Kết quả chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND Thành phố, từ ngày 13/7 đến ngày 21/7/2020 (08:18 23/07/2020)


HNP - Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội cung cấp thông tin về một số hoạt động chỉ đạo - điều hành nổi bật của UBND Thành phố, từ ngày 13-21/7/2020, như sau:

Quyết định công nhận 02 công trình chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII
 
Xét đề nghị của UBND quận Long Biên và Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng - Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND Thành phố đã ký phê duyệt Quyết định công nhận 02 công trình: Trường THCS Chu Văn An, quận Long Biên là công trình chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và Tuyến đường 30m thuộc Cụm dự án C12, C13, C14 Việt Hưng, Phúc Đồng, quận Long Biên là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
 
Tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố cho Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng quận Long Biên đã có thành tích trong tổ chức thực hiện công trình Trường THCS Chu Văn An, quận Long Biên.
 
Mức thưởng cho tập thể theo quy định tại Điều 73 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP, ngày 31/7/2017, của Chính phủ. Tiền thưởng được trích từ Quỹ Thi đua, Khen thưởng Thành phố chuyển vào tài khoản của UBND quận Long Biên để thực hiện.
 
Tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2020 cho 179 cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội
 
Tiếp theo đề nghị của các đơn vị và Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng - Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND Thành phố đã ký phê duyệt Quyết định số 3139/QĐ-UBND, ngày 17/7/2020, tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2020 cho 179 cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội. 
 
Mức thưởng cho cho cá nhân theo Điều 5, Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND ngày 16/01/2018 của UBND Thành phố. Tiền thưởng được trích từ Quỹ Thi đua, Khen thưởng chuyển vào tài khoản của các đơn vị để thực hiện.
 
Kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ
 
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, UBND Thành phố ban hành Chương trình hành động số 144/CTr-UBND, ngày 15/7/2020, triển khai cụ thể các nội dung trên, yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ sau:
 
1. Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh 
 
- Hướng dẫn an toàn cho từng loại hình sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu kép: phòng, chống dịch tốt và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo giai đoạn. Thực hiện giám sát về y tế trong thời gian quy định đối với các chuyên gia hết thời gian cách ly về làm việc tại địa bàn. 
 
- Rà soát lại từng nhiệm vụ, biện pháp để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, nhất là thu hút đầu tư phát triển, đẩy nhanh tiến độ xử lý, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để phục hồi và phát triển nền kinh tế. 
 
- Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết để thu hút nguồn lực đầu tư mới như: công tác quy hoạch; hạ tầng; đất đai; đào tạo nguồn nhân lực; đảm bảo về năng lượng; cải cách thủ tục hành chính;... sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư dịch chuyển, tập trung hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường. 
 
- Tiếp tục rà soát, cắt giảm triệt để các TTHC còn chồng chéo, vướng mắc, không cần thiết trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị. Đổi mới lề lối phương thức làm việc thông qua việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; đẩy mạnh hình thức họp trực tuyến; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.
 
- Nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ ở vị trí thực thi chính sách; kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc đối với cá nhân, tập thể suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu trong xử lý công vụ; phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp; cử đầu mối và thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận kiến nghị của người dân và doanh nghiệp để kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
 
- UBND các quận, huyện, thị xã: Phối hợp các sở, ngành triển khai cắm mốc đối với các dự án theo quy định; Thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng và triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng tại các địa phương; Phối hợp tham gia ý kiến vào các đồ án quy hoạch liên quan.
 
2. Đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công:
 
- Tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư công, rà soát, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công của Thành phố và cơ sở; chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục, hồ sơ dự án, công tác bồi thường, GPMB theo thẩm quyền và báo cáo ngay UBND Thành phố nội dung vượt thẩm quyền. 
 
- Phân công lãnh đạo theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án do đơn vị làm chủ đầu tư, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Kết quả giải ngân của từng dự án là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan; trường hợp kết quả giải ngân năm 2020 đạt dưới 100% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan năm 2020. 
 
Tập trung tuyên truyền người dân chấm dứt việc chặn xe vận chuyển rác vào khu xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn
 
Xét báo cáo của Sở Xây dựng về tình hình người dân chặn xe vận chuyển rác vào Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn và đề xuất phương án phân luồng rác trên địa bàn Thành phố, UBND Thành phố có văn bản số 5825/VP-ĐT, ngày 15/7/2020, đồng ý với kiến nghị, đề xuất của Sở Xây dựng. Giao các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện theo quy định; báo cáo, đề xuất UBND Thành phố những nội dung vượt thẩm quyền. 
 
Yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn chỉ đạo hệ thống chính trị huyện Sóc Sơn, các xã liên quan phối hợp tổ chức vận động, tuyên truyền người dân chấm dứt việc chặn xe vận chuyển rác vào khu xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, không để tình trạng chặn xe vận chuyển rác tiếp diễn, kéo dài và tái diễn trong thời gian tới. UBND các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Ba Vì và thị xã Sơn Tây, khẩn trương phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị thực hiện công tác phân luồng, tiếp nhận rác tạm thời về Khu xử lý chất thải rắn, đảm bảo thông suốt.
 
Kiểm điểm trách nhiệm việc chậm tiến độ GPMB đầu tư xây dựng dự án mở rộng Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (khu phía Bắc)
 
Về công tác xử lý nước rỉ rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, UBND Thành phố chỉ đạo như sau:
 
1. Yêu cầu các sở, ngành và các đơn vị liên quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND Thành phố, đảm bảo an ninh, an toàn công tác vận hành Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tràn nước rác ảnh hưởng môi trường. 
 
2. Yêu cầu Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Thành phố và UBND huyện Sóc Sơn nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trong việc chậm tiến độ giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng dự án mở rộng Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn Khu phía Bắc (thuộc dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II) gây ảnh hưởng công tác quản lý, vận hành Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. 
 
3. Giao Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội thực hiện các biện pháp phòng ngừa sự cố chất thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn; xây dựng, thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải, gửi UBND cấp huyện, cấp xã và Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện xem xét, chỉ đạo theo quy định tại Quyết định số 09/2020/QĐ-TTg ngày 18/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế ứng phó sự cố chất thải; kịp thời báo cáo xin ý kiến của các sở, ngành liên quan để được hướng dẫn thực hiện.
 
4. Giao các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội bảo đảm bảo an ninh, an toàn công tác vận hành Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn; kịp thời báo cáo, tham mưu UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo. 
 
5. Đề xuất của UBND huyện Sóc Sơn về việc thiết lập ô chứa nước rác khẩn cấp: Giao Sở Xây dựng và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội khẩn trương thực hiện và yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Thành phố khẩn trương hoàn thành giải phóng mặt bằng Khu phía Bắc thuộc dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II, trong đó, có diện tích khoảng 5ha để làm ô chứa nước rác theo chỉ đạo của UBND Thành phố.
 
Xử lý ngay tình trạng phát tán mùi từ nước rỉ rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn
 
Liên quan tình trạng người dân chặn xe vận chuyển rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, tại văn bản số 5807/VP-ĐT, UBND Thành phố giao Sở Xây dựng khẩn trương chỉ đạo xử lý ngay tình trạng phát tán mùi từ nước rỉ rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, báo cáo kết quả về UBND Thành phố trước ngày 20/7/2020. 
 
Các nội dung vướng mắc về cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đều đã được UBND Thành phố chỉ đạo giải quyết. Yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn tập trung chỉ đạo, tổ chức lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo đúng quy định và chính sách đã được UBND Thành phố chấp thuận cho Dự án tại các văn bản đã ban hành; đảm bảo tiến độ hoàn thành đã được Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo tại văn bản số 2658/UBND-GPMB ngày 25/6/2020. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thông tin đầy đủ về chế độ, chính sách giải phóng mặt bằng để người dân hiểu và chấp hành; cương quyết xử lý những trường hợp cố tình cản trở hoạt động của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, gây mất an ninh trật tự khu vực và trên địa bàn huyện. 
 
Giao Công an Thành phố trực tiếp chỉ đạo Công an huyện Sóc Sơn và phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn bố trí lực lượng hỗ trợ, bảo vệ để thực hiện biện pháp hành chính đối với các trường hợp chặn xe vận chuyển rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.
 
Giao các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp, hướng dẫn UBND huyện Sóc Sơn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo đúng quy định, kịp thời báo cáo UBND Thành phố chỉ đạo giải quyết những nội dung vượt thẩm quyền.
 
