VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Ngày 13/6, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 165/KH-UBND về Tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2025) và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2025).
Theo đó, Lễ kỷ niệm nhằm ôn lại chặng đường vẻ vang 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Công an nhân dân và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Qua đó, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời, khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của Nhân dân trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội thời gian tới.
Lễ kỷ niệm được dự kiến tổ chức lúc 09h00 - 11h00, ngày Thứ Tư 30/7/2025 tại Nhà hát Hồ Gươm, số 40 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm với số lượng đại biểu khoảng 900 người gồm: Đại biểu các Ban, Bộ, Ngành Trung ương; Đại biểu Thành phố; Đại biểu Công an Thành phố; Đại biểu khác... Sự kiện được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên các nền tảng của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.
Đề nghị Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy chủ trì xây dựng đề cương tuyên truyền theo lộ trình cụ thể, nêu bật vai trò, thành tích, chiến công của lực lượng Công an Thủ đô qua từng thời kỳ để các tầng lớp nhân dân hiểu, chia sẻ và đồng hành cùng lực lượng Công an…
Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức tuyên truyền cổ động trực quan trên một số tuyến phố, màn hình công cộng về Lễ kỷ niệm và truyền thống 80 năm Công an nhân dân. Chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố và các đơn vị liên quan trong việc lựa chọn mẫu tranh cổ động, trực quan đảm bảo nội dung tuyên truyền sinh động, hình thức hấp dẫn, làm nổi bật hình ảnh người chiến sĩ Công an Thủ đô qua các giai đoạn lịch sử.
Công an Thành phố là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan như: Ban Tuyên giáo - Dân vận Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng UBND Thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Hội Cựu Công an nhân dân Thành phố… đảm bảo Lễ kỷ niệm được tổ chức chu đáo, an toàn và hiệu quả.
Tăng cường bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin trong quá trình sáp nhập, tổ chức lại đơn vị hành chính
Ngày 15/6, UBND Thành phố ban hành Công văn số 3518/UBND-CAHN về việc bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin trong quá trình sáp nhập, tổ chức lại trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, căn cứ nội dung đề nghị tại Công văn số 07/VPBCĐ ngày 08/5/2025 của Văn phòng Ban Chỉ đạo an toàn, an ninh mạng quốc gia về việc đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin trong quá trình sáp nhập tỉnh, thành phố, UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, cơ quan ngang Sở đã thực hiện sáp nhập; UBND các quận, huyện, thị xã là chủ quản hệ thống thông tin, đơn vị được giao quản lý, vận hành hệ thống phối hợp Công an Thành phố triển khai thực hiện: Xây dựng phương án vận hành, đồng bộ dữ liệu đối với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; bảo đảm tính sẵn sàng, không để dừng/gián đoạn hệ thống, dịch vụ mà không có kế hoạch trước; có giải pháp sao lưu, dự phòng hệ thống, dữ liệu; rà soát toàn bộ các tài khoản hệ thống, cán bộ, phân quyền phù hợp với vị trí nhiệm vụ, vị trí công tác; thu hồi các tài khoản của các cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, chuyển vị trí công tác...; áp dụng xác thực đa nhân tố, lưu nhật ký đăng nhập và không chia sẻ, dùng chung tài khoản; đề xuất nguồn kinh phí đầu tư trang thiết bị; đào tạo nhân lực chất lượng cao và tự tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ về an ninh mạng, an toàn thông tin ...
Công an Thành phố sẽ phối hợp với các đơn vị nêu trên rà soát, thống kê hệ thống thông tin, đánh giá điểm yếu bảo mật, quét mã độc trên các máy chủ, máy trạm và kiểm tra định kỳ các nguy cơ gây mất an ninh mạng.
Ngoài ra, Công an Thành phố phối hợp với các thành viên Tiểu ban An toàn, An ninh mạng Thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND Thành phố phổ biến quy định trong công tác đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin, bảo mật cho các hệ thống và trong quá trình khai thác tới cán bộ công chức, viên chức; tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức và nắm tình hình trên không gian mạng hoạt động mua bán dữ liệu, tài khoản người dùng và tài khoản quản trị, hệ thống; các điểm yếu, lỗ hổng bảo mật, tình trạng mất an ninh mạng, an toàn thông tin để kịp thời xử lý.
