Kết quả chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND Thành phố, từ ngày 28/7 đến ngày 4/8/2020 (08:40 05/08/2020)


HNP -  Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội cung cấp thông tin về một số hoạt động chỉ đạo - điều hành nổi bật của UBND Thành phố, từ ngày 28/7 đến ngày 4/8/2020, như sau:

Cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020

Để đẩy mạnh các giải pháp điều hành tài chính, ngân sách địa phương những tháng cuối năm 2020, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, UBND Thành phố ban hành văn bản số 3560/UBND-KT ngày 31/7/2020 yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các đơn vị: Cục Thuế Thành phố, Cục Hải quan Thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Về thu ngân sách nhà nước: Các cấp, các ngành của Thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, Hải quan tổ chức kịp thời, có hiệu quả các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu ngân sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kết hợp với các biện pháp hỗ trợ khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, thu hút đầu tư mới, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế.

a) Cục Thuế, Cục Hải quan Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý thu; chống thất thu, chống chuyển giá; quản lý chặt chẽ hoàn thuế, xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; dừng thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp nếu không phát hiện dấu hiệu vi phạm thuế; dự báo và đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn để có giải pháp chỉ đạo, điều hành thu phù hợp; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, và các nguồn thu khác,...

b) Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án giao đất thu tiền sử dụng đất, đấu giá đất,… chủ động tháo gỡ các vướng mắc về quản lý đất đai, trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.

2. Về chi ngân sách nhà nước

a) Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB): các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân chi đầu tư, trong đó:

- Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 của các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị của Thành phố, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chú trọng chi đầu tư để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 84/NQ-CP, ngày 29/5/2020. Các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; chịu trách nhiệm toàn diện trước Lãnh đạo Thành phố khi để xảy ra chậm trễ, không đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 của cơ quan, đơn vị mình theo kế hoạch.

- Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân hết số vốn đầu tư công được giao kế hoạch năm 2020 (bao gồm cả nguồn vốn năm 2019 kéo dài chuyển sang). Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các quận, huyện, thị xã theo dõi sát tiến độ triển khai và giải ngân các dự án đầu tư trên địa bàn, chủ động đề xuất cắt giảm, điều chuyển kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước từ các dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn nhằm sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, kể cả việc điều chuyển vốn bổ sung có mục tiêu cho các huyện; trình cấp có thẩm quyền để thực hiện.

- Thực hiện điều hành chi đầu tư gắn với tiến độ một số khoản thu dành để chi đầu tư (tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết...). Chủ động dự kiến số vượt thu từ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết để bổ sung vốn cho các dự án đã có trong dự toán nhưng do thu cân đối ngân sách khó khăn nên chưa bố trí đủ dự toán.

b) Đối với chi thường xuyên: Các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc, UBND cấp xã, phường, thị trấn triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tiếp tục rà soát thực hiện cắt giảm đảm bảo tổng số cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, cụ thể như sau: (1) Cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại của năm 2020 sau khi đã loại trừ số đã thực chi cho các nội dung trong 6 tháng đầu năm. (2) Thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên còn lại của năm 2020. (3) Căn cứ hướng dẫn xác định số cắt giảm và số tiết kiệm thêm nêu trên và trên cơ sở số kinh phí thực tế đã cắt giảm, Sở Tài chính, phòng Tài chính - Kế hoạch các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị dự toán xác định số kinh phí tiếp tục cắt giảm, tiết kiệm, tổng hợp, báo cáo UBND cùng cấp để báo cáo Thường trực HĐND cùng cấp xem xét, quyết định và báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp cuối năm. (4) Căn cứ Quyết định cắt giảm và tiết kiệm thêm dự toán chi thường xuyên còn lại của năm 2020 của UBND các cấp; Kho bạc Nhà nước giữ lại tại ngân sách các cấp đối với số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm thêm được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các cơ quan, đơn vị chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước. Các đơn vị sử dụng ngân sách có thể thực hiện điều chỉnh phân bổ phần ngân sách còn lại để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng đã được giao.

3. Về điều hành, cân đối ngân sách

a. Trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương giảm so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao trong khi vẫn phải chi thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, địa phương phải chủ động xây dựng phương án điều hành sử dụng các nguồn lực của mình theo quy định để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.

b. Trong quá trình điều hành, trường hợp xảy ra thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách các cấp, thực hiện theo quy định tại Điều 58 Luật Ngân sách nhà nước và Điều 36 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước.

4. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên,... thực hiện các kết luận của các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán.

Xử lý dứt điểm các khoản nợ thuế chờ điều chỉnh, chờ xử lý, nợ của các doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh

Năm 2019, thành phố Hà Nội đã thu được 9.313 tỷ đồng tiền thuế nợ năm trước chuyển sang; số nợ trên dưới 90 ngày có xu hướng giảm dần qua từng tháng; đến 31/12/2019, số tiền thuế nợ trên dưới 90 ngày giảm 1.150 tỷ (- 9.37%) so với thời điểm 31/12/2018. Để tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế, tiền sử dụng đất và tiền thuê đất trên địa bàn Thành phố phấn đấu thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt kết quả cao nhất, tại văn bản số 03/BCĐ ngày 29/7/2020, Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương, quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ, nội dung công việc sau:

1. Cục Thuế thành phố Hà Nội:

- Thực hiện tốt công tác miễn, giảm tiền thuế cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tiếp tục triển khai các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng, cưỡng chế nợ thuế và là đầu mối tổng hợp đánh giá kết quả công tác quản lý nợ, đôn đốc các khoản tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước của từng địa bàn; tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng Thành phố chỉ đạo, điều hành kịp thời công tác đôn đốc thu hồi nợ đọng.