Không để xảy ra tình trạng tiếp tục xin đào hè đường sau khi mới hạ ngầm, chỉnh trang đô thị 
 
Căn cứ Báo cáo của Sở Xây dựng về kết quả 4 năm hạ ngầm các đường dây viễn thông và đường dây điện lực trung, hạ áp theo hình thức xã hội hóa tại các tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020, UBND Thành phố có văn bản số 3075/UBND-ĐT, ngày 14/7/2020, chỉ đạo một số nội dung sau:
 
1. Giao Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính chủ trì xem xét, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp viễn thông về giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật (cống bể, hào, tuy nen kỹ thuật) trên địa bàn Thành phố theo quy định.
 
2. Giao UBND các quận tăng cường kiểm tra, phối hợp kiểm tra, đảm bảo vệ sinh môi trường, chất lượng công tác hoàn trả hè đường; chủ trì phối hợp với các Sở, ngành kiểm tra xử lý tình trạng tái treo dây cáp điện lực sau hạ ngầm, đặc biệt là dây điện (phần sau công tơ điện) để kinh doanh, buôn bán trên hè, trang trí trước nhà, trên cây gây nguy cơ cháy nổ, mất an toàn và cảnh quan đô thị.
 
3. Đề nghị Tổng Công ty Điện lực Hà Nội xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng tuyến cáp điện cao áp, trung áp, hạ áp trên địa bàn Thành phố gửi trước cho các sở, ngành phối hợp với các nhà đầu tư hạ ngầm viễn thông đảm bảo thực hiện đồng bộ, tránh trường hợp mới hạ ngầm, chỉnh trang đô thị lại tiếp tục xin đào hè đường; tiếp tục đầu tư hạ ngầm phần điện lực hạ thế để thực hiện đồng bộ với viễn thông theo đúng chủ trương của Thành phố. 
 
4. Về việc phối hợp đồng bộ trong công tác thi công đào đường, đào hè: yêu cầu các Sở: Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Tài chính, Công Thương, UBND các quận và các nhà đầu tư hạ ngầm nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố về việc phối hợp đồng bộ trong công tác thi công đào đường, đào hè. 
 
5. Giao Sở Xây dựng phối hợp Ban Thi đua Khen thưởng Thành phố xem xét, đề xuất, báo cáo UBND Thành phố khen thưởng các nhà đầu tư thực hiện tốt chủ trương của Thành phố, triển khai đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm hóa đảm bảo chất lượng, tiến độ.
 
Nghiên cứu cải tiến công nghệ, quy trình phun rửa đường đảm bảo tiết kiệm nước và đạt hiệu quả làm sạch cao
 
Để cải thiện chỉ số chất lượng không khí AQI trên địa bàn Thành phố, tại văn bản số 3074/UBND-ĐT, ngày 14/7/2020, UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: 
 
1. Giao UBND các quận, huyện, thị xã: 
 
- Tăng cường kiểm soát, xử phạt hành vi vứt rác không đúng nơi quy định, thu gom đốt rác, đốt rơm rạ tự phát; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đổ rác đúng nơi quy định, không đốt rơm rạ, rác thải tự phát, giảm thiểu đốt vàng mã.
 
- Đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn Thành phố, đảm bảo không để tồn đọng rác thải.
 
- Nghiên cứu ứng dụng sử dụng pin năng lượng mặt trời, hoặc các nguồn nhiên liệu tái tạo khác thân thiện môi trường trong đời sống sinh hoạt.
 
- Rà soát quỹ đất, đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các sân chơi, vườn hoa, tăng mật độ cây xanh, trồng cây xanh tại công viên, dải phân cách, ven đường giao thông trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và bảo vệ môi trường không khí. 
 
2. Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện công tác tưới nước rửa đường theo chỉ đạo của UBND Thành phố (Nhất là trong ngày có chỉ số AQI ở mức xấu trở lên) để giảm phát tán bụi, yêu cầu các đơn vị thực hiện vệ sinh môi trường nghiên cứu cải tiến công nghệ, quy trình phun rửa đảm bảo tiết kiệm nước và đạt hiệu quả làm sạch cao.
 
3. Các Sở, ban, ngành, Công an Thành phố: 
 
- Các lực lượng thanh tra chuyên ngành, Công an Thành phố tăng cường kiểm tra giám sát các công trình xây dựng, duy trì vệ sinh môi trường, kiểm soát xe chở vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, rác thải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường. 
 
- Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức vận hành ổn định hệ thống 35 trạm quan trắc không khí của Thành phố, thường xuyên cung cấp số liệu tới UBND các quận, huyện, thị xã để phục vụ công tác tuyên truyền cho người dân; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mô hình hóa, dự báo cảnh báo ô nhiễm; Xây dựng ứng dụng phần mềm trên điện thoại công bố công khai Chỉ số chất lượng không khí AQI nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường không khí, đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc theo dõi diễn biến chất lượng không khí trên địa bàn Thành phố.
 
- Sở Xây dựng, Sở Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất, báo cáo UBND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết về “Chế tài xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân”, trong đó đề xuất nâng mức xử phạt, áp dụng mức chế tài mạnh đủ sức răn đe, quy định cụ thể, chi tiết đối với từng hành vi gây ô nhiễm môi trường của tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố. 
 
- Sở Xây dựng tăng cường cải tạo hệ thống thu gom nước thải; đôn đốc tiến độ các dự án thu gom và xử lý nước thải; kè hồ nội thành, chống lấn chiếm; cải tạo cảnh quan các hồ điều hòa nâng cao hiệu quả điều hòa vi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường, điều kiện sống cho người dân.
 
- Sở Giao thông Vận tải tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu các đơn vị thi công thực hiện nghiêm các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình thi công hạ ngầm, cải tạo, sửa chữa mặt đường, thi công lát vỉa hè các tuyến phố.
 
- Sở Thông tin và Truyền thông thông tin tới các cơ quan báo chí truyền thông trên địa bàn sử dụng nguồn dữ liệu chính thống từ hệ thống quan trắc môi trường tự động của Thành phố (website: moitruongthudo.vn) để cung cấp các thông tin chỉ số chất lượng không khí tới các tổ chức, người dân trên địa bàn.
 
Sửa chữa các chuồng thú và đường dạo trong Vườn thú Hà Nội
 
Ngày 16/7/2020, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3132/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án sửa chữa các chuồng thú và đường dạo trong Vườn thú Hà Nội từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách Thành phố do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư nhằm chống xuống cấp công trình, đảm bảo mỹ quan chung của công viên, phục vụ tốt các nhu cầu vui chơi, giải trí, tìm hiểu, thăm quan, đảm bảo an toàn cho nhân dân và các du khách thăm quan du lịch trong công viên. Tạo cảnh quan đô thị, tăng cường chất lượng môi trường góp phần bảo vệ và duy trì lá phổi xanh cho Thủ đô.
 
Quy mô đầu tư dự kiến: sửa chữa toàn bộ hàng rào lưới thép kết hợp kính cường lực (khoảng 457m2) cho cả khu chuồng; mở rộng chuồng hà mã thêm khoảng 300m2; xây bể tắm và hệ thống cấp nước tắm theo mùa cho hà mã; sửa chữa, mở rộng thêm khoảng 200 m2 chuồng 21 tạo thành chuồng chim bán tự nhiên; tiếp tục xây dựng cầu đi bộ Khu vườn hươu nai (giai đoạn 2) dài khoảng 90m, rộng 1,7m bằng bê tông cốt thép; sửa chữa, mở rộng đường dạo cho toàn bộ đường dạo trên đảo (khoảng 4.500m2); sửa chữa chuồng khỉ.
 
Giao Sở Xây dựng hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND Thành phố về phương án, giải pháp cải tạo, sửa chữa đề xuất, tính chuẩn xác, tính hợp pháp của các thông tin, số liệu trình bày trong hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư trình thẩm định, phê duyệt. Lập dự toán chi phí các công việc thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo tiến độ, chất lượng, tránh lãng phí trùng lặp khối lượng và tuân thủ các quy định hiện hành của nhà nước và UBND Thành phố về quản lý dự án đầu tư xây dựng. 
 
Trong quá trình lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật lưu ý các ý kiến tham gia của Sở Kế hoạch và Đầu tư; liên hệ với các Sở ngành để được thỏa thuận, hướng dẫn, thống nhất các chỉ tiêu thiết kế, biện pháp thi công, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đảm bảo quy định hiện hành của Nhà nước và UBND Thành phố về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Nghiên cứu hồ sơ dự án (đã đầu tư) những năm trước, đánh giá cụ thể hiện trạng, sự cần thiết đầu tư làm cơ sở phân tích, lựa chọn quy mô, phương án kỹ thuật và dự kiến tổng mức đầu tư đảm bảo quy định hiện hành về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, đầu tư tiết kiệm, hiệu quả. Trong quá trình lập báo cáo kinh tế kỹ thuật phải rà soát cụ thể khối lượng, chi phí liên quan; hạn chế các nội dung phát sinh chi phí đảm bảo tiết kiệm trong quá trình thi công. Quản lý, triển khai dự án phù hợp điều kiện năng lực theo quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc báo cáo kịp thời UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo.
 