Tăng tốc kiểm soát thủ tục hành chính sau khi sắp xếp đơn vị hành chính
Ngày 15/6, UBND Thành phố ban hành Công văn số 3528/UBND-NC về việc triển khai một số nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính sau khi sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, để đảm bảo việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp được diễn ra thông suốt, không gián đoạn sau quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp, UBND Thành phố chỉ đạo các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ chính sau:
Các Sở, ban, ngành Thành phố phải khẩn trương rà soát toàn bộ danh mục thủ tục hành chính theo ngành, lĩnh vực quản lý; thống kê đầy đủ danh mục thủ tục hành chính bao gồm các thủ tục hành chính đặc thù thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở, ban, ngành Thành phố; UBND cấp huyện, UBND cấp xã theo ngành lĩnh vực phụ trách. Đồng thời, rà soát toàn bộ các nội dung ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính theo Quyết định số 4610/QĐ-UBND ngày 22/12/2022, số 6680/QĐ-UBND ngày 29/12/2023, số 3240/QĐ-UBND ngày 21/6/2024 của UBND Thành phố về việc phê duyệt phương án ủy quyền trong giải quyết TTHC để kịp thời tham mưu, điều chỉnh các nội dung ủy quyền. Các thủ tục hành chính phải được công bố, công khai kịp thời và xây dựng quy trình giải quyết phù hợp với tổ chức bộ máy mới.
UBND Thành phố yêu cầu việc giải quyết thủ tục hành chính không làm phát sinh thêm giấy tờ, thời gian hoặc chi phí cho người dân và doanh nghiệp; không yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp lại hồ sơ đã nộp hoặc lặp lại quy trình đã thực hiện trước khi sắp xếp.
Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố có nhiệm vụ thực hiện tiếp nhận thủ tục hành chính bảo đảm thông suốt, kịp thời, không quy định thêm yêu cầu, điều kiện hoặc làm phát sinh chi phí; hướng dẫn bàn giao hồ sơ, xây dựng và phê duyệt quy trình điện tử đối với việc giải quyết từng thủ tục hành chính theo sự thay đổi của quy định thủ tục hành chính khi sắp xếp tổ chức bộ máy cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố; đồng thời kiểm soát chất lượng dự thảo Quyết định và kịp thời công bố thủ tục hành chính theo quy định; rà soát, tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm dịch vụ không phụ thuộc vào địa giới hành chính, đúng với chỉ đạo của Chính phủ, UBND Thành phố.
UBND các quận, huyện, thị xã được giao phối hợp với các sở, ngành và Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố để xử lý các thủ tục đã tiếp nhận trước ngày 30/6/2025, bảo đảm việc giải quyết không bị gián đoạn.
Triển khai Nghị định số 111/2025/NĐ-CP ngày 22/5/2025 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập
Ngày 15/6, UBND Thành phố ban hành Công văn số 3521/UBND-KT về việc thực hiện Nghị định số 111/2025/NĐ-CP ngày 22/5/2025 của Chính phủ.
Theo đó, ngày 22/5/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2025/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định số 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/7/2025 và áp dụng từ năm ngân sách 2025. Trước yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý tài chính công, UBND Thành phố giao các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã (Chính quyền cơ sở) tập trung triển khai 3 nhiệm vụ trọng tâm:
Về giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập: Trước ngày 30/7/2025, cơ quan quản lý cấp trên cần xác định, phân loại và ra quyết định giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, dựa trên ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan tài chính cùng cấp.
Về tham mưu ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công: Các sở chuyên ngành trực thuộc Thành phố có trách nhiệm rà soát, đề xuất sửa đổi hoặc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo phân cấp và khả năng ngân sách địa phương, đảm bảo phù hợp với dự toán được HĐND Thành phố thông qua.
Về ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có): Căn cứ các định mức của các lĩnh vực do bộ, cơ quan trung ương ban hành, Thành phố sẽ xây dựng giá dịch vụ sự nghiệp công theo quy định để làm cơ sở đặt hàng, đấu thầu cung ứng. Đối với những danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan trung ương không ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, giao các sở chuyên ngành có trách nhiệm tham mưu, trình UBND Thành phố ban hành để thực hiện tại địa phương.
Trong quá trình thực hiện Nghị định số 111/2025/NĐ-CP nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, các đơn vị cần báo cáo bằng văn bản về Sở Tài chính, nêu rõ nội dung và đề xuất giải pháp để tổng hợp, trình UBND Thành phố xem xét chỉ đạo.