- Thực hiện rà soát, chuẩn hóa dữ liệu nợ, xử lý dứt điểm các khoản nợ chờ điều chỉnh, chờ xử lý, nợ của các doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, cơ cấu lại các khoản nợ để có biện pháp đôn đốc phù hợp, đảm bảo thu tiền thuế nợ đầy đủ vào ngân sách nhà nước. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và đơn vị xử lý các khoản nợ liên quan đến đất. Trong trường hợp có vướng mắc, đề xuất báo cáo UBND Thành phố, Bộ Tài chính phương án xử lý. Rà soát hồ sơ các đơn vị phân loại nợ khó thu, tham mưu cơ chế chính sách xử lý xóa nợ, khoanh nợ đối với khoản nợ khó thu theo quy định.

- Chủ động triển khai thực hiện tốt Nghị định 41/2020/NĐ-CP, ngày 08/4/2020, của Chính phủ về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí tuyên tuyền hướng dẫn để người nộp thuế thực hiện đúng và kịp thời chính sách hỗ trợ của nhà nước, tháo gỡ khó khăn về tài chính cho người nộp thuế.

- Tiếp tục là đầu mối triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; phối hợp với các Sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan tại địa phương lập hồ sơ, thực hiện xác nhận và xử lý nợ theo Nghị quyết của Quốc hội.

- Phân tích tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng tài chính, sự luân chuyển dòng tiền của các đơn vị nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đôn đốc, mời người nộp thuế làm việc trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc đề xuất tổ chức Hội nghị mời người nộp thuế làm việc trực tiếp tại UBND Thành phố, động viên người nộp thuế nộp tiền vào ngân sách nhà nước trên cơ sở lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành trong công tác đôn đốc thu hồi nợ đọng vào ngân sách nhà nước, đặc biệt trong việc đôn đốc các khoản thu từ đất, doanh nghiệp nợ thuế nhưng bỏ địa chỉ kinh doanh.

2. UBND các quận, huyện, thị xã: Thành lập các Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng trên địa bàn do đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch làm Trưởng ban, các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo bao gồm các đơn vị tương tự (nếu có) như thành phần Ban chỉ đạo Thành phố. Xây dựng chương trình, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, phối hợp với cơ quan Thuế địa phương tập trung đôn đốc thu hồi, xử lý nợ thuế, đặc biệt là đôn đốc và xử lý dứt điểm vướng mắc đối với các khoản nợ liên quan đến đất. Tăng cường phối hợp với cơ quan Thuế, thường xuyên rà soát, đưa vào quản lý kịp thời đối với các hộ kinh doanh trên địa bàn; điều chỉnh doanh thu, mức thuế phù hợp, sát thực tế kinh doanh, chống thất thu ngân sách.

Công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020 (đợt 1)

Xét đề nghị của Sở NN&PTNT, ngày 3/8/2020, Chủ tịch UBND Thành phố đã phê duyệt 02 quyết định:

1. Quyết định số 3352/QĐ-UBND, ngày 3/8/2020, về việc công nhận xã Yên Viên và xã Phù Đổng thuộc huyện Gia Lâm đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2020 (đợt 1).

2. Quyết định số 3353/QĐ-UBND, ngày 3/8/2020, về việc công nhận xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên và xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 (đợt 1).

Xã Yên Viên và xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm; xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên và xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn được UBND Thành phố tặng Bằng công nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. UBND huyện Gia Lâm, UBND xã Yên Viên, UBND xã Phù Đổng, UBND huyện Phú Xuyên, UBND huyện Sóc Sơn, UBND xã Sơn Hà và UBND xã Minh Phú có trách nhiệm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới đã đạt theo quy định.

Phê duyệt phương án tích nước các hồ chứa thủy lợi có nguy cơ mất an toàn do thành phố Hà Nội quản lý năm 2020

Ngày 30/7/2020, UBND Thành phố phê duyệt Quyết định số 3338/QĐ-UBND về phương án tích nước các hồ chứa thủy lợi có nguy cơ mất an toàn do thành phố Hà Nội quản lý năm 2020 yêu cầu các đơn vị thực hiện như sau:

1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện Phương án tích nước của các đập, hồ chứa nước theo quy định; xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu và tình hình mưa bão để tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo kịp thời đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi; tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý, khai thác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi.

- Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối, đề xuất bố trí kinh phí để đầu tư, duy tu, sửa chữa, chống xuống cấp đảm bảo an toàn công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai trên địa bàn Thành phố.

2. UBND các huyện: Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn:

- Tổ chức xây dựng, bố trí lực lượng ứng cứu, vật tư, phương tiện thiết bị nhằm chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về quản lý đảm bảo an toàn công trình thủy lợi.

- Phối hợp chặt chẽ các Công ty thủy lợi rà soát các vùng hạ du đập, hồ chứa nước tập trung đông dân cư, khu kinh tế, khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt; xây dựng phương án và chủ động tổ chức sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi xảy ra ngập lụt.

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách về pháp luật thủy lợi nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, nhân lực, năng lực ứng phó của người dân ở vùng hạ du đập.

3. Các Công ty TNHH một thành viên đầu tư phát triển thủy lợi: Hà Nội, Sông Đáy, Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Sông Tích:

- Thực hiện tích nước theo quy định; căn cứ thông tin dự báo khí tượng thủy văn, số liệu quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, các thông tin liên quan để dự báo, vận hành hồ chứa hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du đập, hồ chứa nước thủy lợi.

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, xử lý kịp thời các hư hỏng phát sinh; tổ chức trực ban tại công trình 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các ẩn họa, hư hỏng, sự cố ngay từ giờ đầu, giảm thiểu thiệt hại do sự cố gây ra.

- Phối hợp với chính quyền địa phương, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” đảm an toàn đập, hồ chứa nước.

Tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020

Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg, ngày 24/6/2020, của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2020; Để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội (gọi tắt là Kỳ thi) diễn ra nghiêm túc, trung thực, công bằng, an toàn, thiết thực, hiệu quả, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh trong điều kiện còn nguy cơ dịch bệnh, Chủ tịch UBND Thành phố ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị cho Kỳ thi

Chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị/kinh phí từ ngân sách, bố trí nhân lực đủ tiêu chuẩn tham gia các khâu, các hoạt động phục vụ công tác thi, đảm bảo an toàn tuyệt đối, các quy định phòng, chống dịch cho Kỳ thi, thực hiện công tác thi đúng Quy chế thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chỉ đạo và triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức Kỳ thi cho toàn Ngành; chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đơn vị, chính quyền các địa phương; thực hiện nghiêm việc in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, xét tốt nghiệp trung học phổ thông và cấp phát văn bằng trung học phổ thông đúng Quy chế cùa Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng phương án phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình tổ chức Kỳ thi theo hướng dẫn của Trung ương và các Bộ, ngành liên quan đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các thí sinh, cán bộ và những người tham gia tổ chức Kỳ thi. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục, các Điểm thi thông báo công khai, đầy đủ, rõ ràng các quy định về Kỳ thi (thời gian thi, môn thi, nội quy, quy chế thi,...) cho cán bộ, giáo viên và học sinh biết để thực hiện nghiêm túc. Trên cơ sở công bố kết quả của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ động phân tích dữ liệu, đối chiếu với kết quả học tập của học sinh để báo cáo, đánh giá chất lượng dạy và học của các nhà trường trên địa bàn Thành phố.

2. Công an thành phố Hà Nội: Hướng dẫn thực hiện công tác phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn Kỳ thi do Cục An ninh Chính trị Nội bộ, Bộ Công an ban hành. Bảo đảm an ninh cho Kỳ thi, đặc biệt công tác bảo mật đề thi, vận chuyển đề, bài thi; tổ chức bảo vệ vòng trong, vòng ngoài tại các Điểm thi, Ban In sao đề thi, Ban Làm phách, Ban Chấm thi tự luận, Ban Chấm thi trắc nghiệm, Ban Phúc khảo bài thi tự luận, Ban Phúc khảo bài thi trắc nghiệm; trực tiếp giám sát công tác in sao đề thi, chấm bài thi trắc nghiệm, giám sát nơi bảo quản đề thi và bài thi; giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn các địa điểm tổ chức thi; phòng chống gian lận trong Kỳ thi. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông có kế hoạch trực chốt và phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, UBND các quận, huyện, thị xã đảm bảo trật tự, giải tỏa ách tắc giao thông tại các điểm nút giao thông và các địa điểm thi trong những ngày thi, tạo điều kiện để giáo viên và học sinh đến địa điểm thi đúng thời gian quy định. Chỉ đạo lực lượng phòng cháy và chữa cháy có kế hoạch kiểm tra an toàn cháy nổ tại Ban In sao đề thi, Ban chấm thi; bố trí trực 24/24 trên các địa bàn có Điểm thi để kịp thời giải quyết khi có sự cố xảy ra. Nắm bắt và phối hợp xử lí (nếu có) thông tin liên quan đến Kỳ thi trên không gian mạng.

3. Thanh tra thành phố Hà Nội phân công, tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của Kỳ thi theo chỉ đạo, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.

