Cần chú trọng cơ chế, chính sách, chế độ đặc thù trong lĩnh vực thể thao (10:18 31/08/2018)


HNP - HĐND TP vừa có Báo cáo số 61/BC-HĐND về kết quả khảo sát việc thực hiện các cơ chế, chính sách về tuyển chọn, đào tạo huấn luyện viên, vận động viên; chế độ đặc thù đối với huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên của thành phố Hà Nội.

Theo đánh giá của đợt khảo sát, các thiết chế TDTT của các quận, huyện, thị xã đã được quan tâm đầu tư xây dựng tuy nhiên chưa được khai thác triệt để và chưa phát huy hết công năng sử dụng; việc triển khai thực hiện xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc do cơ chế thực hiện xã hội hóa chưa quy định cụ thể, rõ ràng. Quỹ đất dành cho TDTT còn hạn chế, đặc biệt là tại các quận nội thành; một số quỹ đất ban đầu được quy hoạch sử dụng cho TDTT lại được điều chỉnh sang mục đích sử dụng khác. Quản lý nhà nước về thể thao thành tích cao tuy đã có nhiều chuyển biến, song cơ chế hoạt động, tư duy quản lý vẫn còn bị động, phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Thành phố, chưa bắt kịp được tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, chưa đáp ứng được sự phát triển nhanh chóng của thể thao thành tích cao trong giai đoạn mới.

Định mức chi ngân sách nhà nước cho hoạt động TDTT tuy được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với nhu cầu, nên việc đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao thành tích cao gặp nhiều khó khăn. Kinh phí chi cho hoạt động hợp tác quốc tế còn hạn hẹp. Mức chi tiền dinh dưỡng hiện tại đang không còn phù hợp với thực tế. Chưa có chế độ quy định cụ thể tiền thù lao cho các đối tượng là trọng tài thể thao thành tích cao.

Bên cạnh đó, chưa chú trọng việc ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là vai trò của y học hồi phục, chăm sóc và chữa trị chấn thương trong quá trình đào tạo vận động viên nên chưa có biện pháp tích cực đầu tư kinh phí, trang thiết bị và đào tạo cán bộ trong lĩnh vực này. Đầu ra cho các vận động viên thể thao thành tích cao sau khi đã hết tuổi thi đấu cũng còn nhiều bất cập, chỉ một số ít vận động viên ở lại tiếp tục công tác huấn luyện còn lại đa số đều chủ động tìm kiếm các công việc khác ngoài xã hội.

Trước những tồn tại hạn chế, Ban Văn hóa - Xã hội kiến nghị UBND Thành phố quan tâm dành quỹ đất cho việc xây dựng các công trình, thiết chế phục vụ TDTT; không sử dụng quỹ đất dành cho TDTT vào mục đích khác. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa hoạt động TDTT. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân khởi xướng, góp vốn, thành lập và duy trì hoạt động các quỹ tài trợ, bảo vệ tài năng thể thao, các CLB TDTT… có chính sách về đất đai, về thuế, đơn giản hóa thủ tục để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo, huấn luyện VĐV thể thao thành tích cao.

Chú trọng công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình TDTT nhằm đáp ứng yêu cầu tập luyện và thi đấu của thể thao thành tích cao. Quan tâm, xem xét đến chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đặc thù cho các vận động viên bị chấn thương, mất khả năng lao động trong tập luyện và thi đấu thể thao; Có chế độ cho các đối tượng là trọng tài của Hà Nội. Quan tâm, xem xét đến các chế độ chính sách cho các VĐV, HLV có nhiều thành tích đóng góp cho thể thao Hà Nội và thể thao Việt Nam.

Ngoài ra, quan tâm đầu tư kinh phí cho ngành TDTT; nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất trang thiết bị luyện tập hiện đại đáp ứng yêu cầu các giải thi đấu của các giải Quốc gia, khu vực và quốc tế. Chỉ đạo Sở Tài chính xem xét cấp bổ sung thêm nguồn kinh phí sự nghiệp đảm bảo việc tập huấn, thi đấu trong nước và cử VĐV trọng điểm đi tập huấn dài hạn tại nước ngoài, tham dự các giải thi đấu quốc tế chính thức; cung cấp đầy đủ các trang thiết bị đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm phát triển thể thao thành tích cao chất lượng, hiệu quả; điều chỉnh tăng mức chi và bổ sung một số nội dung chi tại Quyết định số 6221/QĐ-UBND ngày 28/12/2012 của UBND Thành phố về việc quy định chế độ chi tập huấn, tham dự giải, làm nhiệm vụ tại nước ngoài và thuê chuyên gia giỏi nước ngoài có trình độ chuyên môn cao huấn luyện các đội tuyển thể thao Hà Nội.

Ngoài ra, Ban Văn hóa - Xã hội đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho VĐV, HLV; tuyển chọn, đào tạo các VĐV, HLV có phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn cao, dẫn đầu trong các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc, đóng góp nhiều VĐV cho các đội tuyển quốc gia và đạt thành tích cao tại các giải thi đấu quốc tế…


Ngân Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t