Tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Toàn bộ các gói thầu duy trì vệ sinh môi trường tại 30 quận, huyện, thị xã đã được bàn giao về Sở quản lý từ cuối tháng 6/2025, bảo đảm không gián đoạn dịch vụ công. Sở cũng đang xây dựng phương án phân vùng, tổ chức lại các gói thầu vệ sinh môi trường giai đoạn 2026–2030, cùng với bộ định mức kỹ thuật và khung giá dịch vụ tối đa. Cùng với việc đưa các phương tiện cơ giới mới như xe hút bụi, xe rửa đường áp lực cao, xe gom rác trong ngõ ngách vào hoạt động thí điểm tại các phường trung tâm, Sở yêu cầu lắp đặt thùng rác đúng tiêu chuẩn, hướng tới xóa bỏ hoàn toàn các "điểm chân rác". Ngoài ra, thành phố sẽ huy động hơn 1.000 nhà vệ sinh lưu động và vận động gần 400 điểm vệ sinh công cộng miễn phí phục vụ người dân trong thời gian cao điểm.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: Không thể coi vệ sinh môi trường là việc làm theo phong trào, sớm nở chóng tàn. Phải làm bài bản, đến nơi đến chốn, huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc, xử lý dứt điểm vấn đề dân sinh bức xúc. Đồng chí cũng đề nghị lãnh đạo các phường, xã trực tiếp chỉ đạo, tăng tính trách nhiệm, để người dân nhìn thấy sự chuyển biến thực chất, rõ ràng.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động triển khai phát động vệ sinh môi trường toàn Thành phố. Đồng chí nhấn manh, Thành ủy Hà Nội sẽ ban hành Chỉ thị, UBND Thành phố và các sở, ngành liên quan; các xã, phường phải xây dựng ngay kế hoạch triển khai thực hiện.
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, có hai nhóm nhiệm vụ cần thực hiện, đó là vệ sinh môi trường và trang hoàng đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp. Lễ ra quân tổng vệ sinh môi trường không chỉ là hoạt động điểm nhấn trong năm mà còn là khởi đầu cho phong trào thường xuyên, hướng đến hình thành nếp sống văn minh đô thị và phát triển bền vững cho Thủ đô Hà Nội.
Thực hiện: Minh Thu – Minh Quốc