Mục tiêu của Kế hoạch là: 100% UBND các phường, xã xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh theo đặc điểm địa giới hành chính mới; thực hiện kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người và xây dựng đề án chủ động phòng, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết. 100% các phường, xã trên địa bàn có các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 02/9 có kế hoạch đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau cho các hoạt động, sự kiện kỷ niệm.
Bên cạnh đó, 100% các cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở y tế dự phòng thực hiện khai báo, báo cáo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm qua hệ thống báo cáo trực tuyến; 100% các phường, xã; các trường học, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công trường xây dựng duy trì hoạt động tổng vệ sinh môi trường chủ động phòng chống dịch bệnh hàng tuần. Đồng thời, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 95% quy mô phường, xã; 100% trẻ được rà soát tiền sử tiêm chủng các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tiếp tục kiểm soát hiệu quả tình hình dịch COVID-19; tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và truyền thông nâng cao sức khỏe tại cộng đồng; đảm bảo kịp thời và đầy đủ kinh phí, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị, hóa chất đáp ứng hiệu quả công tác phòng chống dịch theo phương châm "04 tại chỗ".
Nhiệm vụ triển khai
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành: Tăng cường công tác chỉ đạo của các các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể trong công tác phòng chống dịch; Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương; thực hiện quan điểm thống nhất trong lãnh đạo. Xây dựng đề án phòng, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2025 và các năm tiếp theo. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các tuyến; khu vực ổ dịch phức tạp.
2. Công tác tuyên truyền: Đa dạng hoá các hình thức truyền thông: thông qua các cơ quan báo chí, truyền hình của Trung ương và Hà Nội; qua hệ thống đài truyền thanh tại các phường, xã; qua pano, tờ rơi, tờ gấp và tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng. Nội dung và phương pháp tuyên truyền phải phong phú, ngắn gọn, cụ thể, hấp dẫn để mọi người dân dễ tiếp thu và thực hiện. Phải chủ động, đi trước đón đầu; phải kịp thời và sâu rộng từ Thành phố đến phường, xã.
3. Công tác tiêm chủng vắc xin: Tiếp tục thực hiện tốt công tác Tiêm chủng mở rộng; Xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn hướng dẫn, triển khai đối với các loại vắc xin mới; Củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tiêm chủng từ tuyến Thành phố đến cơ sở. Ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong việc quản lý và triển khai quản lý đối tượng, lịch sử tiêm chủng; Triển khai tốt tiêm vắc xin phòng một số dịch, bệnh trên gia súc, gia cầm.
4. Công tác giám sát, xử lý dịch: Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống giám sát; Thực hiện các biện pháp đảm bảo công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh tại các địa điểm có các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 02/9; Tăng cường công tác kiểm dịch Y tế tại cửa khẩu quốc tế Nội Bài.
5. Công tác thu dung điều trị bệnh nhân: Tổ chức phân luồng, phân tuyến điều trị, thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo; Tổ chức thường trực, bố trí các đội cấp cứu lưu động trong nhưng ngày diễn ra các hoạt động kỷ niệm. Huy động sự tham gia của các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trung ương, bộ, ngành và hệ thống y tế tư nhân tham gia công tác quản lý, thu dung, điều trị người mắc các bệnh truyền nhiễm trong trường hợp cần thiết .
6. Công tác xét nghiệm: Tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh cho các cơ sở y tế tại các tuyến; Củng cố và nâng cao năng lực xét nghiệm, đặc biệt năng lực thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu.
7. Công tác đào tạo, tập huấn: Tổ chức đào tạo, tập huấn, cập nhật các kiến thức chuyên môn cho các cán bộ tham gia công tác phòng, chống dịch; cho đội ngũ cộng tác viên. Thường xuyên cập nhật các quy định, quy trình về giám sát, xử lý dịch, phác đồ điều trị các bệnh mới nổi có nguy cơ xâm nhập.
8. Công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch: Tổ chức các đợt cao điểm tổng vệ sinh môi trường phòng chống, dịch bệnh; các hoạt động vệ sinh môi trường, khử khuẩn, diệt véc tơ truyền bệnh tại các khu vực diễn ra sự kiện; phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại đối với các dịch bệnh truyền nhiễm theo đúng quy định của Bộ Y tế.
9. Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm phòng chống dịch bệnh: Tăng cường công tác phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua đường thực phẩm và thực hiện tốt công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm; Kiểm soát các thực phẩm, đồ uống phục vụ tại các khu vực tổ chức hoạt động và nơi lưu trú, nghỉ ngơi, ăn uống của các đại biểu, các lực lượng tham gia các hoạt động kỷ niệm.
10. Công tác đảm bảo hậu cần cho phòng chống dịch: Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, hóa chất, thuốc men; Đảm bảo cung ứng đủ vắc xin phòng dịch; Bố trí đủ giường bệnh, dịch truyền, thuốc men sẵn sàng cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
11. Công tác kiểm tra, giám sát: Kiểm tra thường xuyên, đột xuất về công tác phòng, chống dịch; Các Sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc Thành phố tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch của các đơn vị trực thuộc và tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố.
UBND Thành phố giao Sở Y tế là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố, chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn trong công tác phòng chống dịch; các đơn vị liên quan đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, nước sạch, phòng chống dịch bệnh phục vụ cho các hoạt động kỷ niệm. Rà soát, đảm bảo kịp thời, đầy đủ kinh phí, các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc men...; Tổ chức triển khai thực hiện hoạt động rà soát tiền sử và tư vấn tiêm chủng đối với trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học. Thông tin kịp thời, chính xác diễn biến dịch và tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; Tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên hoặc đột xuất về công tác phòng, chống dịch tại các phường, xã.