Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương tuyến buýt điện số 43
Tham dự Lễ khai trương có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Tuyến buýt điện số 43 có lộ trình dài gần 27 km, đi qua các trục giao thông huyết mạch của Thủ đô, kết nối khu vực Đông Anh với trung tâm Hà Nội.
Tuyến buýt điện số 43 khai trương trong sáng 5/6
Lộ trình cụ thể như sau: Kim Mã (số 1 Kim Mã) - Giảng Võ - Hào Nam - Ô Chợ Dừa - Khâm Thiên - Nguyễn Thượng Hiền - Trần Bình Trọng - Trần Hưng Đạo - Quang Trung - Lý Thường Kiệt - Phan Chu Trinh - Lý Thái Tổ - Ngô Quyền - Hàng Vôi - Hàng Tre - Hàng Muối - Trần Nhật Duật - Yên Phụ - điểm trung chuyển Long Biên - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - cầu Chương Dương - Nguyễn Văn Cừ - Lý Sơn - cầu Đông Trù - Trường Sa - Ngã 3 Dâu Canh - Quốc lộ 3 - Cao Lỗ - Thị trấn Đông Anh (ngã 3 xay sát Đông Anh) và ngược lại.
Xe sẽ hoạt động từ 5h đến 21h hằng ngày với tần suất 15-20 phút/lượt. Giá vé niêm yết là 12.000 đồng/lượt.
Các điểm đón/trả của tuyến được bố trí hợp lý, kết nối các điểm trung chuyển lớn như Bến xe Kim Mã, Điểm trung chuyển Long Biên và các khu dân cư tại Đông Anh như Khu đô thị Vinhomes Global Gate (Cổ Loa)...
Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup phát biểu tại buổi Lễ
Đặc biệt, tuyến buýt kết nối trực tiếp với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, góp phần tạo thành một hệ thống giao thông công cộng xanh, đồng bộ và tiện lợi cho người dân.
Tuyến buýt 43 cũng mở ra hành trình di chuyển thuận tiện tới Trung tâm Triển lãm quốc gia - công trình biểu tượng sắp khai trương của Hà Nội - điểm đến mới của người dân và du khách trong thời gian tới.
Trong 5 tháng đầu năm 2025, bên cạnh VinBus, hàng loạt doanh nghiệp vận tải công cộng hàng đầu tại Hà Nội như Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), Công ty cổ phần Vận tải Neway, Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến và gần nhất là Công ty cổ phần Xe điện Hà Nội đã tích cực chuyển đổi sang xe buýt điện.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại Lễ khai trương
Phát biểu tại Lễ khai trương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh: Ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là hai vấn đề thách thức lớn đặt ra đối với Thủ đô và đã được đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt quan tâm, chỉ đạo để giải quyết. Nhiều giải pháp đã được thực hiện, trong đó đặc biệt Thành phố đang tập trung chỉ đạo để phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng sử dụng năng lượng xanh.
Thực hiện Quyết định số 876 ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 6004 ngày 18/11/2024 của UBND Thành phố, vừa qua, UBND Thành phố tiếp tục ban hành Kế hoạch số 149 ngày 19/5/2025 nhằm cụ thể hóa lộ trình chuyển đổi và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện, năng lượng xanh. Theo đó, chậm nhất đến năm 2030, 100% phương tiện xe buýt trên địa bàn Thành phố sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trải nghiệm tuyến buýt điện số 43
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng thông tin, vừa qua, với tinh thần trách nhiệm cao, Công ty VinBus đã chủ động đề xuất và phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành Thành phố để triển khai tuyến buýt điện số 43 kết nối từ khu vực trung tâm tới phía Bắc của Thủ đô.
"Việc chính thức đưa tuyến vào hoạt động từ ngày hôm nay có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ giao thông công cộng và cải thiện môi trường đô thị, là minh chứng cụ thể cho sự quyết tâm chính trị cao và hành động thực tiễn mạnh mẽ của Thành phố trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định.
Thay mặt Lãnh đạo Thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, cố gắng và tinh thần tiên phong, trách nhiệm của Công ty VinBus và các đơn vị liên quan.
Để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng theo hướng xanh - sạch - thông minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành Thành phố và đơn vị liên quan triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp theo từng nhóm nhiệm vụ trong Kế hoạch số 149, từ quy hoạch hạ tầng, phát triển mạng lưới tuyến, đến ứng dụng công nghệ và truyền thông. Đồng thời chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành Thành phố và đơn vị liên quan sớm hoàn thành, tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết sửa đổi bổ sung điểm c khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 07 (dự kiến chậm nhất là tháng 7/2025) để cụ thể hóa những cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện đầu tư, chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch cũng như đầu tư hệ thống hạ tầng, trạm sạc đầy đủ, đồng bộ phục vụ người dân.
Cùng với đó khẩn trương xây dựng và trình Thành phố ban hành bộ đơn giá, định mức cho xe buýt điện nhỏ và trung bình làm cơ sở để triển khai đấu thầu các tuyến buýt sử dụng xe điện và thực hiện chuyển đổi các loại phương tiện tham gia giao thông sử dụng năng lượng xanh theo lộ trình.
Đối với Công ty VinBus, đồng chí đề nghị đơn vị tích cực tham gia, đóng góp vào quá trình đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi các phương tiện xe buýt sử dụng năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố; Tiếp tục duy trì chất lượng dịch vụ, tăng cường triển khai các giải pháp để thu hút hơn nữa người dân sử dụng phương tiện công cộng, góp phần giảm phương tiện cá nhân, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông của Thủ đô.
Theo ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông thành phố Hà Nội, với việc đưa vào vận hành tuyến buýt điện số 43, tổng số xe buýt điện, năng lượng xanh hiện đang chiếm 20,3% số xe toàn mạng trợ giá của Thành phố. Sự xuất hiện của tuyến buýt điện số 43 tiếp tục góp phần nâng cao chất lượng đoàn phương tiện xe buýt, làm xanh hóa bộ mặt giao thông công cộng của Thủ đô, đồng thời mang đến một lựa chọn giao thông chất lượng cao, văn minh cho người dân.