Quy định về tiêu chí, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu một số sản phẩm, dịch vụ công lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn
Ngày 16/6, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 36/2025/QĐ-UBND về Ban hành Quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng; đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu đối với một số sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định, quy định 13 nhóm sản phẩm, dịch vụ công trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn được đưa vào phạm vi điều chỉnh, bao gồm: Công tác phối giống, bảo vệ và phát triển rừng, nuôi dưỡng - cứu hộ động vật hoang dã, duy tu bảo dưỡng đê điều, giám sát và dự báo chất lượng nước, phân tích kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp, hoạt động khuyến nông, phát triển sản xuất trồng trọt - chăn nuôi - thủy sản, môi trường nông nghiệp, đến cung ứng giống gà mía gốc… áp dụng cho các đối tượng sau: Sở Nông nghiệp và Môi trường; UBND cấp xã; cơ quan quản lý trực thuộc được ủy quyền giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp sản phẩm, dịch vụ; tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ công phù hợp với yêu cầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của Nhà nước; các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc tổ chức thực hiện và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.
Quy định cũng nêu rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng đối với từng nhóm dịch vụ. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn trích dẫn tại Quy định kèm theo Quyết định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn khác thì áp dụng quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Việc đánh giá, kiểm định chất lượng sẽ được thực hiện trong suốt quá trình cung cấp dịch vụ. Khi phát hiện sai sót trong quá trình cung ứng các dịch vụ, các cơ quan được giao quản lý thực hiện nhiệm vụ yêu cầu bên cung ứng dịch vụ khắc phục, xử lý các sai sót. Trong quá trình kiểm tra, đánh giá, chủ đầu tư muốn kiểm định chất lượng dịch vụ sẽ tiến hành thuê các đơn vị có chức năng phù hợp theo quy định thực hiện kiểm định chất lượng sản phẩm, dịch vụ công.
Hoạt động kiểm tra và nghiệm thu được quy định rõ ràng, trong đó kiểm tra về kế hoạch, tiến độ kết quả thực hiện, tính hợp pháp, mức độ phù hợp với quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật. Đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện dịch vụ tự kiểm tra 100% khối lượng, chất lượng sản phẩm và tiến độ thực hiện từng hạng mục công việc; chủ động thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc tổ chức thực hiện dịch vụ theo trách nhiệm của mình. Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lập kế hoạch kiểm tra một phần theo chuyên đề hoặc toàn bộ nội dung dịch vụ tùy theo mục đích kiểm tra cụ thể của từng trường hợp. Đồng thời, biên bản kiểm tra, báo cáo kết quả kiểm tra của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp là kết quả của hoạt động kiểm tra và là một trong những căn cứ để thực hiện nghiệm thu dịch vụ. Đối với công tác nghiệm thu, thủ trưởng đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở; chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên và trước pháp luật về kết quả nghiệm thu khối lượng, chất lượng sản phẩm. Sở Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu kết quả cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Biên bản nghiệm thu là một trong những căn cứ pháp lý để đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp thực hiện thanh toán và quyết toán kinh phí thực hiện dịch vụ.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý có trách nhiệm tổ chức việc lưu trữ hồ sơ nghiệm thu, hồ sơ thẩm định nhiệm vụ hoàn thành các dịch vụ theo quy định để phục vụ công tác quản lý, thanh quyết toán. Nghiêm cấm việc giả mạo, làm sai lệch và thất lạc hồ sơ nghiệm thu dịch vụ.
Cho Công ty cổ phần Tập đoàn S.S.G thuê hơn 38.800m² đất tại Long Biên để Đầu tư xây dựng Trường THPT Chất lượng cao
Ngày 14/6, UBND Thành phố ban hành Quyết định 2948/QĐ-UBND về việc cho Công ty cổ phần tập đoàn S.S.G thuê 38.886,8m2 đất tại phường Bồ Đề, quận Long Biên để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng Trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân tại phường Bồ Đề, quận Long Biên.
Theo Quyết định, cho Công ty cổ phần Tập đoàn S.S.G thuê 38.886,8m2 đất tại phường Bồ Đề, quận Long Biên để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng Trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân theo Quyết định số 1114/QĐ-UBND ngày 17/4/2012 của UBND quận Long Biên về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức đấu thầu lựa chọn Nhà đầu tư; vị trí, ranh giới mốc giới khu đất giới hạn bởi các mốc: A, B, C, D, E, E*, K*, L, L1, L2, M, M1, M2, N tại sơ đồ kèm theo Biên bản định vị tọa độ mốc ngày 26/4/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường và bản vẽ Tổng mặt bằng QH-02, tỷ lệ 1/500 do Công ty TNHH Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị và Cộng sự lập, được Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận với hình thức sử dụng đất là Nhà nước cho thuê đất có thu tiền thuê hàng năm và thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thuê trong 50 năm kể từ ngày ký quyết định.
