Tại phiên chất vấn, các đại biểu HĐND Thành phố bày tỏ quan ngại trước thông tin cơ quan công an vừa bắt tạm giam 4 đối tượng giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh. Đại biểu đặt câu hỏi về biện pháp của Sở Nông nghiệp và Môi trường nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong bối cảnh thực phẩm trôi nổi, nhập lậu vẫn tồn tại.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Đại cho biết, Hà Nội có 126 nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu thịt nội địa, còn lại nhập từ các địa phương khác. Sở đang xây dựng các nội dung phát triển nông nghiệp và áp dụng cơ chế xử phạt nghiêm đối với các sai phạm về an toàn thực phẩm, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Về các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, ông Nguyễn Xuân Đại cho biết Hà Nội có 29 cơ sở giết mổ tập trung theo kế hoạch, nhưng hiện chỉ có 5 cơ sở giết mổ công nghiệp, trong đó 3 cơ sở hoạt động ổn định nhưng chưa đạt công suất mong muốn. Việc phát triển các cơ sở tập trung gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về vị trí đặt điểm giết mổ và chi phí đầu tư, khiến các cơ sở nhỏ lẻ vẫn chiếm ưu thế. Hiện nay, Sở đang báo cáo nội dung chính sách hỗ trợ nông nghiệp nông thôn, xây dựng chế tài để xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, an toàn thực phẩm là vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân. Do đó, cần tăng cường quản lý ở tất cả các khâu, từ trồng trọt, chăn nuôi, lưu thông đến bảo quản, chế biến. Hà Nội đã quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung và ký liên kết tiêu thụ sản phẩm với các địa phương, hướng đến cung cấp thực phẩm đủ và an toàn cho hơn 10 triệu dân Thủ đô. Về vấn đề giết mổ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng đây là bài toán khó, cần hoàn thiện quy hoạch và xây dựng chính sách phù hợp. UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu, đề xuất cơ chế trình HĐND Thành phố tại kỳ họp tới để giải quyết triệt để các bất cập hiện nay.
Thực hiện: Minh Thu – Minh Quốc