Đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cùng Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị còn có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông; cùng hơn 200 đại biểu từ các cơ quan Trung ương, các địa phương lân cận, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước…
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh (giữa) chủ trì Hội nghị
Nhiều hoạt động nhằm cải thiện môi trường
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết: Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt, giữ vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và an ninh quốc phòng, cũng là đô thị có diện tích và dân số lớn hàng đầu cả nước; Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, đặc biệt tại khu vực nội đô có tốc độ tăng dân số cơ học rất lớn.
Đồng thời, Hà Nội là trung tâm khu vực Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. Với đặc thù này, Hà Nội luôn đối mặt với rất nhiều vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí, quá tải trong xử lý chất thải rắn, nước thải,...
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu khai mạc Hội thảo
Vì vậy, công tác bảo vệ môi trường Thủ đô luôn là vấn đề trọng tâm, được Trung ương và lãnh đạo Thành phố quan tâm hàng đầu. Điều này được thể hiện trong nhiều văn kiện quan trọng của Trung ương, Thành phố và đã được tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian qua.
Gần đây nhất là 03 văn kiện quan trọng, Luật Thủ đô sửa đổi năm 2024 và 02 Quy hoạch của Thủ đô mới được phê duyệt. Trong đó, Luật Thủ đô đã nêu cụ thể một số nhiệm vụ cần triển khai về xác định vùng phát thải thấp. Tại Quy hoạch Thủ đô, vấn đề môi trường được đặt lên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong số các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần giải quyết của Thủ đô trong giai đoạn 2025-2030.
Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo
Thực hiện chủ trương đó, Hà Nội đang quyết liệt thực hiện nhiều hoạt động nhằm cải thiện môi trường, có thể kể đến như: (1) Xử lý ô nhiễm không khí: Đang thực hiện các giải pháp giảm phương tiện xe cá nhân, tăng cường đầu tư, đưa vào sử dụng các phương tiện vận tải hành khách công cộng, chuyển đổi giao thông xanh, xóa bỏ tình trạng đốt than tổ ong, tăng cường rửa đường, giám sát vệ sinh môi trường các công trình xây dựng… (2) xử lý nước thải, làm sạch các dòng sông: Khẩn trương thực hiện các giải pháp bổ cập nước sông Tô Lịch, làm sống lại dòng sông theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm (Hà Nội đặt quyết tâm tháng 9/2025 sẽ hoàn thành nhiệm vụ bổ cập nước sông Tô Lịch), (3) Hiện đại hóa công tác thu gom rác thải, thí điểm phân loại rác tại nguồn tại 05 quận nội thành,…
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh, chất lượng môi trường tại Hà Nội chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là chất lượng môi trường không khí. Để giải quyết "bài toán" này, Thành phố rất mong muốn có sự chung tay, đồng hành, chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trên địa bàn Thành phố.
Quang cảnh Hội thảo
"Với tình cảm chân thành, tinh thần cầu thị, Ban Tổ chức Hội thảo luôn lắng nghe và mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý hãy tham góp nhiều ý tưởng sáng tạo, tâm huyết, những giải pháp khả thi cần ưu tiên để có thể nhanh chóng cải thiện chất lượng môi trường của Thành phố, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội Văn hiến, Văn minh, Hiện đại", đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Cơ sở để Hà Nội triển khai các giải pháp hiệu quả hơn
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Giáo sư, Viện sỹ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học, giáo dục của cả nước - trải qua hơn 1000 năm phát triển, cùng với quá trình hiện đại hóa Thủ đô cũng như quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, cũng như nhiều đô thị lớn trên thế giới trong quá trình phát triển, Hà Nội đang đối mặt với những vấn đề môi trường nghiêm trọng.
Các vấn đề như ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn PM2.5; ô nhiễm nguồn nước gồm cả nước mặt lẫn nước ngầm; áp lực từ chất thải rắn hay tác động của biến đổi khí hậu với tình trạng thời tiết cực đoan, suy giảm diện tích cây xanh và hệ sinh thái đô thị đã không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống, sức khỏe cộng đồng mà còn có thể làm giảm khả năng thu hút đầu tư của Hà Nội cũng như sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Chính vì vậy, việc tìm kiếm các giải pháp hiệu quả để xử lý các vấn đề môi trường cấp bách là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay.
Giáo sư, Viện sỹ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo
Theo Giáo sư Châu Văn Minh, trước những thách thức đó, vai trò của khoa học và công nghệ trong quản lý và bảo vệ môi trường ngày càng trở nên quan trọng. Trên thế giới, nhiều đô thị lớn đã ứng dụng thành công các giải pháp khoa học và công nghệ để cải thiện môi trường, chẳng hạn như hệ thống quan trắc không khí tự động, công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải, hay sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giám sát và dự báo môi trường. Chính phủ đã có nhiều chủ trương quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển đô thị bền vững và gần đây nhất là Quyết định số 1569/QĐ-TTg ngày 12/12/2024 về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, và Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 27/12/2024 về Điều chỉnh Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065 như đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố vừa đề cập. Những nghị quyết này đều đã nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở đó, Hội thảo hôm nay là một diễn đàn hữu ích để các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp cùng trao đổi, chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới, những giải pháp đột phá nhằm giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách của Hà Nội.
Quang cảnh Hội thảo
"Chúng tôi mong rằng các tham luận sẽ mang lại những phân tích khoa học sâu sắc về thực trạng ô nhiễm môi trường của Thủ đô, kinh nghiệm quốc tế trong công tác bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin về các giải pháp công nghệ và chính sách khả thi để áp dụng vào thực tiễn. Đây sẽ là cơ sở để Thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả hơn", Giáo sư Châu Văn Minh nhấn mạnh.
Giáo sư Châu Văn Minh cũng tin tưởng rằng, với những thế mạnh về khoa học công nghệ của mình, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ là đối tác tin cậy, đồng hành cùng thành phố Hà Nội trong việc giải quyết các thách thức về ô nhiễm môi trường, xây dựng một Thủ đô xanh - sạch - đẹp và phát triển bền vững, xứng tầm là Thủ đô của nước Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.