Hiệu quả từ việc đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (20:12 02/09/2020)


HNP - Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009, của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, 10 năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chuyển biến tích cực, góp phần nâng nâng chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề nông thôn. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường đã có cuộc trao đổi xung quanh nội dung này.

Lãnh đạo TP và lãnh đạo Sở NN&PTNT thăm gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp an toàn


- Ông có thể cho biết khái quát về công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg trên địa bàn thành phố thời gian qua?

- Triển khai đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo đề án của Thủ tướng Chính phủ, 10 năm qua, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã và các đơn vị đào tạo nghề trên địa bàn tổ chức rà soát, xác định lại nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; tổ chức tuyên truyền các nội dung của đề án đến với người dân, tập trung ưu tiên đến các xã vùng sâu, vùng xa; tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn học nghề. Đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nghề phù hợp, linh hoạt, tăng thực hành giảm lý thuyết và thực hiện tại nơi sản xuất…

Trong giai đoạn 2011-2015, UBND thành phố đã ban hành danh mục và mức chi phí và hỗ trợ đào tạo cho 12 nghề nông nghiệp. Sau đó, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3755/QĐ-UBND ngày 22/6/2017 về phê duyệt chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp cho 16 nghề nông nghiệp để làm cơ sở hỗ trợ cho người lao động tham gia học nghề. Căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương đã lựa chọn mô hình đào tạo nghề phù hợp, bền vững và có khả năng thu hút nhiều lao động tham gia học nghề. Đáng chú ý, một số địa phương đã tổ chức mô đào tạo mô hình điểm. Đơn cử, các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Thạch Thất, Ba Vì lựa chọn mô đào tạo nghề trồng nấm ăn, nấm dược liệu; các huyện: Phú Xuyên, Quốc Oai, Sóc Sơn đào tạo nghề chăn nuôi thú y, gia cầm. Thông qua các lớp đào tạo, nhìn chung lao động đã tự tổ chức sản xuất, chủ động phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi.

- Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm trong công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn của thành phố?

- Theo báo cáo của các huyện, thị xã, giai đoạn 2015-2020, các địa phương đã mở 1.713 lớp với 59.229 người tham gia học nghề trình độ sơ cấp nghề nông nghiệp, chiếm 44,83% tổng số lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt 85,25%. Giai đoạn 2016-2019, các huyện, thị xã đã tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp nghề nông nghiệp là 1.364 lớp với 47.252 người, chiếm 62,14% tổng số lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt 91,5%. Dự kiến, năm 2020, các địa phương tổ chức 238 lớp với 8.322 người tham gia học nghề nông nghiệp.

Qua công tác chỉ đạo, chúng tôi đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm. Thứ nhất, cần quán triệt cho các cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy có nhận thức sâu sắc về dạy nghề, giải quyết việc làm. Huy động các tổ chức chính trị - xã hội, khuyến khích các đoàn thể nhân dân, doanh nghiệp và người dân có đủ điều kiện tích cực tham gia vào công tác dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, gắn công tác nâng cao chất lượng lao động và giải quyết việc làm với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là công tác xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo...

Thứ hai là, tập trung nguồn lực để đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, tuyên truyền sâu rộng về các chủ trương, chính sách đào tạo nghề giải quyết việc làm đến đối tượng người lao động. Nắm chắc nhu cầu đào tạo nghề, việc làm của đối tượng…

Thứ ba là, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, chính quyền để kịp thời phát hiện, điều chỉnh những mặt hạn chế trong công tác dạy nghề và giải quyết việc làm ở cơ sở…Thứ tư là, từ thực tiễn cho thấy nơi nào cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ vai trò của đào tạo nghề cho lao động nông thôn…, thì nơi đó công tác đào tạo nghề được thực hiện tốt. Cuối cùng, đào tạo nghề phải theo nhu cầu người học và nguồn tiêu thụ đầu ra, phối hợp chặt chẽ giữa 3 yếu tố: Nhà nước (quản lý), doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và người lao động học nghề, để bảo đảm tính bền vững lâu dài.

- Theo phản ánh của các địa phương, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung vẫn gặp không ít khó khăn, ông có thể chia sẻ những khó khăn của việc đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn?

- Có thể thấy rằng, lao động sau khi học nghề nông nghiệp bước đầu áp dụng được kiến thức, kỹ năng mới vào sản xuất, từ đó, nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp, nông thôn, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống góp phần vào xây dựng chương trình nông thôn mới của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn còn một số khó khăn và hạn chế. Số lao động nông thôn học nghề nông nghiệp chủ yếu là làm những nghề cũ (tự tạo việc làm) vì đào tạo nghề chưa phối hợp tốt với doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động. Chương trình đào tạo mới chỉ bó hẹp ở mức độ phổ biến kiến thức; việc giới thiệu các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp còn thuần túy. Kiến thức sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, bảo quản, chế biến nông sản còn hạn chế. Việc có sự chênh lệch về độ tuổi trong các lớp đào tạo cũng dẫn đến việc tiếp thu kiến thức không đồng đều...

- Hiện nay, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn là nhiệm vụ rất quan trọng để nâng cao trình độ của người sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới. Thực hiện nhiệm vụ UBND thành phố giao, thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ triển khai những giải pháp nào thưa ông?

- Trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, các huyện, thị xã đề nghị tiếp tục đào tạo nghề nông nghiệp cho 70.000 lao động nông thôn; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt tối thiểu 80%. Để thực hiện mục tiêu này, Sở NN&PTNT sẽ triển khai nhiều giải pháp để nâng cao công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, như: Làm tốt hơn công tác khảo sát nhu cầu học nghề, gắn với nhu cầu lao động của các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp để đào tạo phù hợp, lao động sau khi đào tạo xong có việc làm. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nghề phù hợp, linh hoạt, chủ yếu tập trung dạy thực hành và thực hiện tại nơi sản xuất. Trong đó ưu tiên đào tạo nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chứng nhận an toàn; nghề về quản trị trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp… Công tác đào tạo nghề cũng sẽ gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Hà Nội trong giai đoạn mới...

Trân trọng cảm ơn ông!


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t