Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động chương trình truyền thông về bảo vệ môi trường năm 2024
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
Tổ chức Chương trình truyền thông về bảo vệ môi trường năm 2025
Ngày 04/6, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 153/KH-UBND về Tổ chức Chương trình truyền thông về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025
Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành uỷ ngày 27/11/2024 về những công việc trọng điểm mà Thành phố đã và đang triển khai, trong đó có vấn đề bảo vệ và cải thiện môi trường của Thủ đô; Căn cứ Luật Thủ đô năm 2024; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 11-NQ/TU của Thành ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Kế hoạch số 196/KH-UBND về triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội; Quyết định số 5384/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cho thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Kế hoạch số 359/KH-UBND của UBND Thành phố về việc thực hiện phong trào thi đua Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp của thành phố Hà Nội.
UBND Thành phố ban hành Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức và cá nhân về bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với sự biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và hướng tới sự phát triển bền vững của Thủ đô nhằm thực hiện có hiệu quả quy định tại Điều 28 Luật Thủ đô năm 2024 và các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết 11-NQ/TU của Thành ủy đã đặt ra; triển khai hiệu quả việc thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020, theo Kế hoạch số 196; Kế hoạch số 359/KH-UBND … Tuyên truyền, giới thiệu kịp thời các tập thể, cá nhân, các mô hình, điển hình, kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường không khí, nước, tiếng ồn, rác thải…, đề xuất các giải pháp, các công nghệ và sản phẩm thân thiện với môi trường; phản ánh, nghiên cứu thực trạng và đưa ra giải pháp hữu hiệu cho việc đảm bảo môi trường thành phố; Huy động được sự vào cuộc, chung tay của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức tham gia bảo vệ môi trường.
Theo đó, Kế hoạch tập trung triển khai một số nội dung chính sau:
Thứ nhất, từ tháng 6/2025 đến tháng 12/2025, tổ chức cuộc thi viết về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó thể lệ cuộc thi yêu cầu: Đối tượng tham gia là Công dân Việt Nam cư trú trong và ngoài nước, người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam; nội dung cuộc thi viết, tác phẩm dự thi: Tổ chức cuộc thi viết nhằm giới thiệu về các mô hình tiên tiến, sáng kiến kỹ thuật và đề xuất các giải pháp, ý tưởng mới về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội; nội dung các bài dự thi cần bám sát công tác triển khai Luật Thủ đô năm 2024; Nghị quyết số 11-NQ/TU; Kế hoạch số 160/KH-UBND; Kế hoạch số 196/KH-UBND; Quyết định số 5384/QĐ- UBND; Kế hoạch số 359/KH-UBND và Nghị quyết số 47/2024/NQ-HĐND của HĐND Thành phố về quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố Hà Nội (thực hiện điểm a khoản 2 điều 28 Luật Thủ đô) và khuyến khích người dân chuyển đổi phương tiện giao thông cá nhân sang phương tiện công cộng và phương tiện xanh thân thiện với môi trường…; các bài dự thi được đăng tải trên các ấn phẩm của Báo Kinh tế và Đô thị, các báo Trung ương và Thành phố, thời gian từ 15/10/2024 - 31/10/2025.
Thứ hai, từ tháng 6/2025 đến tháng 12/2025, tổ chức các sự kiện truyền thông về bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố gồm có: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại các trường học, khu vực dân cư, về cảnh báo nguy cơ biến đổi khí hậu và trách nhiệm bảo vệ môi trường; tổ chức hội thảo, tọa đàm về công tác bảo vệ môi trường; phối hợp với các tổ chức, cá nhân để thực hiện các chiến dịch, hoạt động cụ thể về bảo vệ môi trường tại những khu vực bị ô nhiễm môi trường; hưởng ứng và thực hiện phong trào thi đua thúc đẩy xây dựng đô thị, khu dân cư Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.
Đối với công tác thi đua khen thưởng: Các tập thể, cá nhân là các gương điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tham gia tài trợ, đồng hành cùng Chương trình sẽ được Ban Tổ chức xem xét, trình UBND Thành phố tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố.