4.  Sở Y tế: Chỉ đạo các cơ sở y tế, các bệnh viện trên địa bàn phối hợp với các Điểm thi tạo điều kiện ưu tiên cấp cứu và chăm sóc sức khỏe cho học sinh; chứng nhận bệnh, thương tích chính xác và nhanh chóng khi có những bất trắc xảy ra trong quá trình thi. Phối hợp xây dựng, chuẩn bị các phương án phòng, chống dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh khác; hỗ trợ, tăng cường kiểm tra bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các sở, ngành liên quan tăng cường công tác phối hợp đảm bảo phục vụ tốt Kỳ thi theo đúng quy định

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND ngày 07/7/2020 của HĐND Thành phố

Thực hiện Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND, ngày 07/7/2020, của HĐND Thành phố Quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội và mức thu học phí đối với Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long, Trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội năm học 2020 - 2021 (gọi tắt là Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND), ngày 28/7/2020, tại văn bản số 3462/UBND-KGVX, UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ sở giáo dục công lập và đơn vị liên quan tập trung triển khai một số nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Sở Giáo dục và Đào tạo:

a) Chỉ đạo, tổ chức triển khai Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND tại các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc theo phân cấp quản lý và báo cáo theo quy định.

b) Chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền về mức thu học phí năm học 2020 - 2021 để các tầng lớp nhân dân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn hiểu và đồng thuận.

c) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc theo phân cấp: Công khai mức thu học phí; tăng cường nâng cao chất lượng dạy và học, không để xảy ra việc lạm thu ngoài học phí, các khoản thu tự nguyện và tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định; công tác thu, chi tài chính phải công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích. Thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng được miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định.

d) Chủ trì, phối hợp các đơn vị báo cáo UBND Thành phố trình HĐND Thành phố mức thu học phí đối với chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập năm học 2021 - 2022.

đ) Chủ trì, phối hợp các ngành liên quan kiểm tra quá trình thực hiện Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND tại các cơ sở giáo dục trực thuộc theo phân cấp quản lý và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

2. Sở Lao động Thương binh và Xã hội:

a) Chỉ đạo Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long, Trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội: Công khai mức thu học phí; tăng cường công tác nâng cao chất lượng dạy và học, không để xảy ra việc lạm thu ngoài học phí, các khoản thu tự nguyện; công tác thu, chi tài chính phải công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích. Thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các chính sách miễn, giảm học phí cho các đối tượng được miễn, giảm theo quy định.

b) Làm tốt công tác tuyên truyền về mức thu học phí năm học 2020 - 2021 để các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức trên địa bàn hiểu và đồng thuận.

 c) Phối hợp các ngành liên quan kiểm tra quá trình thực hiện Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND tại các cơ sở giáo dục trực thuộc và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

3. Sở Tài chính phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội và UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra các cơ sở giáo dục công lập khi thực hiện Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Phối hợp các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội, Tài chính thông tin công khai về mức thu học phí năm học 2020 - 2021 trên các phương tiện thông tin truyền thông.

b) Phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo các phương tiện thông tin trên địa bàn Thành phố (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội mới...) tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng về mức thu học phí của Thành phố đến các tầng lớp nhân dân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn hiểu và đồng thuận thực hiện.

5. Kho bạc Nhà nước Hà Nội chỉ đạo Kho bạc Nhà nước các quận, huyện, thị xã kiểm soát chi từ nguồn thu học phí của các đơn vị gửi tại Kho bạc đúng quy định pháp luật và Thành phố.

6. UBND các quận, huyện, thị xã: Chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND tại các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc theo phân cấp quản lý và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định. Làm tốt công tác tuyên truyền về mức thu học phí năm học 2020-2021 để các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức trên địa bàn hiểu và đồng thuận. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc theo phân cấp: Công khai mức thu học phí; tăng cường công tác nâng cao chất lượng dạy và học, không để xảy ra việc lạm thu ngoài học phí, các khoản thu tự nguyện và tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định; công tác thu, chi tài chính phải công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích. Thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng được miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định. Tổ chức kiểm tra quá trình thực hiện Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND tại các đơn vị trực thuộc theo phân cấp quản lý.

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố đạt 58,8%

Ban chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy có Báo cáo một số kết quả thực hiện Chương trình 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy và Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 31/8/2016 của UBND Thành phố về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh” trên các lĩnh vực 6 tháng đầu năm 2020 như sau:

a. Phát triển văn hóa - xã hội

Phát triển văn hóa, thể thao: Triển khai công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31, điều chỉnh địa điểm tổ chức một số môn, thẩm định 08 dự án cải tạo, nâng cấp công trình phục vụ SEA Games 31 và Para Games 11 năm 2021.

* Phát triển Du lịch: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khách du lịch đến Hà Nội sụt giảm mạnh, ước đạt 4,93 triệu lượt khách, giảm 65,4%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 18,95 nghìn tỷ đồng, giảm 61,5% (giảm 30,25 nghìn tỷ đồng).

* Công tác thông tin và truyền thông: Phê duyệt Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí thành phố Hà Nội đến năm 2025  và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, tuyên truyền và hướng dẫn các cơ quan chủ quản cơ quan báo chí thuộc diện phải sắp xếp thực hiện.

* Phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo

- Tổng hợp kết quả thực hiện chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố là 58,8% (1.615/2.748), trong đó công lập là 68,2%, hiện đang có 82 trường thực hiện đánh giá, dự kiến tỷ lệ đạt chuẩn quốc gia đến hết năm 2020 là 73,2% (1.661/2.228). Toàn Thành phố có 20 trường chất lượng cao, trong đó 14 trường công lập và 6 trường ngoài công lập.

