Tiết mục văn nghệ đặc sắc tại Lễ hội
Lễ hội truyền thống đền, chùa Bà Tấm diễn ra từ ngày 15 - 20/3 (tức ngày 16 - 21/2 âm lịch). Lễ hội có các hoạt động: Thi đấu bóng chuyền hơi, bóng chuyền da, bóng đá, kéo co, nhảy bao bố, chơi cờ tướng, tổ tôm; liên hoan văn nghệ quần chúng, hát quan họ…; các gian hàng bán sản phẩm OCOP, sản phẩm lưu niệm, Việt phục, viết câu đối, thư pháp…; chương trình giáo dục truyền thống và tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của Nguyên phi Ỷ Lan thông qua cuốn truyện tranh lịch sử “Nguyên phi Ỷ Lan phò vua, giúp nước”; rước Thánh về Khu di tích đền thờ Hoàng Thái hậu Ỷ Lan…
Các đại biểu tham dự Lễ hội
Trước khi khai mạc lễ hội, 8 thôn, tổ dân phố trên địa bàn xã Dương Xá đã tổ chức các đoàn rước Thánh về Khu di tích đền - nơi thờ tự Linh Nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, người phụ nữ đã có công lao lớn đối với đất nước và nhân dân.
Các đoàn rước thánh về Khu di tích đền thờ Hoàng Thái hậu Ỷ Lan
Phát biểu khai mạc Lễ hội, Chủ tịch UBND xã Dương Xá Tô Hữu Vịnh cho biết: Ỷ Lan Linh Nhân Hoàng Thái Hậu là một trong những danh nhân có tài trị nước xuất chúng của dân tộc. Bà tên thật là Lê Thị Yến, sinh ngày 7/3 năm Giáp Thân 1044, cha là Lê Công Thiết, mẹ là Vũ Thị Tỉnh. Bà chính quê làng Thổ Lỗi, sau đổi thành Siêu Loại, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nay là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm.
Mẹ mất lúc 12 tuổi, cha lấy vợ kế nên Ỷ Lan khổ như cô Tấm trong chuyện cổ tích Tấm Cám. Sử ghi, Ỷ Lan là cô Tấm lộ Bắc nên gọi Đền thờ Ỷ Lan ở xã Dương Xá là Đền thờ Bà Tấm là vì thế.
Năm 1063, vua Lý Thánh Tông về chùa Dâu cầu tự, vua và quần thần vãn xem phong cảnh trong vùng, chợt thấy trên nương có người con gái hái dâu, tựa vào gốc lan mà hát trong ngày hội vui. Vua thấy lạ, vời xuống hỏi sự tình, thấy Lê Thị Yến - cô gái hái dâu bội phần xinh đẹp, lại đối đáp lưu loát, thông minh. Vua cảm thấy mến đưa về triều phong làm Cung phi, xây một cung điện riêng (nay là đình Yên Thái, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm), đặt tên là Cung Ỷ Lan, để nhớ sự tích cô gái dựa gốc cây lan buổi đầu gặp gỡ.
Chủ tịch UBND xã Dương Xá Tô Hữu Vịnh phát biểu khai mạc Lễ hội
Khác với các Hậu Phi, Ỷ Lan không lấy việc trau chuốt nhan sắc mong độc chiếm tình cảm của Vua mà quan tâm đến hết thảy mọi công việc trong triều. Khổ công học hỏi, miệt mài đọc sách, nên chỉ trong thời gian ngắn, mọi người đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết uyên thâm về nhiều mặt của Ỷ Lan. Bà được triều thần bái phục và đã hai lần nhiếp chính:
Lần thứ nhất, thay chồng là Lý Thánh Tông đi dẹp giặc Phương Nam ở tuổi 26 với cương vị là Nguyên Phi Ỷ Lan. Lần thứ hai, thay con là Lý Nhân Tông lên ngôi khi mới 07 tuổi, với cương vị là Hoàng Thái Hậu ở tuổi 29.
Với tài trị nước xuất chúng của Bà, loạn lạc đã được dẹp yên, dân đói đã được cứu sống, đưa nước Đại Việt bước nhanh trên con đường cường thịnh, văn hiến.
Bà đã có công sinh thành Thái tử Càn Đức tức Lý Nhân Tông, vị vua uy vũ, văn trị ở ngôi lâu nhất trong lịch sử Việt Nam (56 năm).
Bà đã giúp dân chăm lo sản xuất, trồng dâu nuôi tằm, xe tơ dệt lụa, đắp đê phòng lụt, cấm giết trâu bò cày kéo, mở kho cứu đói, đổi mệnh cho cung nữ cao niên và người ở đợ về xây dựng gia đình, còn chu cấp tiền bạc sống đến trọn đời. Bà còn đàm đạo với các bậc túc tăng, kỳ lão ở chùa Trấn Quốc, phát triển Đạo Phật ở Việt Nam và làm nhiều điều hướng thiện.
Đức Ỷ Lan là một nhân vật lịch sử xuất chúng vì cuộc đời và hành động của Bà đã có tác động sâu xa đến tiến trình lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Với công lao và đức độ của Bà, với sự trường cửu 215 năm của vương triều Lý, Bà đã được tôn phong Mẫu nghi thiên hạ, Thượng Đẳng Tối Linh Thần. Được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị UNESCO công nhận người phụ nữ huyền thoại thế giới.
Chùa Linh Nhân Tư Phúc, do chính Linh Nhân Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan cho xây dựng và khánh thành vào năm 1115, tại quê hương của bà. Năm 1117, bà qua đời, ngôi đền thờ bà cũng được xây dựng trong khuôn viên chùa. Cụm di tích đền, chùa Bà Tấm được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1996.
Người dân hào hứng tham gia Câu lạc bộ Tổ tôm
Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", trong những năm qua, xã Dương Xá luôn thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị tại di tích lịch sử - văn hóa Đền - Chùa Bà Tấm. Nhiều bảo vật tại cụm di tích được bảo vệ giữ gìn, tượng đôi sư tử đá thời Lý và khám thờ gỗ sơn son thếp vàng thời Mạc đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia. Nhiều công trình đã được xây dựng, trùng tu, tôn tạo như: Dựng tượng đồng Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan khánh thành năm 2010; Tu bổ, tôn tạo chùa Linh Nhân Tư Phúc và điện Mẫu hoàn thành năm 2020; Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và mở rộng khu di tích hoàn thành năm 2021.
Hiện nay, HĐND huyện Gia Lâm đã Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Tu bổ, tôn tạo đền, chùa Bà Tấm với tổng mức đầu tư 22,8 tỷ đồng vốn ngân sách huyện. Các công trình trên được xây dựng khang trang, bề thế, hoành tráng xứng tầm với những công lao đức độ của Bà, góp phần xây dựng Dương Xá trở thành Điểm du lịch, xã nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh.