lý vi phạm, công khai kết quả. Kết nối cung - cầu sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc; Ngành Nông nghiệp giám sát chất lượng sản phẩm OCOP, đông lạnh, trái cây nhập khẩu. Duy trì sản xuất ổn định, phòng chống dịch. Xúc tiến thương mại nông sản sạch. Phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Kiểm soát vận chuyển, giết mổ, bảo vệ thực vật. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ vùng trồng, vùng nuôi. Truyền thông ATTP, phổ biến kiến thức chọn mua thực phẩm an toàn.
Về tổ chức thực hiện: Giao Sở Y tế chủ trì phối hợp liên ngành đảm bảo ATTP các hoạt động chính trị lớn. Kiểm tra các cơ sở thực phẩm, kiểm soát nguồn nguyên liệu, suất ăn, khách sạn. Kiểm soát ATTP quanh trường học, xử lý hàng rong không bảo đảm. Đề xuất thay thế các quyết định phân cấp quản lý ATTP phù hợp thực tiễn. Phối hợp tuyên truyền, lấy mẫu, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm. Đảm bảo lực lượng ứng phó sự cố thực phẩm.
Các Sở: Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra động vật, rau quả, chợ đầu mối, cơ sở giết mổ. Lấy mẫu kiểm nghiệm hóa chất bảo vệ thực vật. Phối hợp truy xuất nguồn gốc thực phẩm; Sở Công Thương kiểm tra thị trường, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác. Xử lý vi phạm về ATTP, hàng giả, nhập lậu; Công an Thành phố điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP, hàng giả. Phối hợp xử lý hàng rong, mất trật tự đô thị, điểm bán hàng trước trường học. Tham gia đoàn kiểm tra liên ngành; Sở Văn hóa và Thể thao kiểm tra quảng cáo thực phẩm, bảo đảm không gây hiểu nhầm. Phát sóng chuyên mục truyền thông về ATTP; Sở Du lịch kiểm soát ATTP tại cơ sở lưu trú, điểm du lịch; Sở Khoa học và Công nghệ đảm bảo quy chuẩn, chất lượng sản phẩm thực phẩm; Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện kiểm soát ATTP trong và quanh trường học. Giám sát quy trình chế biến, vận chuyển, lưu mẫu thực phẩm. Ngăn thực phẩm không rõ nguồn gốc vào trường học; báo chí, truyền hình thực hiện đưa tin, phát sóng truyền thông về ATTP, nâng cao nhận thức cộng đồng.
Tổ chức triển khai, thực hiện công tác PCCC và CNCH
Ngày 04/7, UBND Thành phố ban hành Công văn số 3910/UBND-NC về việc tổ chức triển khai, thực hiện công tác PCCC và CNCH.
Trước những thay đổi lớn về mô hình, tổ chức và quy định, chính sách pháp luật về PCCC và CNCH, để đảm bảo việc triển khai các mặt công tác về PCCC và CNCH trên địa bàn Thành phố được thực hiện đồng bộ, xuyên suốt, hiệu quả, không ngắt quãng, gián đoạn, trống địa bàn, bỏ sót, bỏ lọt vụ, việc, cơ sở; UBND Thành phố giao Chủ tịch UBND cấp xã tập trung, quyết liệt chỉ đạo thực hiện, báo cáo kết quả các nhiệm vụ được giao tại các Chỉ thị, Đề án, Quyết định, Chương trình, Kế hoạch, Công điện và văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố và chỉ đạo toàn diện công tác quản lý nhà nước về công tác PCCC và CNCH. Đồng thời, giao đồng chí Chủ tịch UBND cấp xã chủ trì, tổ chức làm việc với Công an Thành phố để được hướng dẫn về việc triển khai, thực hiện công tác PCCC và CNCH trên địa bàn quản lý trước 30/7/2025.
Giao Công an Thành phố phối hợp, làm việc hướng dẫn UBND cấp xã việc triển khai và kịp thời giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC và CNCH, thực hiện báo cáo Thành phố những nội dung vượt thẩm quyền quy định.
Tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý nhà nước về nông nghiệp, môi trường, đất đai
Ngày 04/7, UBND Thành phố ban hành Công văn số 3903/UBND-NNMT về việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý nhà nước về nông nghiệp, môi trường, đất đai.
Theo đó, để đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, đất đai hoạt động liền mạch, thông suốt, UBND Thành phố chỉ đạo như sau:
Về chỉ đạo chung: Các Sở, ngành của Thành phố và UBND các xã, phường căn cứ chức năng, nhiệm vụ tập trung nghiên cứu Nghị định số 131/2025/NĐ-CP, 136/2025/NĐ-CP, 151/2025/NĐ-CP và các quy định liên quan, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, đất đai đúng theo quy định pháp luật.
Các sở: Nông nghiệp và Môi trường, Tài chính, Nội vụ, Tư pháp và UBND các xã, phường khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được UBND Thành phố giao tại: Quyết định số 3619/QĐ-UBND ngày 01/7/2025 về quản lý, duy trì vệ sinh môi trường khi áp dụng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; Văn bản số 3865/UBND-NNMT ngày 02/7/2025 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Thông báo số 394/TB-VP ngày 22/6/2025 về chính quyền địa phương 02 cấp đối với lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, đất đai.
Sở Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương rà soát, hướng dẫn UBND xã, phường triển khai các nhiệm vụ, quyền hạn mới theo các Nghị định của Chính phủ và Quyết định của UBND Thành phố; xây dựng tài liệu hướng dẫn, tổ chức tập huấn, phổ biến nội dung phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền tới đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện.
UBND các xã, phường chủ động rà soát, cập nhật quy định mới, xử lý thủ tục hành chính đúng quy định, đồng thời, chịu trách nhiệm toàn diện với các công việc được phân định; nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên. Bố trí nhân sự, trang thiết bị đảm bảo nhiệm vụ; tăng cường kiểm tra, giám sát.
Các Sở, ngành liên quan: Trong phạm vi chức năng được giao, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc triển khai, đảm bảo quản lý nhà nước hiệu quả, đúng pháp luật.
Tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm thuộc lĩnh vực nông nghiệp
Ngày 03/7, Văn phòng UBND Thành phố ban hành Thông báo số 408/TB-VP về việc Kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tại cuộc họp về tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Theo đó, sau khi nghe Sở Nông nghiệp và Môi trường báo cáo, ý kiến, trao đổi, thống nhất của các đại biểu dự họp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền kết luận, chỉ đạo như sau:
Về Kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đê điều: Sở Nông nghiệp và Môi trường thực hiện đúng quy định trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn để xây dựng Kế hoạch tổng thể đầu tư hệ thống đê điều Thành phố trong 5 năm 2026-2030. Nội dung phải đánh giá hiện trạng, kết quả đầu tư, giải pháp kỹ thuật, tổng mức đầu tư, nguồn vốn, lấy ý kiến Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, các chuyên gia, các Sở, ban, ngành, cơ quan liên quan. Hoàn thành trong tháng 8/2025.
Về rà soát rừng và đất lâm nghiệp: Thực hiện theo Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 18/02/2022. Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường tham mưu thành lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra hiện trạng rừng, đất lâm nghiệp theo ranh giới xã mới thành lập. Hoàn thành rà soát trong năm 2025, đề xuất chính sách phát triển kinh tế dưới tán rừng trong năm 2026. Kiểm tra đề xuất chuyển loại rừng sản xuất và báo cáo cấp thẩm quyền.
Về nghiên cứu giống lúa mới mang thương hiệu Thủ đô: Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và các đơn vị liên quan trong thời gian qua đã chủ động phối hợp, ban hành, triển khai Kế hoạch số 82/KH-SNN-VAAS-SKH&CN ngày 15/7/2024 về việc nghiên cứu, sản xuất, phát triển, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu giống cây trồng thành phố Hà Nội.
Về công tác chuẩn bị đầu tư dự án năm 2026 và nhiệm kỳ 2026-2030: Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, phòng chống thiên tai, chủ động nguồn nước tưới khắc phục tình trạng hạ thấp mực nước hệ thống sông Hồng.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2035
Ngày 04/7, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 175/KH-UBND về Tuyên truyền thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2035".
Theo đó, Kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp về công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời; định hướng nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng tuyển sinh, đào tạo và hiệu quả việc làm sau đào tạo; huy động sự tham gia phối hợp các cơ quan báo chí, truyền thông và các cơ sở GDNN trên địa bàn Thành phố trong tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân, xã hội về GDNN.
Kế hoạch tập trung truyền thông các nội dung cốt lõi của Đề án: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các văn bản chỉ đạo của Thành phố về phát triển nguồn nhân lực, về giáo dục nghề nghiệp; thống nhất nhận thức về GDNN. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng đến người dân về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc các đối tượng theo quy định; chú trọng ngành, nghề có thế mạnh gắn với nhu cầu thị trường lao động; chủ trương chính sách phân luồng sau tốt nghiệp THCS, THPT cho cha mẹ học sinh và học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông; nâng cao hiệu quả liên kết giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp; gắn kết cung - cầu lao động với GDNN; phát huy lợi ích của GDNN với phát triển doanh nghiệp; những kết quả tổng thể, các kết quả chuyên đề của Đề án GDNN theo năm, giai đoạn; thông tin kịp thời tới người dân về hiệu quả Đề án; lan tỏa các gương điển hình, cơ sở GDNN có uy tín, gắn kết đào tạo với giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền những đổi mới, công tác chuyển đổi số trong GDNN; ứng dụng công nghệ, CNTT trong quản lý và dạy học trực tuyến.
Bên cạnh đó, Kế hoạch triển khai thực hiện với nhiều hình thức tuyên truyền như: Tuyên truyền trên báo chí; trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; trực tiếp và truyền thông nội bộ; trên Cổng thông tin điện tử Thành phố, Cổng/Trang thông tin điện tử của các Sở, ban, ngành, UBND xã, phường; trên hệ thống thông tin cơ sở và cổ động trực quan trong 02 giai đoạn là 2025 -2026 và 2027-2030.
UBND Thành phố giao: Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp tuyên truyền công tác GDNN trên báo chí, hệ thống thông tin cơ sở, cổ động trực quan. Chú trọng tuyên truyền trên phương tiện truyền thông chủ lực, có lượng độc giả lớn. Đăng tải kịp thời thông tin triển khai, lan toả thông tin tích cực, gương người tốt - việc tốt.
Sở Giáo dục và Đào tạo (Cơ quan chủ trì Đề án) cung cấp nội dung tuyên truyền cho Sở Văn hóa và Thể thao và các đơn vị liên quan để đăng tải. Cập nhật thường xuyên thông tin về GDNN trên Cổng thông tin điện tử Sở và các kênh nội bộ fanpage, zalo….
Sở Nội vụ phối hợp triển khai nội dung kế hoạch; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý và chuyên môn GDNN.
Các Sở, ban, ngành, UBND xã, phường phối hợp triển khai kế hoạch; chủ động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử. UBND xã, phường chỉ đạo hệ thống cơ sở tuyên truyền chính sách GDNN đến người dân qua mạng xã hội, loa nội bộ, bảng tin… Lan tỏa gương điển hình, cơ sở GDNN uy tín; góp phần thay đổi nhận thức người học, gia đình, xã hội về học nghề.