UBND Thành phố giao Báo Kinh tế và Đô thị là cơ quan thường trực - đơn vị chủ trì tổ chức có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã (UBND cấp xã mới từ ngày 01/7/2025) và các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình, cụ thể: Xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai; ban hành Thể lệ, thành lập Ban Thư ký, Hội đồng Giám khảo nội dung cuộc thi viết; thông báo rộng rãi kế hoạch, thể lệ nội dung thi viết trên Báo Kinh tế và Đô thị (báo in và báo điện tử) và một số cơ quan thông tấn, báo chí khác và các cơ quan đơn vị liên quan; tiếp nhận bài dự thi, lựa chọn bài dự thi để thường xuyên đăng tải và duy trì chuyên mục bảo vệ môi trường trên Báo Kinh tế và Đô thị (báo in và báo điện tử), tổ chức chấm sơ khảo và chung khảo. Đồng thời, phối hợp các tổ chức, cá nhân để tổ chức các sự kiện truyền thông, hội thảo, tọa đàm, các chiến dịch, hoạt động cụ thể; tham gia kêu gọi và ký thỏa thuận hợp tác giữa Báo Kinh tế và Đô thị với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp phối hợp tổ chức và tham gia tài trợ cho Chương trình truyền thông; tổ chức Lễ tổng kết và trao giải.
Đề nghị Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí Hà Nội, Ban Tuyên giáo và Dân vận các quận, huyện, thị ủy và các ngành tích cực tham gia Chương trình.
Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Báo Kinh tế và Đô thị để tổ chức thực hiện và triển khai Kế hoạch sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức trong ngành.
Sở Văn hóa và Thể thao trên cơ sở chương trình truyền thông được triển khai, Sở và Báo Kinh tế và Đô thị chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí Hà Nội, Trung ương và các sở, ngành tổ chức tuyên truyền, tham gia cuộc thi nhằm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về bảo vệ môi trường và công tác triển khai kế hoạch.
Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố) phối hợp với Báo Kinh tế và Đô thị hướng dẫn, kiểm tra, đề xuất UBND Thành phố khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực về Chương trình truyền thông.
Các sở, ngành khác có liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với Báo Kinh tế và Đô thị triển khai Kế hoạch sâu rộng đến cán bộ, công nhân viên chức trong cơ quan, đơn vị.
Các Doanh nghiệp công ích của Thành phố bao gồm: Công ty Urenco; Công ty Công viên cây xanh; Công ty Thoát nước Hà Nội; Công ty Nước sạch Hà Nội…: Phối hợp với Báo Kinh tế và Đô thị triển khai Kế hoạch tổ chức và phổ biến, triển khai đến các cán bộ công nhân viên hưởng ứng và tham gia viết bài, sự kiện Chương trình truyền thông, đồng thời tài trợ kinh phí để tổ chức Chương trình.
Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và các báo, tạp chí của Hà Nội phối hợp với Báo Kinh tế và Đô thị tăng cường tuyên truyền về Chương trình truyền thông bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025.
Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghệ cao Sinh học Hà Nội
Ngày 04/6, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2788/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghệ cao Sinh học Hà Nội, tỷ lệ 1/2000.
Theo Quyết định, vị trí của Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội thuộc địa giới hành chính của các phường: Tây Tựu, Liên Mạc, Minh Khai, Thụy Phương và Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm. Trong đó, phía Bắc giáp các tuyến đường quy hoạch rộng 40m và Khu công nghiệp Nam Thăng Long; phía Tây giáp tuyến đường quy hoạch rộng 40m; phía Đông giáp các tuyến đường quy hoạch rộng 25m và 40m và phía Nam giáp tuyến đường trục Tây Thăng Long rộng 60,5m.
Mục tiêu đồ án quy hoạch là cụ thể hóa định hướng các đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Quy hoạch tổng thể phát triển Khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và Đề án thành lập Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội;... Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy và HĐND Thành phố. Bên cạnh đó, quy hoạch phân khu chức năng, cơ cấu sử dụng đất hợp lý, đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khớp nối với các dự án đầu tư, hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật và khu vực xung quanh; tuân thủ các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật theo các quy hoạch được duyệt, Quy chuẩn về quy hoạch xây dựng, Tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành và các quy định có liên quan; phù hợp với xu thế phát triển công nghệ cao trên thế giới và chính sách, định hướng phát triển khu công nghệ cao của Nhà nước và Thành phố, trong đó ưu tiên là lĩnh vực công nghệ sinh học với ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, có môi trường nghiên cứu, làm việc và cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đạt tiêu chuẩn cao; quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ được nghiên cứu khớp nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực trên cơ sở tính toán các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng, Tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được duyệt; đề xuất các Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch phân khu xây dựng làm cơ sở để Chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết theo quy định và là cơ sở pháp lý để các cơ quan, chính quyền địa phương quản lý xây dựng theo quy hoạch.