- Đôn đốc thực hiện dự án xây dựng chống xuống cấp, xây dựng kế hoạch đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 - 2025, hoàn thiện kế hoạch xây mới, cải tạo trường học các cấp giai đoạn 2021 - 2025 trình duyệt, triển khai thực hiện Thông tư về xây dựng tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy, tạo tài khoản dạy học trực tuyến cho 20.000 cán bộ quản lý, giáo viên các trường. Tích cực chuẩn bị cho kỳ thi kết thúc năm học và thi chuyển cấp theo kế hoạch.

* Phát triển khoa học công nghệ: Dự thảo quy chế và các biểu mẫu, triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 trình duyệt. Xây dựng đề án thiết lập Sàn giao dịch công nghệ Thành phố Hà Nội, triển khai các dự án đầu tư tiềm lực khoa học và công nghệ.

* Phát triển công tác y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân

Công tác phòng chống dịch Covid-19 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, nhằm kiểm soát thật tốt dịch bệnh, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ tiềm ẩn với các giải pháp thực hiện đồng bộ, quyết liệt. Thành phố chỉ đạo các địa phương, bệnh viện thực hiện nhiệm vụ tại các khu cách ly tập trung, giám sát, theo dõi sức khỏe tại cộng đồng, cách ly, khoanh vùng ổ dịch; Phân công 06 bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19. Các bệnh viện còn lại khám sàng lọc phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19, bố trí khu vực cách ly, điều trị bệnh nhân. Thành lập 48 tổ cấp cứu phản ứng nhanh sẵn sàng hỗ trợ cho các đơn vị tuyến dưới điều trị bệnh nhân Covid-19. Tập huấn cho 3.050 lượt cán bộ y tế; 510 cán bộ kiểm soát nhiễm khuẩn các bệnh viện. Tổ chức 02 lớp đào tạo sử dụng máy thở .Thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19; Bảo đảm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch tại các tuyến...

- Các dịch bệnh khác đều giảm so với cùng kỳ và đặc biệt chưa có trường hợp tử vong do Covid-19, tăng cường công tác vệ sinh môi trường, chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đã ghi nhận 137 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 14 trường hợp mắc sởi, 367 trường hợp mắc tay chân miệng, 5 trường hợp mắc ho gà, 2 trường hợp mắc não mô cầu và 1 trường hợp mắc uốn ván.

- Bổ sung giường bệnh, công suất sử dụng giường bệnh tính theo giường là 74,13%. Nâng cao chất lượng chuyên môn kỹ thuật, đa dạng hóa các loại hình chăm sóc và điều trị người bệnh, phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu, duy trì ghép thận tại Bệnh viện Xanh Pôn (hiện đã ghép được 39 ca), bệnh viện Tim mạch, Ung bướu, ngoại khoa, nội soi, sản phụ khoa, phẫu thuật tạo hình…

-    100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế xã, triển khai nâng cao chất lượng hoạt động của Trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, với chỉ tiêu 80% trạm, hỗ trợ chuyên môn cho các trạm Y tế, đã có trên 82% người dân được lập hồ sơ sức khỏe. Tập trung các giải pháp nhằm giảm tỷ suất sinh thô, tỷ lệ sinh con thứ 3 và mất cân bằng giới tính khi sinh.

- Đảm bảo an toàn thực phẩm tại cơ sở cách ly tập trung để phòng, chống dịch Covid-19, tổng số đoàn thanh tra, kiểm tra 822 đoàn, kiểm tra 37.280/42.125 lượt cơ sở (đạt 85,5%).

* Đảm bảo an sinh xã hội

Công tác thực hiện chính sách với người có công: tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ chính sách cho 7.545 trường hợp, làm tốt công tác chăm lo cho gia đình chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Tiếp nhận 118 đối tượng bảo trợ xã hội và 197 người lang thang vào các cơ sở bảo trợ xã hội, thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang với 10.943 ca hỏa táng, đạt 62,5%.

Tiếp nhận cai nghiện bắt buộc cho 732/800 người, đạt 91,5%, tiếp nhận 1.341/2.000 người cai nghiện tự nguyện, đạt 67,1%; cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 480/600 người, đạt 80%.

Thực hiện dồn điền đổi thửa tạo điều kiện cho địa phương quy hoạch, mở rộng các công trình phúc lợi, tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới, từ đó hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung. Tổ chức triển khai dạng mô hình khuyến nông như trồng hoa theo hướng hữu cơ, chăn nuôi dê, bò sinh sản, trồng lúa chất lượng cao... ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn sản xuất và đời sống, nâng cao năng suất, thu nhập bình quân đầu người.

Đến nay, có 06 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm; có 355/386 xã (chiếm 92,9%) đạt chuẩn nông thôn mới và 13 xã được Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

b. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô

Tiếp tục chuẩn bị cho cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2019 - 2020 (VSEF 2020); chuẩn bị cho kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng năm 2020 (HOMC 2020). Xây dựng đề án về việc triển khai việc dạy song bằng cấp tiểu học tại các trường tiểu học công lập.