Công ty cổ phần Tập đoàn S.S.G có trách nhiệm liên hệ Sở Nông nghiệp và Môi trường để xác định tiền thuê đất và để được bàn giao đất trên bản đồ và ngoài thực địa, ký Hợp đồng thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định. Đồng thời, sử dụng diện tích đất được giao trong phạm vi mốc giới; thực hiện đúng quy định về quản lý đầu tư, xây dựng. Trong vòng 12 tháng kể từ ngày bàn giao thực địa Công ty phải đưa đất vào sử dụng. Nếu chậm quá 24 tháng và hết thời gian gia hạn 24 tháng vẫn chưa đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng đất không đúng nội dung, UBND Thành phố sẽ thu hồi đất mà không bồi thường.
Trách nhiệm các cơ quan liên quan: Sở Nông nghiệp và Môi trường xác định nghĩa vụ tài chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giám sát chấp hành pháp luật đất đai; Sở Xây dựng thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng, giám sát công trình; Sở Tài chính, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Chi cục Thuế khu vực I hỗ trợ, giám sát tiến độ, nghĩa vụ tài chính, phù hợp quy hoạch; UBND quận Long Biên quản lý nguồn gốc đất, giải phóng mặt bằng; đề xuất phương án sử dụng diện tích 2.849m² đất trồng cây xanh cách ly theo quy hoạch.
Ban hành quy trình, định mức kinh tế - kỹ thuật công tác quản lý vận hành các quỹ nhà thuộc tài sản công
Ngày 16/6, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 35/2025/QĐ-UBND về Ban hành quy trình, định mức kinh tế - kỹ thuật công tác quản lý vận hành các quỹ nhà thuộc tài sản công (bao gồm quỹ nhà để ở, quỹ nhà không để ở và trụ sở, công sở) trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định, phạm vi điều chỉnh bao gồm toàn bộ quỹ nhà để ở, quỹ nhà không để ở, cũng như trụ sở, công sở do Thành phố quản lý. Cụ thể: Quỹ nhà để ở bao gồm nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, ký túc xá sinh viên, nhà ở công vụ, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cũ; quỹ nhà không để ở: các diện tích kinh doanh dịch vụ tại nhà ở công vụ, nhà công nhân, nhà ở sinh viên, các nhà chuyên dùng và các hạng mục thương mại được bàn giao về thành phố quản lý; trụ sở, công sở: các khu liên cơ như Võ Chí Công, Vân Hồ, các Sở ngành, UBND xã/phường... áp dụng cho các đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước gồm các Sở, ngành; UBND các xã, phường (chính quyền cấp cơ sở) và tổ chức, cá nhân có liên quan tới công tác quản lý, vận hành các quỹ nhà thuộc tài sản công.
Quyết định nêu rõ, công tác quản lý vận hành các quỹ nhà thuộc tài sản công sẽ được thực hiện theo hệ thống quy trình cụ thể, bao gồm: 13 quy trình kiểm tra thường xuyên hệ thống trang thiết bị tòa nhà như: Hệ thống thang máy, điện, cấp và thoát nước, trang thiết bị PCCC, thông gió, điều hòa không khí, thiết bị điện nhẹ... và 20 quy trình vệ sinh, bảo dưỡng các hạng mục công trình: Công tác quét và lau sảnh, hành lang; vệ sinh thang máy; vệ sinh cửa đi bằng kim loại; vệ sinh vỉa hè, sân bãi, lối đi xung quanh; vệ sinh phòng hội trường...
Bên cạnh đó, 34 định mức kinh tế - kỹ thuật tương ứng cũng được ban hành, cụ thể: Quét sảnh, hành lang; lau cầu thang bộ; vệ sinh phòng vệ sinh chung của tòa nhà; vệ sinh phòng tiếp nhận rác; thau rửa bể nước ngầm; vệ sinh cửa gỗ công nghiệp; kiểm tra hệ thống điện, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, thông gió, chống sét, thang cuốn, điều hòa... Định mức dự toán các công tác quản lý, vận hành tòa nhà xác định theo mức hao phí về vật liệu, lao động và máy để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác quản lý, vận hành công trình từ khi chuẩn bị đến khi kết thúc công tác theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Đồng thời định mức này được lập trên cơ sở các quy định, quy trình và yêu cầu đối với việc thực hiện các công tác quản lý, vận hành nhà chung cư, trụ sở, công sở;...