Đồ án quy hoạch phân khu gồm 05 nội dung, cụ thể: Về quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất dựa trên nguyên tắc các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc được xác định phù hợp với định hướng đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc chính với mật độ xây dựng gộp tối đa 30%; tầng cao công trình: 01 tầng đến 08 tầng và quy hoạch một số công trình điểm nhấn kết nối từ trục đường Tây Thăng Long đến khu công viên Trung tâm có tầng cao từ 01 tầng đến tối đa 25 tầng; các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của từng ô quy hoạch nhằm kiểm soát phát triển cho từng khu vực... Tổng diện tích khu đất lập quy hoạch là 199,03 ha được sử dụng cho các chức năng: Đất phục vụ cho các hoạt động công nghệ cao; đất dịch vụ; đất y tế; đất đào tạo, nghiên cứu; đất giáo dục; đất cây xanh sử dụng công cộng; đất cây xanh chuyên dụng; đất nhà lưu trú chuyên gia/người lao động; đất hạ tầng kỹ thuật khác; bãi đỗ xe cấp đô thị; đất bãi đỗ xe; mặt nước (hồ); mặt nước; đất giao thông.
Về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và Thiết kế đô thị: Đối với bố cục không gian kiến trúc toàn khu, khu vực quy hoạch được tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan được xác định theo nguyên tắc: Đảm bảo kết nối hài hoà không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan của khu vực với các dự án đầu tư, các khu vực dân cư hiện trạng và khu vực xung quanh; không gian chính của khu vực quy hoạch là trục không gian theo hướng Bắc - Nam, tiếp giáp với tuyến đại lộ Tây Thăng Long phía Nam dự án. Trục giao thông chính theo hướng Bắc - Nam là tuyến đường chính kết nối khu chức năng công nghệ với khu công viên trung tâm và khu dịch vụ thương mại ở phía Nam của đồ án; khu vực trọng tâm của phân khu là khu vực phục vụ các hoạt động công nghệ cao nằm ở phía Bắc và Tây Bắc của khu vực nghiên cứu quy hoạch. Các khu vực này được quy hoạch hướng tâm với khu trung tâm là khu vực hồ nước, công viên cảnh quan và công viên thể dục thể thao; được bố trí đan xen giữa các khu công viên cây xanh, mặt nước và đường nội bộ; điểm nhấn của khu vực nghiên cứu là Khu trung tâm thương mại dịch vụ phía Nam giáp tuyến đường đại lộ Tây Thăng Long và khu vực công viên trung tâm là khu vực tạo không gian xanh và cải thiện vi khí hậu cho khu vực nghiên cứu. Các công trình thương mại, dịch vụ với khối tích, đường nét và phong cách hiện đại, định hướng phát triển theo tiêu chuẩn cao cấp; các khu giáo dục, đào tạo - nghiên cứu được bố trí về phía Đông Nam; khu vực công trình y tế, trung tâm nghiên cứu và ứng dụng các sản phẩm công nghệ cao được bố trí ở phía Đông của dự án; các ô đất được quy hoạch các không gian mở hình thành bởi cây xanh vườn dạo, đường nội bộ... liên kết với trục không gian chủ đạo Bắc - Nam của toàn khu hoặc không gian mở đô thị của các tuyến đường phân khu vực. Đối với tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị: Bản đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan chỉ có tính minh họa, gợi ý cho giải pháp tổ chức không gian kiến trúc và cảnh quan. Bố cục mặt bằng, hình dáng các công trình xây dựng sẽ được nghiên cứu cụ thể tại giai đoạn lập quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư; khi thiết kế công trình; nghiên cứu tổ chức không gian cây xanh, sân vườn, giao thông nội bộ trong khu đất; các yêu cầu về giao thông đối nội, đối ngoại, bán kính quay xe, thông thoáng chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực… tuân thủ Quy chuẩn Quy hoạch xây dựng Việt Nam, Tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành và các quy định hiện hành khác có liên quan; giải pháp thiết kế công trình theo hướng kiến trúc xanh; xây dựng các công trình hiện đại có đặc trưng kiến trúc riêng, cải thiện môi trường đô thị;...