Các sở, ngành liên quan, UBND quận Ba Đình phối hợp, hướng dẫn Chủ đầu tư giải quyết các thủ tục đầu tư theo quy định hiện hành.
 
Thống nhất triển khai Con đường gốm sứ Hà Nội đoạn từ cửa khẩu An Dương đến Cầu Nhật Tân theo chiều dài lịch sử Thăng Long - Hà Nội
 
Chủ trì cuộc họp về thiết kế Con đường gốm sứ Hà Nội, tại Thông báo số 727/TB/VP, ngày 16/7/2020, đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố kết luận chỉ đạo như sau:
 
1. Thống nhất về chủ trương triển khai Con đường gốm sứ Hà Nội đoạn từ cửa khẩu An Dương đến Cầu Nhật Tân, theo hướng tuyến từ An Dương đến cầu Nhật Tân; việc thực hiện phải được nghiên cứu bài bản, khoa học. 
 
2. Giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan mời các nhà điêu khắc, hội họa, kiến trúc sư, ... thành lập Hội đồng nghiên cứu đề xuất ý tưởng, chất liệu, lên phương án tổng thể về Con đường gốm sứ Hà Nội theo chiều dài lịch sử Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Đề án báo cáo UBND Thành phố trình Thường trực Thành ủy trước ngày 25/7/2020. 
 
3. Đối với các đoạn cũ đã thực hiện của Con đường gốm sứ Hà Nội, giao Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng kế hoạch duy tu và tiếp nhận, lưu trữ hồ sơ.
 
Lựa chọn các điểm đến nổi bật nhất để ứng dụng công nghệ thông tin số hóa tài nguyên du lịch và tham gia chương trình kích cầu du lịch
 
Chủ trì cuộc họp nghe Sở Du lịch báo cáo kết quả thực hiện công tác quản lý, phát triển du lịch Thủ đô 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020, kết quả xây dựng các sản phẩm kích cầu du lịch nội địa thành phố Hà Nội năm 2020, tại Thông báo số 259/TB/VP ngày 17/7/2020, đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Văn Quý kết luận chỉ đạo như sau:
 
1. Về công tác quản lý dịch vụ lữ hành: tập trung triển khai Kế hoạch kích cầu du lịch nội địa thành phố Hà Nội năm 2020, huy động sự vào cuộc các doanh nghiệp lữ hành và khẩn trương thực hiện các công việc sau:
 
- Kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành xây dựng các tour kích cầu du lịch bao gồm: các tour du lịch trong phạm vi Hà Nội; tour du lịch cho du khách từ các tỉnh, thành phố đến Hà Nội và các vùng lân cận; tour du lịch liên kết đưa khách du lịch đi các tỉnh, thành phố.
 
- Công bố thông tin, danh sách các hãng vận chuyển trên địa bàn Thành phố (đường bộ, đường hàng không, đường sắt) cam kết, đăng ký tham gia chương trình kích cầu du lịch với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, dịch vụ chất lượng cao để thu hút khách du lịch trong cả nước biết, đăng kí tham gia trải nghiệm.
 
- Công bố danh sách các điểm đến tham quan du lịch hấp dẫn nhất ở Hà Nội.
 
- Tăng cường hợp tác liên kết với các tỉnh, thành phố đặc biệt là các thị trường trọng điểm của khách đến Hà Nội để thu hút khách đến Hà Nội; tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ tại Hà Nội và các địa phương đảm bảo có giá cả hấp dẫn, dịch vụ chất lượng.
 
2. Về công tác quản lý cơ sở lưu trú du lịch:
 
- Công bố danh sách các cơ sở lưu trú (khách sạn) đăng kí tham gia chương trình kích cầu du lịch nội địa từ nay đến hết năm 2020, đồng thời phải cam kết về chất lượng, dịch vụ, chương trình khuyến mại, giảm giá của các cơ sở đơn vị kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực lưu trú; áp dụng thời gian lưu trú linh hoạt (không cố định thời gian nhận, trả phòng lưu trú). 
 
