Quyết tâm nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô (09:06 24/03/2021)


HNP - Ngày 17/3/2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành chương trình số 08-CTr/TU về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu bao trùm của chương trình là chất lượng cuộc sống Nhân dân Thủ đô ngày càng được nâng lên. 

Phúc lợi xã hội còn hạn chế
 
Trong những năm qua, cùng với mục tiêu phát triển kinh tế, mục tiêu phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống Nhân dân luôn được Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố quan tâm đặc biệt, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Tuy nhiên, dù đã có nhiều cố gắng nhưng công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm.  
 
Đó là việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chưa nghiêm túc, nhiều doanh nghiệp đóng không đúng mức quy định, chậm đóng, nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ảnh hưởng đến việc giải quyết các chế độ, quyền lợi của người lao động. Đến ngày 30/12/2020, trên địa bàn Thành phố có 43.737 đơn vị (856.177 lao động) nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền là 3.358 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ là 6,64%; trong đó, có 10.399 đơn vị ngừng giao dịch, giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, mất tích với số tiền nợ là 1.210 tỷ đồng.
 
Đó là chất lượng khám, chữa bệnh chưa đồng đều ở các tuyến; chưa giải quyết hiệu quả tình trạng quá tải ở một số chuyên khoa tại các bệnh viện tuyến Thành phố; công tác y tế dự phòng, nhất là ở cơ sở chưa thực sự bền vững. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực đầu tư dành cho hệ thống dịch vụ xã hội (giáo dục, đào tạo nghề chất lượng cao; chăm sóc sức khỏe; cơ sở chăm sóc người cao tuổi, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội; cơ sở hạ tầng phục vụ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; chợ dân sinh...) còn chưa đáp ứng được yêu cầu. 
 
Chênh lệch mức sống giữa nông thôn - thành thị, giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi với nông thôn chậm cải thiện, thu nhập khu vực thành thị cao gấp 1,97 lần khu vực nông thôn. Tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng chưa thực sự bền vững, vẫn còn xảy ra một số vụ bạo lực gia đình, bạo hành, xâm hại trẻ em gây bức xúc xã hội, tỷ lệ tái nghiện còn cao, mô hình hỗ trợ sau cai nghiện chưa thực sự đạt hiệu quả,…
 
Quyết tâm nâng cao mức sống cho người dân
 
Để giải quyết những hạn chế, khuyết điểm và nâng cao mức sống cho người dân, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 08-CTr/TU về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025. Với mục tiêu đặt ra là: Giải quyết hài hòa, hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và quản trị xã hội. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống Nhân dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực thành thị - nông thôn, phấn đấu đạt nhiều chỉ tiêu cao hơn mức chuẩn quốc gia, góp phần xây dựng Thành phố phát triển nhanh, bền vững và tiến bộ.
 
Cụ thể, về phát triển hệ thống an sinh xã hội, thành phố sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách và hiện đại hóa hệ thống quản lý nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội. Phát triển thị trường lao động cạnh tranh lành mạnh, đồng bộ, hiện đại và hội nhập; tạo việc làm bền vững, đảm bảo thu nhập tối thiểu. Mở rộng vững chắc diện bao phủ của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế toàn dân. Đồng thời, phát triển hệ thống an sinh xã hội phù hợp, đa dạng, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của Nhân dân theo hướng tiến bộ, hiện đại. Mở rộng mạng lưới dịch vụ chăm sóc xã hội tại cộng đồng; phát triển đội ngũ làm công tác xã hội chuyên nghiệp.
 
Về nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống Nhân dân, Thành phố đặt mục tiêu quản lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025; Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
 
Đồng thời, thực hiện hiệu quả các chính sách đảm bảo tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân. Nâng cao phúc lợi xã hội, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn, hướng tới phát triển bền vững. Nâng cao chất lượng dân số (sức khỏe thể chất, tính thần, tầm vóc, tuổi thọ...), thực hiện tốt công tác dân số gia đình chăm sóc trẻ em, người cao tuổi. Thường xuyên quan tâm chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách người có công, hộ gia đình có thu nhập thấp, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em... Thực hiện bình đẳng giới, đảm bảo công bằng trong tiếp cận các phúc lợi xã hội của mỗi người dân, đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội.
 
Để đạt được các mục tiêu này, chương trình đã đưa ra những giải pháp cụ thể như: Phát triển thị trường lao động, tạo việc làm đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân; Triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân, mở rộng đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, từng bước giảm độ tuổi người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội, nâng mức trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ hằng tháng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và khả năng cân đối ngân sách của Thành phố; Nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện thu nhập, nâng cao mức tiêu dùng, hướng tới người dân có cuộc sống hài hòa, khá giả. Tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực thành thị, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ giáo dục, đào tạo. Nâng cao năng lực y tế, chất lượng khám chữa bệnh đồng đều ở các tuyến, đa dạng hóa các dịch vụ khám chữa bệnh đáp ứng nhu cầu Nhân dân. Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân;…
 
Toàn văn Chương trình 08-CTr/TU xem tại đây.

Hoàng Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t