Về quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật: Quy hoạch giao thông; quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật; quy hoạch cấp nước; quy hoạch cấp năng lượng và chiếu sáng; quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động; quy hoạch thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang; quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị.
Về phân kỳ đầu tư: Tổ chức lập quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư đồng bộ, phân kỳ triển khai phù hợp với nhu cầu phát triển của dự án và khu vực; việc triển khai đầu tư xây dựng phải đảm bảo hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, đảm bảo khả năng kết nối về giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước với hệ thống giao thông đô thị, khu vực và các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối đáp ứng đầy đủ nhu cầu thiết yếu cho người dân.
Đối với quy định quản lý: Việc quản lý quy hoạch đô thị, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng công trình cần tuân thủ quy hoạch và "Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghệ cao Sinh học Hà Nội, tỷ lệ 1/2000" được ban hành kèm theo hồ sơ quy hoạch này; việc điều chỉnh, thay đổi, bổ sung quy hoạch phải được thực hiện theo đúng quy định.
UBND Thành phố giao: Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổ chức kiểm tra và xác nhận hồ sơ, bản vẽ đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghệ cao Sinh học Hà Nội, tỷ lệ 1/2000 phù hợp với Quyết định phê duyệt quy hoạch của UBND Thành phố.
UBND quận Bắc Từ Liêm chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức công bố công khai nội dung Quy hoạch được duyệt để các tổ chức, cơ quan có liên quan và nhân dân được biết.
Chánh Thanh tra Sở Xây dựng; Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm; Chủ tịch UBND các phường: Tây Tựu, Liên Mạc, Minh Khai, Thụy Phương và Cổ Nhuế 2; Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Thành phố chịu trách nhiệm: Kiểm tra, giám sát việc xây dựng theo quy hoạch, kịp thời xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch (nếu có) theo thẩm quyền và quy định.
Các Sở: Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, Ban Quản lý các Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp và các cơ quan liên quan của Thành phố theo lĩnh vực quản lý chuyên ngành có trách nhiệm kiểm tra các nội dung liên quan sau khi quy hoạch phân khu được phê duyệt và hướng dẫn Chủ đầu tư dự án thực hiện các thủ tục về đầu tư dự án, quy hoạch kiến trúc, quản lý đất đai,... theo đúng quy định hiện hành.
Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND quận Bắc Từ Liêm; UBND các phường: Tây Tựu, Liên Mạc, Minh Khai, Thụy Phương và Cổ Nhuế 2; Ban Quản lý các Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Thành phố và các đơn vị có liên quan kiểm tra, xem xét chính xác ranh giới, mốc giới, quy mô diện tích các ô đất trên thực địa.
Chủ đầu tư dự án đầu tư căn cứ các nội dung đồ án quy hoạch phân khu đã được phê duyệt, có trách nhiệm liên hệ với các Sở, Ngành, Ban Quản lý các Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Thành phố và các cơ quan liên quan của Thành phố để được hướng dẫn triển khai các thủ tục liên quan về dự án đầu tư, quy hoạch kiến trúc, quản lý đất đai, nghĩa vụ tài chính theo các quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố.
Quyết định này có hiệu lực thực hiện kể từ ngày ký./.
Điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 quận Thanh Xuân
Ngày 04/6, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2786/QĐ-UBND về việc điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 quận Thanh Xuân.
Theo Quyết định, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 quận Thanh Xuân đã được UBND Thành phố phê duyệt tại các Quyết định: Số 178/QĐ-UBND ngày 10/01/2025, số 2557/QĐ-UBND ngày 22/5/2025 cụ thể như sau:
1. Bổ sung 01 công trình, dự án Khu chức năng đô thị tại 233, 233B và 235 Nguyễn Trãi của Công ty cổ phần bất động sản Xavinco và liên danh với diện tích 11,0ha trong Danh mục các công trình, dự án thực hiện trong Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 quận Thanh Xuân.
2. Điều chỉnh nội dung tại Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 2557/QĐ-UBND ngày 22/5/2025 của UBND Thành phố thành: Danh mục các công trình, dự án trong Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 bao gồm 15 dự án, với tổng diện tích 26,84ha.
3. Các nội dung khác của Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 quận Thanh Xuân thực hiện theo các Quyết định: Số 178 và số 2557 của UBND Thành phố./.