Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà phát biểu
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trương Việt Dũng cho biết, tại phiên thảo luận tổ, chiều 8/7, đã có 46 lượt đại biểu với hơn 200 ý kiến phát biểu tập trung vào 07 nội dung, gồm:
Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2025 của thành phố Hà Nội; Nghị quyết quy định về Khu phát triển thương mại và văn hóa (thực hiện khoản 8 Điều 21 Luật Thủ đô); Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa (thực hiện khoản 7 Điều 21 Luật Thủ đô); Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh Tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội; Nghị quyết quy định một số nội dung và mức chi đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2026-2030; Các nghị quyết triển khai thi hành Luật Thủ đô; Nội dung về tổ chức hoạt động của chính quyền cấp xã thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trương Việt Dũng báo cáo tiếp thu, giải trình các nội dung đại biểu quan tâm. Ảnh: Lê Hải
Về cơ bản, các đại biểu cơ bản tán thành với các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết đã trình HĐND Thành phố. Đồng thời khẳng định, trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động và dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm, Hà Nội tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế - xã hội của cả nước, cụ thể:
GRDP đạt 7,63%, cao hơn cùng kỳ 2024 (6,13%), vượt kịch bản đề ra (7,59%) và trung bình cả nước (7,52%). Tổng thu NSNN đạt 392,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,4% cả nước, đạt 77,6% dự toán, tăng 51,4% so với cùng kỳ. Thu hút 3,67 tỷ USD vốn FDI, gấp hơn 2 lần cùng kỳ, vượt mục tiêu cả năm (3 tỷ USD). Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 10 tỷ USD (tăng 12,5%), nhập khẩu đạt 22,33 tỷ USD (tăng 14,3%). Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân tăng 3,2%, thấp hơn trung bình và cả nước (3,8%) và cùng kỳ năm trước (5,32%). Hạ tầng đô thị, môi trường, khoa học công nghệ có nhiều tiến bộ và được đẩy mạnh phát triển.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trương Việt Dũng báo cáo giải trình tại hội trường. Ảnh: Lê Hải
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trương Việt Dũng cũng làm rõ thêm về công tác đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và đô thị. Theo đó, 6 tháng cuối năm, Thành phố sẽ đẩy nhanh các dự án giao thông, khởi công cầu Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Vân Phúc dịp 2/9/2025 và Thượng Cát dịp 10/10/2025, tăng cường giải ngân Vành đai 4 lên 50% kế hoạch vào quý IV/2025.
Triển khai Kế hoạch chống ngập úng 2025, lắp đặt 50 trạm bơm tự động tại khu vực nội đô, xử lý các vi phạm trật tự đô thị. Đối với việc bổ sung các tuyến đường sắt đô thị vào danh mục quy hoạch không gian ngầm, tới đây, Thành phố sẽ rà soát, điều chỉnh cục bộ các quy hoạch phân khu, quy hoạch không gian ngầm khu vực nội đô để đảm bảo tổng thể với đề án phát triển đường sắt đô thị.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết. Ảnh: Lê Hải
Về xử lý ô nhiễm môi trường và rác thải, 6 tháng cuối năm, Thành phố sẽ nâng công suất xử lý rác lên 8.000 tấn/ngày, đáp ứng 90% nhu cầu, hoàn thành Nhà máy đốt rác phát điện Sóc Sơn giai đoạn 2. Cùng với đó, đẩy nhanh Dự án xử lý nước thải Việt Hưng, Nam An Khánh, giảm 50% ô nhiễm sông nội đô (chỉ số COD xuống 25 mi li gram/l) trong năm 2025. Đồng thời, triển khai phân loại rác tại nguồn cho 80% hộ dân đô thị (trong năm 2026), hỗ trợ 50 làng nghề lắp đặt hệ thống xử lý nước thải. Ngoài ra, có các giải pháp phối hợp liên vùng qua Kế hoạch kiểm soát ô nhiễm sông Cầu Bay - Bắc Hưng Hải, ký thỏa thuận với Bắc Ninh, Hưng Yên trong năm 2025.
Trong lĩnh vực giáo dục, giai đoạn 2022-2025, Thành phố đã tập trung nguồn lực cho 635 dự án với tổng vốn dự kiến 23.150 tỷ đồng. Tính đến nay, đã bố trí gần 22.000 tỷ đồng cho 610 dự án (đạt 95% kế hoạch vốn), dự kiến đến cuối năm 2025 sẽ có 498 dự án hoàn thành.
Tính đến 30/6/2025, có 76,8% trường công lập đạt chuẩn Quốc gia. Một số dự án đầu tư xây dựng trường sẽ được hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng vào cuối năm, dự kiến tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia vào cuối năm 2025 sẽ trên 80%, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII.
Về chính sách hỗ trợ bữa ăn bán trú, UBND Thành phố đã ban hành hướng dẫn thực hiện bữa ăn với mức tối đa 30.000 đồng/học sinh/ngày, đảm bảo cơ cấu dinh dưỡng hợp lý. Trước mắt, chính sách này được triển khai thí điểm tại 23 trường tiểu học thuộc các xã miền núi và khu vực bãi giữa sông Hồng, có cơ chế kiểm tra, giám sát định kỳ để đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả.
Đại biểu Phạm Đình Đoàn phát biểu ý kiến tại hội trường. Ảnh: Lê Hải
Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Phạm Đình Đoàn, Tổ đại biểu 22, nhấn mạnh: 6 tháng đầu năm 2025, Thành phố đã nỗ lực với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt gần 8% - kết quả tốt nhất trong 15 năm qua. Để duy trì đà phát triển không chỉ năm nay mà các năm tiếp theo trên 10% là một thách thức lớn đối với Thành phố. Theo đó, đại biểu Phạm Đình Đoàn cho rằng Thành phố cần lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp, mở rộng các kênh tiếp nhận hiến kế, khơi dậy tinh thần phản biện của người dân. Thành phố không chỉ cần các tòa nhà mới, con đường mới mà còn cần con người mới, có tri thức, khát vọng vươn lên và tình yêu với Hà Nội. Hà Nội phải là nơi doanh nghiệp được đồng hành, bạn bè quốc tế được chào đón. Trí thức, doanh nhân mong được đóng góp cho Thủ đô, do đó, Thủ đô cần có phương thức để đón nhận sự ủng hộ đó.