- Xây dựng và triển khai Kế hoạch đẩy mạnh phát triển sản phẩm ẩm thực gắn với du lịch trên địa bàn Thành phố. Cung cấp thông tin, địa chỉ, danh sách các nhà hàng, quán ăn có các món ăn ngon tiêu biểu hấp dẫn nhất của Hà Nội với các thông tin chi tiết về chương trình, khuyến mại, giảm giá và tặng kèm các dịch vụ liên quan khác, thuận lợi cho việc tiếp cận và thưởng thức của du khách.
 
3. Về công tác quản lý điểm đến, tuyên truyền quảng bá du lịch:
 
- Khẩn trương hoàn thiện Bộ tiêu chí đánh giá khu, điểm du lịch chất lượng cao; Đề xuất danh mục các khu, điểm du lịch trọng điểm cần tập trung đầu tư trên địa bàn, trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt trong tháng 7/2020.
 
- Tập trung nâng cao chất lượng điểm đến du lịch ở các khâu dịch vụ phục vụ, sản phẩm, quà tặng lưu niệm. Lựa chọn các điểm đến nổi bật nhất để ứng dụng công nghệ thông tin số hóa các tài nguyên du lịch và tham gia chương trình kích cầu du lịch. 
 
- Tổ chức triển khai tuyên truyền, quảng bá giới thiệu cảnh quan, danh lam thắng cảnh đặc sắc của Thủ đô Hà Nội trên hệ thống kênh của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV); Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch Hà Nội trên hệ thông báo, đài của Hà Nội và Trung ương theo chương trình kế hoạch của năm.
 
Tổ chức tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu 
 
Thực hiện Công điện số 862/CĐ-TTg, ngày 08/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, tại văn bản số 5743/VP-KGVX ngày 13/7/2020, UBND Thành phố giao Sở Y tế tập trung triển khai thực hiện, cụ thể như sau:
 
- Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu của bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, xử lý triệt để không để dịch bùng phát, lan rộng; điều trị kịp thời người mắc bệnh, người lành mang trùng, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
 
- Xác định rõ địa bàn, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh; tổ chức tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng, nhất là ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên; bảo đảm đủ kinh phí, phương tiện, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, thực hiện tốt chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân. 
 
- Trên cơ sở xác định địa bàn, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh, xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh; giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, chẩn đoán, điều trị.
 
Kiên quyết không để dịch bạch hầu lây lan trong trường học
 
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND Thành phố ban hành văn bản số 5840/VP-KGVX, ngày 16/7/2020, giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện. Các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện như sau:
 
1. Thực hiện nghiêm túc các nội dung Công điện số 862/CĐ-TTg, ngày 08/7/2020, của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu. 
 
2. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho người học, nhà giáo, cán bộ, nhân viên nhà trường về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu. Giáo dục học sinh, sinh viên làm tốt nhiệm vụ là cầu nối tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh cho gia đình và cộng đồng. 
 
3. Triển khai mạnh mẽ hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học, lớp học, nhà trẻ bảo đảm môi trường thông thoáng, sạch sẽ, có đủ ánh sáng. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương duy trì các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, các hành vi tự chăm sóc khỏe, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường đã được hình thành và thực hiện tốt trong trường học thời gian qua.
 
4. Theo dõi chặt chẽ và phối hợp quản lý tốt sức khỏe người học, nhà giáo, cán bộ, nhân viên nhà trường, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thông báo ngay cho cơ quan y tế để được khám, điều trị kịp thời, kiên quyết không để dịch lây lan trong trường học; tăng cường kiểm tra, giám sát, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh và vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục.
 
Tổ chức Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ (từ ngày 01 - 07/8), Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển (từ ngày 16 - 23/10) hàng năm
 
UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND, ngày 20/7/2020, triển khai Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam”, triển khai trên toàn Thành phố từ năm 2021 - 2030, đối tượng: toàn dân, ưu tiên phụ nữ chuẩn bị mang thai, phụ nữ mang thai, bà mẹ và người chăm sóc trẻ, trẻ dưới 02 tuổi; hướng đến các chỉ tiêu đến năm 2025 và 2030 như sau: Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 05 tuổi xuống còn 11,8% và 11,3%. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 05 tuổi xuống còn 7,3% và 6,8%. Giảm tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500gram) xuống còn 4% và 3,5%. “Khống chế tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi thừa cân, béo phì xuống dưới 10% (nội thành), 5% (ngoại thành). Tăng tỷ lệ bà mẹ thực hành cho bú sớm ngay 01 giờ đầu sau sinh lên 80% và 85%. Tăng tỷ lệ bà mẹ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 06 tháng đầu lên 25% và 30%. Tăng tỷ lệ bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú đến khi được 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn lên 60% và 70%. Tăng tỷ lệ bà mẹ cho trẻ từ 06 - 24 tháng tuổi ăn bổ sung đúng cách lên 70% và 80%. Một số giải pháp trọng tâm như sau:
 
