Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Dự Hội nghị có: Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ; Lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan và Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự tại điểm cầu Hà Nội có: Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền; cùng các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo 389 Thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong một tháng vừa qua, các lực lượng đã đồng loạt ra quân, nhất là Công an, Quân đội, Cảnh sát biển, quản lý thị trường, liên tiếp xử lý, triệt phá nhiều vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, nhất là sản xuất, buôn bán hàng giả, sữa, thuốc, thực phẩm, trang thiết bị y tế, kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, sản xuất buôn bán, hàng cấm…
Hoan nghênh các lực lượng, đặc biệt là lực lượng Công an đã làm việc hết sức trách nhiệm, khám phá nhiều vụ án liên quan tội phạm hàng giả, hàng nhái, Thủ tướng cho biết, qua mở đợt cao điểm đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến rất phức tạp.
Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, gian lận thương mại, hiện nay gây tâm lý hoang mang, lo lắng, làm ảnh hưởng sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Theo Thủ tướng, qua báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và các bộ, ngành cho thấy tình trạng trên có nhiều nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, trong đó, không kiểm soát tốt, buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, phân định chức năng, nhiệm vụ không rõ ràng, không rõ người, không rõ trách nhiệm, không rõ thẩm quyền; sự phối hợp giữa các cơ quan còn chưa thực sự tốt.
Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề này trở nên nghiêm trọng, nhất là liên quan thuốc giả, thực phẩm giả, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe, tính mạng của người dân.
Do đó, tại Hội nghị các đại biểu cần tập trung trao đổi thống nhất nhận thức và hành động để ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này, đặc biệt là kiên quyết tuyên chiến, triệt phá và ngăn chặn, đẩy lùi, chấm dứt buôn bán hàng giả về thuốc chữa bệnh và thực phẩm.
Từ kinh nghiệm hoạt động của các đơn vị, địa bàn, địa phương, Thủ tướng đề nghị các đại biểu cho ý kiến khách quan, trung thực, những vấn đề làm được, chưa làm được, hậu quả của nó, rút ra bài học kinh nghiệm tới đây, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm thời gian tới cần tuyên chiến, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tiến tới chấm dứt tình trạng buôn bán hàng giả về thuốc chữa bệnh, thực phẩm giả; xây dựng hệ thống pháp luật; phải đề cao trách nhiệm của các cấp, ngành; trách nhiệm của các doanh nghiệp về tuyên truyền để người dân cùng tham gia công tác này.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, 6 tháng đầu năm 2025, các đơn vị, địa phương bắt giữ, xử lý gần 50 nghìn vụ việc về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, gian lận thuế; thu nộp ngân sách nhà nước gần 6.500 tỷ đồng; khởi tố hình sự 1.899 vụ với 3.271 bị can.
Hà Nội xử lý 814 vụ buôn lậu, hàng giả trong Tháng cao điểm
Phát biểu tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng Thành phố đã kiểm tra, xử lý 8.542/ 9.582 vụ việc vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 2.146 tỷ đồng; khởi tố hình sự 115 vụ với 170 bị can. Các hành vi vi phạm chủ yếu là buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại điểm cầu Hà Nội
Riêng trong Tháng cao điểm thực hiện Công điện số 65/CĐ-TTg, đã xử lý 814 vụ, khởi tố 07 vụ với 16 bị can; tổng số tiền phạt và truy thu thuế gần 16 tỷ đồng.
Điển hình như vụ sản xuất, buôn bán trên 100 tấn thực phẩm chức năng giả, khởi tố 07 bị can; vụ buôn bán 875 kg gạo giả, đã chuyển khởi tố 04 bị can; vụ kinh doanh hơn 61.000 sản phẩm mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu...
"Qua đấu tranh cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, chủ yếu là giả mạo về hình thức, nhãn hiệu; gian lận về chất lượng, thành phần; lợi dụng cơ chế tự công bố sản phẩm và hoạt động tại các cơ sở khép kín để né tránh kiểm tra...", Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nêu.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền trong công tác đấu tranh vẫn còn nhiều thách thức, như: Xử lý vi phạm trên môi trường thương mại điện tử rất phức tạp. Các đối tượng sử dụng công nghệ cao để che giấu hành vi, khóa website khi bị kiểm tra, không thừa nhận là chủ sở hữu. Việc xử lý các nền tảng xuyên biên giới gặp nhiều trở ngại do không có máy chủ tại Việt Nam.
Cùng với đó là bất cập trong quy định và công tác hậu kiểm. Việc cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm với chi phí thấp đã tạo áp lực lớn cho công tác hậu kiểm. Một số quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ và chế tài xử lý còn chưa đủ mạnh, thiếu tính răn đe.
Tiếp đó là hạn chế trong công tác giám định và quản lý tang vật. Chi phí giám định cao, thời gian kéo dài, trong khi trang thiết bị kiểm tra nhanh còn thiếu. Việc thiếu sự hợp tác kịp thời từ một số chủ sở hữu quyền và cơ sở vật chất, kho bãi lưu giữ tang vật chưa đáp ứng yêu cầu cũng ảnh hưởng đến tiến độ xử lý.
"Đặc biệt, trong đợt cao điểm, nhiều hộ kinh doanh đã đóng cửa do lo ngại bị kiểm tra về nguồn gốc hàng hóa, hóa đơn chứng từ, hoặc gặp khó khăn khi triển khai hóa đơn điện tử....", Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Trên cơ sở nhận diện khó khăn, vướng mắc nêu trên, Hà Nội đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành sớm sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật theo hướng tăng nặng chế tài xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các vi phạm trên không gian mạng; Bổ sung, sửa đổi các quy định nhằm đẩy nhanh việc xử lý tang vật vi phạm...
Bên cạnh đó đề nghị các Bộ, ngành tăng cường nguồn lực, trang thiết bị cho công tác giám định chất lượng; đồng thời quan tâm đầu tư hệ thống kho vật chứng chuyên dụng để bảo quản tang vật theo khu vực và tích hợp các ngành lĩnh vực.
Về giải pháp trọng tâm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cũng nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao ý thức, trách nhiệm, ý thức của người dân và doanh nghiệp; hỗ trợ người dân và doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ, sản xuất, kinh doanh đúng chất lượng, công bố đối với sản phẩm theo quy định.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, đề cao và gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này.
Tăng cường kiểm tra đột xuất các địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, nhất là kinh doanh trên thương mại điện tử và các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm.
Nâng cao hiệu quả phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng để chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các phương thức, thủ đoạn mới.