Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2025 - 2030; tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng về các quyền của người khuyết tật bảo đảm người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý. Qua đó, tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước với các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhất là cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Tăng cường các hoạt động truyền thông và trợ giúp pháp lý tại cơ sở cho người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý; nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao số lượng và chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Nội dung triển khai
1. Thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý bằng các hình thức trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý. Tập trung đẩy mạnh công tác quản lý và thực hiện công tác đánh giá, thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, đánh giá hiệu quả vụ việc tham gia tố tụng.
2. Thực hiện các hoạt động truyền thông nhằm tăng cường khả năng tiếp cận trợ giúp pháp lý của người khuyết tật cho nhân dân, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, người có uy tín trong cộng đồng và người khuyết tật bằng các hình thức phù hợp. Thực hiện truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tập trung vào dịp kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4), Người khuyết tật thế giới (03/12) và theo nhu cầu của các tổ chức của người khuyết tật.
Thường xuyên rà soát, cung cấp danh sách, số điện thoại của Trợ giúp viên pháp lý cho: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ và trại giam; UBND cấp xã, các tổ chức xã hội của người khuyết tật, các cơ sở bảo trợ xã hội và các tổ chức có người khuyết tật sinh hoạt.
3. Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người làm công tác trợ giúp pháp lý: Hằng năm tổ chức các cuộc tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý; Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về trợ giúp pháp lý cho người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ và người làm công tác xã hội tại cơ sở liên quan đến người khuyết tật.
4. Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tổ chức, hoạt động trợ giúp pháp lý.
5. Trao đổi, học tập kinh nghiệm với các tỉnh, thành phố.
UBND Thành phố giao Sở Tư pháp chỉ đạo xây dựng Kế hoạch hằng năm và tổ chức thực hiện có hiệu quả việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn Thành phố, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND cấp xã tổ chức triển khai trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý đảm bảo chất lượng, hiệu quả theo tiến độ thời gian.
UBND Thành phố yêu cầu các hoạt động trợ giúp pháp lý cần cụ thể, khả thi, phù hợp với đặc thù của người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý; xác định rõ trách nhiệm đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp và lộ trình, thời gian thực hiện. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là các tổ chức về người khuyết tật trong quá trình triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý; lồng ghép với các hoạt động trợ giúp pháp lý khác để tạo thuận lợi, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý.