Tham dự Hội thảo có đại diện các đơn vị của Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện lãnh đạo Văn phòng: Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố; các Ban thuộc HĐND Thành phố; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố; cùng đại diện các đơn vị của Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, với vai trò là Thủ đô, Hà Nội đang đối diện với yêu cầu phát triển lớn: đến năm 2030 phải đạt tăng trưởng hai con số, GDP bình quân đầu người từ 12.000-13.000 USD (hiện mới đạt khoảng 8.000 USD), hướng tới mục tiêu trở thành thành phố toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội chủ động đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô để thể chế hóa Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời hưởng lợi từ hành lang pháp lý thuận lợi của các nghị quyết cấp Trung ương như Nghị quyết 57-NQ/TW, Nghị quyết 193/2025/QH15...
Dự kiến tháng 7 tới, Hà Nội sẽ ban hành gần 20 nghị quyết cụ thể hóa Luật Thủ đô, trong đó khoảng 10 nghị quyết liên quan trực tiếp đến khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố cho biết Hà Nội đang từng bước xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, lấy Khu công nghệ cao Hòa Lạc làm hạt nhân, kết nối hiệu quả giữa 5 nhà (Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà đầu tư - nhà truyền thông). Ngoài ra, Thành phố sẽ đầu tư mạnh vào hạ tầng khoa học công nghệ như sàn giao dịch công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm, mô hình thử nghiệm có kiểm soát.
Tuy nhiên, con người vẫn là yếu tố quyết định. Thực tế cho thấy, dù có nhiều chính sách ưu đãi, việc thu hút nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đạt kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu do chính sách chưa sát với nhu cầu của chuyên gia, còn tồn tại rào cản về thủ tục hành chính, nhập quốc tịch, sở hữu nhà ở, thị thực…
Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghệ cao và khu công nghiệp thành phố Hà Nội Lê Thanh Sơn cho biết, Hà Nội đang xây dựng Dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhân lực công nghệ cao về làm việc tại khu công nghệ cao, thực hiện theo điểm b khoản 4 Điều 24 Luật Thủ đô số 39/2024/QH15. Dự thảo gồm 4 chương, quy định cụ thể các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhân lực công nghệ cao và hoạt động đổi mới sáng tạo.
GS.TS. Bùi Thị Minh Hồng, Giám đốc Quản lý Giáo dục, Đại học VinUni, Phó Chủ tịch Quỹ VinFuture phát biểu tại Hội thảo
Theo GS.TS. Bùi Thị Minh Hồng, Giám đốc Quản lý Giáo dục, Đại học VinUni, Phó Chủ tịch Quỹ VinFuture, để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài đến làm việc tại Khu Công nghệ cao Hà Nội, cần đặc biệt chú trọng đến tầm nhìn phát triển, những bài toán lớn và cơ chế hợp tác mở.
Cùng với đó, cần xây dựng đội ngũ nghiên cứu mạnh, văn hóa tổ chức bao dung, chấp nhận sự khác biệt để người tài có thể cộng tác và phát triển. Cơ sở vật chất nghiên cứu hiện đại cũng là điều kiện cần, nhưng quan trọng hơn là cơ chế hợp tác linh hoạt, sẵn sàng mở cửa với các viện, trường, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
GS.TS. Bùi Thị Minh Hồng cũng nhấn mạnh, đãi ngộ là cần thiết, nhưng không phải yếu tố quyết định. Người giỏi sẽ đến nếu họ nhìn thấy cơ hội cống hiến thực chất và được làm việc trong một môi trường tôn trọng giá trị khoa học
Còn theo Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính, hệ thống cơ chế, chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội hiện nay về cơ bản đã khá đầy đủ. Vấn đề mấu chốt là cần triển khai nhanh, hiệu quả và đồng bộ.
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia đã góp ý sâu sắc về chính sách thu hút người tài
Một trong những giải pháp trọng tâm được ông đề xuất là Hà Nội nên tiên phong xây dựng mô hình hợp tác "ba nhà" (Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là cách tiếp cận mang tính đột phá, trong đó Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, doanh nghiệp là trung tâm triển khai, và các viện/trường là nơi cung ứng tri thức, nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó là thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo tại Hòa Lạc theo mô hình đầu tư công - quản trị tư, vận hành minh bạch, linh hoạt, hiệu quả trên cơ sở kết hợp tài sản công với năng lực điều hành tư nhân và nguồn lực xã hội. Ngoài ra, Thành phố cũng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính và sử dụng đất đai linh hoạt hơn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển nhanh chóng, hiệu quả.
Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ thành lập, phát triển thêm các khu công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sinh học… không chỉ riêng khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đồng thời, sắp tới HĐND thành phố Hà Nội sẽ có một loạt Nghị quyết liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu, Dự thảo Nghị quyết sẽ tập trung vào những vấn đề khu công nghệ cao Hòa Lạc hiện nay cần. Trước tiên là về đối tượng áp dụng, cần nhấn mạnh về nguồn nhân lực công nghệ cao gồm: chuyên gia cao cấp, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư, các giáo sư tiến sĩ có công trình, sản phẩm được ghi nhận và có thành tích đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm của Hà Nội; chuyên gia kỹ thuật công nghệ có kinh nghiệm thực tiễn hoặc đang có công trình thực tiễn; người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia ở nước ngoài hoặc người có kinh nghiệm thực tiễn, có sản phẩm, thành tích khoa học công nghệ nhìn thấy được luôn; người trẻ tài năng đã đạt các giải thưởng quốc gia và quốc tế; các nhà sáng lập ra doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, các gói chính sách đề ra trong Nghị quyết phải phân theo nhóm đối tượng, từ đó xác định được các chính sách hữu hình và vô hình, kết hợp hài hòa để tôn vinh và ghi nhận công sức đóng góp của nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào nhóm đối tượng để xem xét các chính sách như: nghiên cứu mức lương theo sản phẩm; ưu tiên thu hút chuyên gia đầu ngành tại các cơ sở lớn; chính sách về visa, cư trú cho chuyên gia nước ngoài; chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân; chương trình ươm tạo tài năng trẻ, cơ chế bảo hộ chuyên gia; hỗ trợ kết nối start up và nhà đầu tư…
Về tổ chức thực hiện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh phải gắn với mục tiêu phát triển, yêu cầu phát triển của Thủ đô trong từng giai đoạn gắn với nhiệm vụ cụ thể. Khi thực hiện phải có quy chế phối hợp nhuần nhuyễn giữa nhà nước, doanh nghiệp, nhà trường, quỹ đầu tư…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn cũng đề nghị xây dựng phương án cho Nghị quyết về thành lập vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo; Nghị quyết về thành lập sàn giao dịch công nghệ; Nghị quyết về thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm… tạo sự đồng bộ để trình HĐND Thành phố.