Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh (phải) gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động Thủ đô năm 2025
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh, để chuẩn bị cho Hội nghị, trong gần 2 tháng qua, LĐLĐ Thành phố đã tổ chức lấy ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNLĐ). Kết quả đã tiếp nhận được trên 500 ý kiến, kiến nghị. Qua tổng hợp, CNLĐ có ý kiến đề xuất với Thành phố và các sở, ngành liên quan tập trung vào 4 nhóm vấn đề: (1) Nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; trường học cho con công nhân; (2) Chăm sóc sức khỏe, y tế, bảo hiểm xã hội, an toàn thực phẩm; (3) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề; chuyển đổi nghề, tạo việc làm mới cho người lao động; (4) Hỗ trợ doanh nghiệp.
Đảm bảo chế độ tiền lương, thu nhập tăng thêm cho người lao động
Tại Hội nghị, đề cập đến vấn đề thu nhập tăng thêm cho công nhân lao động, chị Vũ Thị Huệ (Trung tâm Y tế quận Long Biên) nêu ý kiến: Thực hiện Luật Thủ đô, từ ngày 1/1/2025, cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc Thành phố quản lý được hưởng thu nhập tăng thêm 0,8 căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc. Tuy nhiên, các Trung tâm Y tế quận huyện, các trường học công lập thuộc Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ một phần chi thường xuyên (mặc dù tỷ lệ tự chủ rất thấp) nên đội ngũ cán bộ y tế tuyến y tế cơ sở và viên chức giáo dục không được hưởng thu nhập tăng thêm đó.
"Đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng của Thành phố, nghiên cứu, xem xét trình cơ quan có thẩm quyền cho phép cán bộ y tế tuyến cơ sở được hưởng phụ cấp 0,8 như các công chức, viên chức khác của Thành phố", chị Vũ Thị Huệ kiến nghị.
Chị Vũ Thị Huệ (Trung tâm Y tế quận Long Biên) nêu ý kiến
Về mức lương tối thiểu của người lao động, chị Bùi Thị Hoa (Trường Mầm non Hoa Sữa) đề xuất: Nhân viên diện lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp công lập đang được hưởng mức tiền công theo mức lương tối thiểu vùng hiện hành là 4.960.000đ/tháng. Mức lương này quá thấp, khó đáp ứng với mức sống tối thiểu của xã hội hiện tại. Nghị định số 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Bởi vậy, các trường hợp diện hợp đồng lao động (không phải là viên chức) trong đơn vị sự nghiệp công lập không được hưởng chế độ tiền thưởng như trên, trong khi đó họ cũng làm việc, cống hiến trong suốt quá trình công tác.
Do đó, chị Bùi Thị Hoa kính đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét về chế độ tiền lương và chế độ tiền thưởng đối với đối tượng lao động hợp đồng.
Trả lời ý kiến của chị Vũ Thị Huệ (Trung tâm Y tế quận Long Biên), Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết: Căn cứ khoản 3 Điều 15 Luật Thủ đô; căn cứ Nghị quyết số 46/2024/NQ-HĐND ngày 10/12/2024 của HĐND thành phố Hà Nội, ngày 29/12/2024, UBND Thành phố đã có Văn bản số 4405/UBND-SNV về tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, trong đó giao nhiệm vụ Sở Tài chính Hà Nội xác định danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc Thành phố quản lý được hưởng chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 46/2024/NQ-HĐND. Ngày 3/1/2025, Sở Tài chính Hà Nội đã có Tờ trình số 43/TTr-STC tham mưu báo cáo UBND Thành phố ban hành Quyết định số 166/QĐ-UBND ngày 10/1/2025 về việc tạm cấp bổ sung kinh phí năm 2025 để thực hiện chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 46/2024/NQ-HĐND ngày 10/12/2024 của Hội đồng nhân dân Thành phố; theo đó Sở Tài chính Hà Nội đã tổng hợp và đề xuất xác định tạm cấp bổ sung kinh phí chi thu nhập tăng thêm cho các đơn vị sự nghiệp công lập không có nguồn thu theo đúng đối tượng tại Nghị quyết số 46/2024/NQ-HĐND.