Giải quyết việc làm cho 74.000 lao động, đạt 47,4% (giảm 22%) trong đó từ nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội ước đạt 1.245 tỷ, giải ngân cho 27.500 hộ, tạo việc làm cho 28.000 lao động; đưa 2.150 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; các phiên giao dịch việc làm được chuyển sang hình thức thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm cho người lao động (trong thời gian giãn cách xã hội). Sau khi hết giãn cách xã hội, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, thu thập và kết nối người lao động với doanh nghiệp để phỏng vấn qua hình thức online, phỏng vấn trực tiếp tại doanh nghiệp sau khi đã có sự kết nối thông tin, giải quyết việc làm cho 4.250 lao động. Hỗ trợ 30.400 hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, với số tiền hỗ trợ: 675 tỷ đồng.

c. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Việc xây dựng nếp sống văn hóa cơ sở và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được quan tâm tổ chức thực hiện, thực hiện công tác quản lý xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước; tổ chức hội thi “Cán bộ phong trào giỏi” thành phố Hà Nội lần thứ Nhất; chỉ đạo việc tạm dừng hoạt động các rạp chiếu phim, dịch vụ trò chơi điện tử, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, hướng dẫn thực hiện công nhận danh hiệu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá...

Việc triển khai thực hiện các quy tắc ứng xử: ban hành công văn chỉ đạo về đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng, góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tiếp tục khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong việc triển khai và thực hiện 02 quy tắc ứng xử tại các địa phương.

Ban hành kế hoạch về phát triển văn hóa đọc thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng năm 2030 . Tổ chức thành công Phố sách xuân Canh Tý 2020.

Tập trung xây dựng các mô hình Dân vận khéo ở tất cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng… Tổng số mô hình được đăng ký là 10.433 mô hình, tổ chức Cuộc thi viết về điển hình “Dân vận khéo”, tiếp tục triển khai cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo”.

Nghiêm cấm các trường hợp áp dụng chính sách giải phóng mặt bằng để trục lợi

Thực hiện kết luận của đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy tại buổi đối thoại của lãnh đạo Thành phố với người dân vùng ảnh hưởng môi trường Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn; xét đề nghị của Liên ngành: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, UBND huyện Sóc Sơn về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2 và Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường (bán kính 500m từ Khu xử lý chất thải Sóc Sơn) kết hợp trồng cây xanh tạo hành lang cách ly, UBND Thành phố ban hành văn bản số 3489/UBND-GPMB ngày 29/7/2020 chỉ đạo như sau:

1. Chấp thuận cho phép UBND huyện Sóc Sơn được áp dụng một số cơ chế chính sách về bồi thường, hỗ trợ dưới đây để lập, phê duyệt phương án theo thẩm quyền, cụ thể:

a) Về bồi thường, hỗ trợ công trình, tài sản xây dựng trên đất:

- Đối với các công trình, tài sản hợp pháp được xây dựng trên đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đúng quy định hoặc trên đất đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở:

+ UBND huyện Sóc Sơn thực hiện theo đúng quy định hiện hành của pháp luật. Trong quá trình thực hiện, yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn tổ chức điều tra chi tiết (bản đo đạc hiện trạng, mô tả, khảo sát chi tiết về kết cấu, mức độ hoàn thiện; ảnh chụp công trình; thời điểm xảy dựng...) làm căn cứ lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

+ Thuê đơn vị tư vấn có tư cách pháp nhân, có đủ năng lực lập thiết kế, dự toán đối với những công trình không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật và tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ theo Điều 11 Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của UBND Thành phố.

- Đối với các hạng mục công trình, tài sản xây dựng trên diện tích đất vượt hạn mức đất ở (xây dựng trên đất vườn ao liền kề đất ở gồm: bếp, giếng, nhà vệ sinh, nhà tắm, sân, cổng, đường vào nhà, rãnh, chuồng chăn nuôi, tường rào bao quanh thửa đất) nhưng được UBND xã xác nhận thời điểm xây dựng trước ngày có thông báo thu hồi đất, sử dụng đúng mục đích và phù hợp công năng của công trình xây dựng đó:

+ Cho phép UBND huyện Sóc Sơn áp dụng chính sách hỗ trợ khác theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và Điều 24 Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của UBND Thành phố, theo nguyên tắc: tổng mức hỗ trợ về công trình, tài sản xây dựng (bao gồm cả hỗ trợ khác) không vượt quá mức bồi thường công trình theo quy định.

+ Nghiêm cấm các trường hợp áp dụng chính sách giải phóng mặt bằng để trục lợi; các trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

b) Về chính sách giao đất tái định cư cho các hộ gia đình có nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở: Giao UBND huyện Sóc Sơn tổng hợp, báo cáo từng trường hợp cụ thể gửi Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng Sở Tài chính, Sở Xây dựng kiểm tra, thẩm định trình UBND Thành phố chấp thuận việc giao bổ sung tái định cư (ngoài chính sách tái định cư được hưởng theo quy định), thực hiện theo nguyên tắc: xem xét đối với những hộ gia đình có nhiều cặp vợ chồng thực tế đang ăn ở riêng trên cùng 01 thửa đất ở bị thu hồi, có khuôn viên riêng; không còn chỗ ở nào khác. Trường hợp được giao bổ sung tái định cư (nếu có) thì không được chuyển đổi sang hình thức tự lo tái định cư bằng tiền.

