Chú trọng lựa chọn huấn luyện viên, vận động viên để phát triển nền Thể thao Thủ đô (09:33 17/08/2018)


HNP - Tiếp tục chương trình khảo sát, ngày 16/8, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội đã làm việc với Trường Phổ thông năng khiếu Thể dục thể thao Hà Nội và Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội về việc thực hiện cơ chế, chính sách tuyển chọn, đào tạo huấn luyện viên, vận động viên; chế độ đặc thù đối với huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên.

Đoàn khảo sát thăm hỏi, động viên các học sinh Trường Phổ thông năng khiếu TDTT Hà Nội


Trường Phổ thông năng khiếu Thể dục thể thao Hà Nội, thành lập từ năm 1996, là một trường chuyên biệt, đa cấp (Tiểu học, THCS, THPT), đa hệ (hệ Phổ thông và hệ GDTX). Học sinh là những vận động viên có năng khiếu thể dục thể thao. Trong nhiều năm qua, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hàng năm của nhà trường luôn được duy trì trên 95%, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đạt 99,5%, năm 2018 đạt 98,11%.
 
Năm học 2018 - 2019, Trường dự kiến xếp 37 lớp với 1.454 học sinh, học sinh tuyển mới là 342 em. Nhằm giúp đỡ các VĐV sau khi giải nghệ ổn định cuộc sống, từ năm 2016, Nhà trường đã ký kết hợp đồng hợp tác toàn diện với Trường Đại học Thủ đô Hà Nội để học sinh nhà trường sau khi tốt nghiệp THPT được tuyển chọn vào các chuyên ngành của Đại học Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là chuyên ngành giáo dục thể chất. 
 
Đoàn khảo sát ghi nhận nhiều hạng mục công trình của Trung tâm đã xuống cấp nghiêm trọng, cần duy tu, bảo dưỡng
 
Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội được thành lập từ năm 2009, là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên. Trung tâm trực thuộc Sở Văn hóa & Thể thao, có 4 phòng chức năng, 7 ban quản lý cơ sở tập luyện và thi đấu thể dục thể thao, 33 bộ môn với tổng số 397 cán bộ, nhân viên. Hiện nay, việc tuyển chọn vận động viên được lấy từ các nguồn là các lớp năng khiếu nghiệp dư tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố và các VĐV có năng khiếu từ các địa phương khác.
 
Hiện nay, Trung tâm còn gặp một số khó khăn như: Đội ngũ HLV về cơ bản chưa đáp ứng cho công tác huấn luyện giai đoạn hoàn thành thể thao. Về trình độ, đa số huấn luyện viên có thâm niên chỉ đảm bảo được công tác huấn luyện cơ bản, chưa được đào tạo một cách bài bản, chuyên sâu; còn hạn chế về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, vi tính, ngại đổi mới tư duy, ít cập nhật các phương pháp huấn luyện mới. Số lượng HLV có trình độ cao chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Do vậy, nhiều bộ môn phải thuê chuyên gia, ảnh hưởng không ít nhiều đến chất lượng huấn luyện, đào tạo.
 
Bên cạnh đó, chế độ tiền dinh dưỡng áp dụng hiện nay vẫn chưa phù hợp với thực tế. Nhất là đối với các vận động viên thể thao thành tích cao, ngoài chế độ dinh dưỡng còn cần chế độ thực phẩm chức năng, trong khi chế độ này chỉ mới được đề cập trong văn bản, chưa có mức chi cụ thể.
 
Trung tâm đề nghị Thành phố tăng tỷ trọng đầu tư trong lĩnh vực thể thao thành tích cao. Tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất trang thiết bị tập luyện hiện đại, đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện thể thao khu vực và quốc tế. Chú trọng công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình thể thao nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo VĐV thành tích cao. Quan tâm hơn nữa tới các chế độ ưu đãi HLV, VĐV; chính sách thu hút nhân tài nhằm tạo động lực, động viên, khuyến khích các HLV, VĐV tiếp tục cống hiến, tập luyện và thi đấu giành thành tích cho thể thao Hà Nội…
 
Trưởng ban VH-XH Trần Thế Cương phát biểu tại buổi khảo sát
 
Qua khảo sát, Trưởng ban VH-XH Trần Thế Cương ghi nhận những nỗ lực của Trường Phổ thông năng khiếu TDTT Hà Nội và Trung tâm huấn luyện TDTT Hà Nội và khẳng định rằng thành tích của thể thao Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung có sự đóng góp công sức rất lớn của cả hai đơn vị.
 
Đồng chí nhấn mạnh, việc phát triển TDTT luôn được Hà Nội quan tâm, dành nguồn lực đầu tư. Để thúc đẩy phong trào, nhất là thể thao thành tích cao, hai đơn vị cần căn cứ tình hình thức tế để có những thay đổi phù hợp, sáng tạo các mô hình học tập, huấn luyện hiệu quả. Trong thời gian tới, hai đơn vị phải tiếp tục làm tốt công tác tuyển sinh, đảm bảo công khai, minh bạch. Do đặc thù các em học tập xa gia đình, do vậy trường và trung tâm phải đặc biệt quan tâm chăm lo cho các em, thay cha mẹ chăm sóc các em.
 
Trưởng ban VHXH Trần Thế Cương cũng ghi nhận các khó khăn, kiến nghị của hai đơn vị và sẽ báo cáo với lãnh đạo Thành phố bức tranh tổng thể trong phát triển TDTT hiện nay để thành phố có những quyết sách đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển TDTT. Đồng chí cũng đề nghị các Sở Tài chính, KH&ĐT phối hợp với Sở VHTT hoàn thiện lại hệ thống cơ sở vật chất để phục vụ tập luyện, thi đấu, tăng cường giám sát để các công trình đạt chất lượng. Sở GD&ĐT cần quan tâm đẩy mạnh thể thao học đường để nâng cao thể trạng, thể chất cho học sinh.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t