- Thực hiện các chính sách, quy định của pháp luật về kiểm soát yếu tố nguy cơ, yếu tố tăng cường chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời: Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách hỗ trợ phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em dưới 24 tháng tuổi, việc thực hiện Nghị định sổ 100/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo. Rà soát, đề xuất, bổ sung các cơ chế, chính sách, pháp luật về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời.
 
- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông và vận động về lợi ích của việc khám thai định kỳ và chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 06 tháng đầu, cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, bổ sung vi chất dinh dưỡng. Tổ chức Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ (từ ngày 01 - 07/8), Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển (từ ngày 16 - 23/10) hàng năm. Tập trung cung cấp thông tin và truyền thông vận động đối với phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con nhỏ, người chăm sóc trẻ và gia đình, đặc biệt là các đối tượng ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Tổ chức các cuộc truyền thông trực tiếp và vận động về lợi ích của việc khám thai định kỳ, chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 06 tháng đầu, cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, bổ sung vi chất dinh dưỡng tại các xã, phường, thị trấn và nhà máy, xí nghiệp.
 
- Triển khai toàn diện các can thiệp về chăm sóc dinh dưỡng cho 1.000 ngày đầu đời bao gồm: thực hiện chăm sóc sức khỏe và đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ trước, trong và sau sinh; nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 06 tháng đầu; ăn bổ sung hợp lý cho trẻ dưới 02 tuổi; định kỳ theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ. Thực hiện tư vấn, hướng dẫn thực hành dinh dưỡng hợp lý trong cộng đồng với các đối tượng và địa bàn khác nhau.
 
- Giám sát tình trạng dinh dưỡng, bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ em dưới 02 tuổi và phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phát hiện và giải quyết kịp thời các vấn đề dinh dưỡng trong tình trạng khẩn cấp. 
 
- Hướng dẫn ăn bổ sung hợp lý cho trẻ dưới 02 tuổi. Theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ em dưới 02 tuổi. Xác định nhóm đối tượng ưu tiên và khu vực cần được can thiệp qua các tiêu chí về suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân, thừa cân béo phì và dựa trên các cơ sở dữ liệu về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em trên địa bàn, tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai, bà mẹ nuôi con nhỏ đã có trên địa bàn Thành phố.
 
Đánh giá ảnh hưởng của các chỉ tiêu, thông số môi trường vượt giới hạn sau vụ cháy tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên
 
Xét báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Long Biên về việc thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố môi trường và kết quả quan trắc môi trường do vụ cháy tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cường Việt, tổ 18, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, tại văn bản số 5871/VP-ĐT ngày 17/7/2020, UBND Thành phố chỉ đạo như sau:
 
1. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Viện hóa học môi trường quân sự, UBND quận Long Biên và các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá ảnh hưởng của các chỉ tiêu, thông số môi trường vượt giới hạn cho phép đối với sức khỏe con người; trên cơ sở đó công bố kết quả quan trắc môi trường công khai cho người dân biết, hoàn thành trước ngày 20/7/2020. 
 
2. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh hóa chất của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cường Việt; kịp thời xử lý các vi phạm về an toàn hóa chất đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc, thẩm định phương án ứng phó về sự cố hóa chất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất trên địa bàn Thành phố; kiểm tra việc sử dụng hóa chất độc hại và công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất. 
 
3. Giao Công an Thành phố tăng cường kiểm tra, thẩm định phương án phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất và các đơn vị kinh doanh, buôn bán xăng dầu. 
 
4. Giao UBND quận Long Biên tiếp tục chỉ đạo UBND phường Thượng Thanh kiểm tra, giám sát, đôn đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cường Việt và Công ty cổ phần vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà tiếp tục thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố môi trường; báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện trong tháng 7/2020. 
 
5. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là đối với những đơn vị có hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất; công tác kiểm tra, thẩm định phương án ứng phó sự cố tràn dầu đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Thành phố.

Văn phòng UBND TP


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t