c) Áp dụng tính diện tích đất tái định cư đối với các hộ gia đình có đất ở bị thu hồi tại 02 Dự án: Cho phép UBND huyện Sóc Sơn thống kê, tổng hợp diện tích đất ở bị thu hồi tại cả 02 dự án (Dự án đầu tư xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2 và Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường (bán kính 500m từ Khu xử lý chất thải Sóc Sơn) kết hợp trồng cây xanh tạo hành lang cách ly) để xét giao đất tái định cư một lần cho các hộ, đảm bảo diện tích đất giao tái định cư không vượt quá hạn mức giao đất ở tối đa và diện tích đất ở bị thu hồi tại 02 dự án nêu trên.

2. Các sở, ngành: giao các Sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính kiểm tra, giám sát, hướng dẫn UBND huyện Sóc Sơn thực hiện đảm bảo đúng quy định và chính sách của UBND Thành phố, kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Khẩn trương xử lý dứt điểm vi phạm tại 02 dự án cống hóa mương Phan Kế Bính và mương Nghĩa Đô

Xét Báo cáo của Thanh tra Thành phố về tổng hợp kết quả thực hiện việc xử lý vi phạm liên quan đến mương thoát nước Phan Kế Bính, quận Ba Đình và mương thoát nước Nghĩa Đô, quận cầu Giấy, UBND Thành phố ban hành văn bản số 3572/UBND-ĐT ngày 3/8/2020 chỉ đạo như sau:

1. Yêu cầu Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Tài chính; Chủ tịch UBND các quận: Ba Đình, Cầu Giấy khẩn trương xử lý dứt điểm các vi phạm (đối với các nội dung còn chưa thực hiện xong) tại 02 dự án cống hóa mương Phan Kế Bính và mương Nghĩa Đô theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch UBND Thành phố và các nội dung kết luận thanh tra; gửi báo cáo kết quả thực hiện về Thanh tra Thành phố để tổng hợp trước ngày 15/8/2020.

2. Giao Thanh tra Thành phố đôn đốc các đơn vị gửi báo cáo kết quả thực hiện; chủ trì cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, lý do chưa hoàn thành, chưa xử lý dứt điểm; thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết (đối với các nội dung chưa thực hiện xong của các đơn vị); tham mưu, đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo xử lý giải quyết dứt điểm theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; báo cáo UBND Thành phố trước ngày 20/8/2020.

Nghiên cứu thí điểm lắp đặt cân kiểm tra tải trọng xe tự động trên một số tuyến đường trọng điểm có nhiều xe quá khổ, quá tải

Trên cơ sở báo cáo của Sở Giao thông Vận tải về kết quả thực hiện kế hoạch cao điểm kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn Thành phố, tại văn bản số 6295/VP-ĐT ngày 30/7/2020, UBND Thành phố chỉ đạo:

- UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Thanh tra Sở Giao thông Vận tải trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn các quận, huyện, thị xã; kiểm tra, xử lý, giải tỏa các bến, bãi bốc xếp hàng hóa, mỏ khai thác vật liệu, điểm tập kết kinh doanh vật liệu xây dựng không phép và các doanh nghiệp vận tải chở hàng quá tải trọng theo quy định.

- Công an Thành phố chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát môi trường, Công an các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng vi phạm chở hàng quá tải trọng, vi phạm kích thước thành thùng xe, chở vật liệu rời không che phủ hoặc che phủ không đảm bảo để rơi vãi gây mất an toàn giao thông, mất vệ sinh môi trường hoạt động trên các tuyến đường, phố thuộc địa bàn Thành phố.

- Nghiên cứu cho thí điểm lắp đặt một số cân kiểm tra tải trọng xe tự động trên một số tuyến đường trọng điểm có nhiều xe quá khổ, quá tải hoạt động để kiểm soát và xử lý những phương tiện vi phạm.

Đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm “tín dụng đen”

Để đảm bảo công tác phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ những tháng cuối năm 2020, đặc biệt là yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặc biệt trong bảo vệ Đại hội Đảng các cấp, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 Ban chỉ đạo 138/TP (Thông báo kết luận số 282/TB-VP ngày 28/7/2020), Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn yêu cầu các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác sau:

1. Các đơn vị tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ, Ban chỉ đạo 138 Chính phủ và Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS. Tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện; thành lập các đoàn kiểm tra của BCĐ 138 các cấp, kiểm tra công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội phục vụ định hướng xây dựng chương trình phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội giai đoạn 2021-2025.

2. Tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2020. Tổng kết thực hiện Đề án 2 “Phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia” đến năm 2020. Tổng kết công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn đến năm 2020.