Sở Xây dựng được giao cùng các Sở ngành có liên quan hướng dẫn Trung tâm Quản lý nhà Thành phố thực hiện và rà soát các nội dung còn chưa hợp lý để tham mưu điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Trung tâm Quản lý nhà Thành phố có trách nhiệm xây dựng đơn giá trên cơ sở quy trình, định mức được phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.
Phê duyệt đề cương nghiên cứu chính sách thu hút đầu tư vào công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, công nghệ số và các ngành mới nổi
Ngày 16/6, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3014/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ "Nghiên cứu, xây dựng chính sách thu hút đầu tư để Hà Nội dẫn đầu khu vực phía Bắc về phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, công nghệ số và các ngành mới nổi".
Theo đó, với thực tiễn phát triển của các ngành công nghệ vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo và công nghệ số, các ngành mới nổi cùng với các chính sách hiện hành của Việt Nam và Hà Nội hiện nay đang là những viên gạch đầu tiên tạo nền móng cho sự phát triển này trong tương lai. Tuy nhiên, để thực sự vươn lên dẫn đầu khu vực phía Bắc và cả nước, Hà Nội cần nhiều việc phải làm. Do đó, việc thực hiện "Nghiên cứu, xây dựng chính sách thu hút đầu tư để Hà Nội dẫn đầu khu vực phía Bắc về phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, công nghệ số và các ngành mới nổi" có ý nghĩa quan trọng để Thành phố trở thành điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, góp phần thúc đẩy kinh tế Thủ đô tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030 và những năm tiếp theo.
Đối tượng nghiên cứu của Đề cương chính là hoạt động thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp nêu trên. Khách thể gồm các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức quản lý, cơ quan ban ngành liên quan và trong phạm vi không gian: Trên địa bàn thành phố Hà Nội, có tính đến liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay. Đề cương tập trung 04 phương pháp nghiên cứu, cụ thể: Phương pháp thu thập dữ liệu; khảo cứu, phân tích tài liệu thứ cấp; phương pháp chuyên gia; phương pháp thống kê, so sánh và phương pháp khảo sát thực địa và thực hiện trong năm 2025.
Các nội dung nghiên cứu chính để thực hiện nhiệm vụ về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và công nghệ số, các ngành mới nổi gồm: (1) Nghiên cứu, xây dựng các nhóm báo cáo về một số vấn đề lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, thực trạng, đề xuất giải pháp; (2) Tổ chức 02 hội thảo khoa học: Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và công nghệ số, các ngành mới nổi - động lực và nền tảng tăng trưởng mới trong kỷ nguyên mới; đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp thu hút đầu tư đầu tư phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và công nghệ số, các ngành mới nổi trên địa bàn Hà Nội.
Bên cạnh đó, Đề cương cũng đề cập đến sản phẩm và ứng dụng sản phẩm của nhiệm vụ là các báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt và báo cáo kết quả trình UBND Thành phố. Sản phẩm của nhiệm vụ là tài liệu để lãnh đạo UBND Thành phố tham khảo trong công tác chỉ đạo, điều hành những vấn đề liên quan. Kết quả nghiên cứu của Nhiệm vụ là tài liệu có giá trị giúp các sở/ngành có liên quan như: Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở Tài chính); các địa phương nghiên cứu, tham khảo trong quá trình quản lý nhà nước; các Hiệp hội, doanh nghiệp có thể tham khảo các nội dung, kết quả đánh giá để từ đó xác định các định hướng đầu tư...
Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung đề cương, phương thức triển khai, chất lượng và tính hiệu quả, tính ứng dụng của sản phẩm đầu ra của nhiệm vụ như đã xây dựng. Đồng thời, xây dựng, phê duyệt thuyết minh, dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ và chủ động với các Sở, ban, ngành Thành phố có liên quan như Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Ban quản lý các Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Hà Nội… và các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình triển khai nghiên cứu, thu thập thông tin, lấy ý kiến; tổ chức nghiệm thu kết quả nghiên cứu, báo cáo UBND Thành phố theo quy định; hỗ trợ các cơ quan liên quan trong việc cụ thể hóa các đề xuất chính sách thành các văn bản chỉ đạo, điều hành, chương trình, hoặc dự án cụ thể của Thành phố, đảm bảo tính thiết thực và khả thi trong triển khai./.