"Như vậy, hiện nay đơn vị sự nghiệp công lập có thu không thuộc đối tượng áp dụng được hưởng chi thu nhập tăng thêm theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật Thủ đô; Nghị quyết số 46/2024/NQ-HĐND ngày 10/12/2024 của HĐND thành phố Hà Nội. Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Văn bản số 4405/UBND-SNV ngày 29/12/2024 của UBND Thành phố về việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Tài chính theo dõi, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 46/2024/NQ-HĐND và những đề xuất, kiến nghị, đánh giá tác động trong quá trình triển khai thực hiện để báo cáo, tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết thay thế từ năm 2026 đảm bảo đúng quy định", Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội nói.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Tây Nam giải đáp các đề xuất, kiến nghị của công nhân lao động tại Hội nghị
Về kiến nghị của chị Bùi Thị Hoa (Trường Mầm non Hoa Sữa), Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Tây Nam trả lời: Tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập quy định: “Chế độ chính sách đối với lao động hợp đồng thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động phù hợp với quy định của pháp luật. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm đến chế độ chính sách, quyền lợi hợp pháp của người lao động”.
Tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động quy định: “Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp đúng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng”.
Quang cảnh Hội nghị
Đối chiếu các quy định nêu trên, nhân viên hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập đang được hưởng mức tiền công theo mức lương tối thiểu vùng hiện hành là 4.960.000 đồng là không trái quy định pháp luật. "Đối với kiến nghị xem xét lại mức lương 4.960.000 đồng là quá thấp, Thành phố ghi nhận, đồng thời sẽ yêu cầu người sử dụng lao động tại các đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm quan tâm đến chế độ chính sách, quyền lợi hợp pháp của người lao động theo đúng quy định.", Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Tây Nam nhấn mạnh.
Phải có phản hồi lại từng nhóm vấn đề cho công nhân lao động
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định Hội nghị đối thoại hôm nay là sự kiện thường niên có ý nghĩa quan trọng và qua các năm đã phản ánh được hiệu quả thiết thực.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Hội nghị
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh, trong hơn 2 giờ vừa qua, lãnh đạo Thành phố đã nghe 20 ý kiến trao đổi trực tiếp và 16 câu hỏi gửi Ban Tổ chức. Các câu hỏi rất thẳng thắn với nhiều nội dung thiết thực, nhiều câu hỏi chính đáng của CNLĐ Thủ đô. Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh, hướng tới xây dựng giai cấp công nhân ngày càng hiện đại, tiên tiến; môi trường làm việc tốt hơn đáp ứng yêu cầu đổi mới, những vấn đề mang tính đại diện và phổ quát để các đơn vị, sở ngành cùng nhìn nhận trao đổi cùng tháo gỡ.
Nhấn mạnh các vấn đề CNLĐ nêu rất trúng và đúng, Chủ tịch UBND Thành phố đánh giá các đồng chí lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo các địa phương đã trao đổi, giải đáp nhiều câu hỏi của CNLĐ. Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định qua Hội nghị đã nắm được nhiều thông tin, tâm tư của CNLĐ và hứa sẽ có chỉ đạo cụ thể các sở, ngành, đơn vị phối hợp cùng lãnh đạo LĐLĐ Thành phố thực hiện tốt các nhiệm vụ, chức năng của mình, đảm bảo đời sống, việc làm, giải quyết kiến nghị của CNLĐ.
Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị, để đáp ứng được yêu cầu đổi mới, bước vào kỷ nguyên vươn mình, xây dựng đội ngũ CNLĐ, ngay từ bây giờ, trước hết, các cơ quan đơn vị củng cố lại bộ máy hành chính, tạo đà cho kỷ nguyên mới. Xác định hệ thống văn bản, thể chế từ hiến pháp đến quy định của pháp luật; tăng cường hội nhập và phát triển khoa học công nghệ đổi mới, sáng tạo; xác định rõ hơn vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân. Đây là vấn đề cốt cán, cốt yếu để chúng ta chuyển mình vươn lên.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu trao quà cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn.
Chủ tịch UBND Thành phố đánh giá cao và yêu cầu các sở, ngành giao cho các đầu mối, phối hợp với LĐLĐ Thành phố trả lời ý kiến rất “trúng và đúng” của CNLĐ. Những nội dung gì thuộc thẩm quyền của Thành phố phải tập hợp và xử lý ngay; những nội dung gì không thuộc thẩm quyền thì tổng hợp và kiến nghị cấp trên. Với từng phần việc phải có phản hồi lại từng nhóm vấn đề cho CNLĐ.