3. Công an Thành phố: (1) Tham mưu Thành ủy, UBND Thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, triển khai Chỉ thị số 21 của Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng kết Chương trình phòng, chống tội phạm, ma túy giai đoạn 2016 - 2020. (2) Đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, siết nợ, đòi nợ thuê, đâm thuê, chém mướn, tội phạm ma túy..., khai thác mở rộng và đẩy nhanh tiến độ điều tra, kết luận các vụ án lớn, đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng phức tạp thuộc diện Thành ủy chỉ đạo, Ban Nội chính Thành ủy theo dõi. (3) Triển khai hiệu quả đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT trên địa bàn Thủ đô trong thời gian diễn ra các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của cả nước, tạo tiền đề chuẩn bị các điều kiện bảo vệ Đại hội Đảng các cấp Thành phố và Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII; (4) Phối hợp cơ quan, lực lượng chức năng trong công tác quản lý hành chính Nhà nước về ANTT đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện và nhạy cảm về ANTT, các công ty vận chuyển quốc tế (chuyển phát nhanh, vận tải, dịch vụ lữ hành,.,) kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về ma túy; (5) Tổ chức tổng rà soát, thống kê người nghiện, người sử dụng ma túy; tích cực lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường thị trấn và đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: (1) Tham mưu UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo Thành phố các biện pháp, giải pháp tăng cường dạy nghề, vay vốn, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy, có chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy ở cộng đồng, thực hiện xã hội hóa công tác cai nghiện; tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện “Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020”; (2) Phối hợp với lực lượng chức năng thẩm định hồ sơ đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc, duy trì các hoạt động công tác chuyên môn tại các Cơ sở cai nghiện của Thành phố đạt hiệu quả; (3) Tiếp tục triển khai các Đề án, Mô hình điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ, điều trị nghiện ma túy; Mô hình thí điểm hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy; (4) Nâng cao chất lượng hoạt động mô hình Câu lạc bộ B93 và hoạt động của lực lượng Tình nguyện viên trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.

5. Sở Y tế: (1) Thực hiện tốt công tác xác nhận tình trạng nghiện, phối hợp với các ngành đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc; (2) Theo dõi sát quá trình điều trị của bệnh nhân, kiểm soát, đánh giá hiệu quả của chương trình điều trị Methadone, có lộ trình thành lập các cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tạo điều kiện thuận tiện cho bệnh nhân tham gia uống thuốc, điều trị; (3) Kiểm tra công tác quản lý, cấp phát, sử dụng thuốc có chứa tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần tại các cơ sở khám chữa bệnh, kinh doanh, phân phối thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất; (4) Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, thực hiện các nhiệm vụ đạt chỉ tiêu 90- 90-90 theo kế hoạch đã đề ra.

6. Sở Thông tin và Truyền thông: chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục làm tốt vai trò định hướng thông tin báo chí tuyên truyền phòng chống tội phạm, ma túy, mua bán người.., đặc biệt tập trung tuyên truyền về các chất ma túy, phương thức thủ đoạn mới xuất hiện trên địa bàn Thành phố, gương điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc...

7. Sở Tư pháp: Chủ trì, phối hợp các ngành liên tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu UBND Thành phố ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với tình hình địa phương trên cơ sở quy định chế độ đặc thù của Luật Thủ đô; có văn bản hướng dẫn về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, rút gọn thủ tục và đảm bảo tính hiệu quả, phù hợp với tính chất địa phương.

8. Cục Hải quan Thành phố: nâng cao hiệu quả phối hợp với các sở, ngành phát hiện, xử lý nghiêm minh, triệt để mọi vi phạm, nhất là hành vi buôn lậu, buôn bán hàng cấm; chú trọng kiểm soát, soi chiếu đối với hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không, kịp thời phát hiện các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy qua đường hàng không, các công ty chuyển phát quốc tế...

9. Cục Quản lý thị trường Thành phố: Chủ động phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng giả.

10. Ban chỉ đạo 138 quận, huyện, thị xã: (1) Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các ban, ngành, ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên, cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác bảo đảm ANTT; quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá, người chấp hành xong án phạt tù, người đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở cai nghiện tự nguyện trở về địa phương tái hoà nhập cộng đồng. (2) Giải quyết tốt những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, nhất là về lĩnh vực đất đai, không để phát sinh phức tạp, khiếu kiện kéo dài, hình thành “điểm nóng” về ANTT nhất là trước thềm Đại hội Đảng các cấp và của Thành phố trong thời gian tới. (3) Chủ động nắm chắc tình hình của địa bàn quản lý, thực hiện phương châm 4 tại chỗ để giải quyết các vấn đề về an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn phụ trách. (4) Chỉ đạo các ban, ngành địa phương tăng cường phối hợp giữa các ngành, các đơn vị, thường xuyên tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ, có điều kiện nhạy cảm về ANTT, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; (5) Tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ số đối tượng tâm thần có xu hướng bạo lực, đối tượng tâm thần có nguy cơ gây ra các vụ việc nghiêm trọng, số đối tượng sử dụng MTTH có biểu hiện “ngáo đá”. (6) Tổ chức kiểm tra, rà soát, thống kê và có biện pháp sử dụng, quản lý chặt chẽ đối với số kho tàng, bến bãi, đất dự án... hiện có trên địa bàn để phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.

11. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân Thành phố tăng cường phối hợp với Công an Thành phố đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án; tổ chức xét xử điểm nhằm răn đe tội phạm, giáo dục, phòng ngừa chung.


Văn phòng UBND TP


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t