Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trương Việt Dũng làm việc với Đại diện Thường trú, chuyên gia của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Ngô Minh Hoàng cho biết, năm 2024, UNDP khảo sát 1.122 người dân tại 24 thôn, tổ dân phố thuộc 12 xã, phường, thị trấn của 6 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc Thành phố, đó là: quận Hoàn Kiếm (Phường Chương Dương, Phường Hàng Trống); quận Đống Đa (Phường Hàng Bột, Phường Văn Chương); quận Cầu Giấy (Phường Nghĩa Tân, Phường Quan Hoa); quận Ba Đình (Phường Liễu Giai, Phường Giảng Võ); huyện Hoài Đức (Thị trấn Trạm Trôi, Xã An Khánh); thị xã Sơn Tây (Phường Ngô Quyền, Phường Quang Trung) (đều là các đơn vị nhiều năm được lựa chọn khảo sát PAPI).
Kết quả: Hà Nội đạt điểm số 43,7747 điểm (giảm 0,1856 điểm so với năm 2023); xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố; xếp vị trí nhóm 2 - nhóm Trung bình - Cao.
So sánh 6 Thành phố trực thuộc Trung ương (bổ sung thêm thành phố Huế từ năm 2024), Hà Nội xếp vị trí thứ 2/6 Thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong 8 trục nội dung được khảo sát, thành phố Hà Nội có 02 trục nội dung đạt điểm cao: Cung ứng dịch vụ công (đạt 7,5690 điểm) và Thủ tục hành chính công (đạt 7,1232 điểm); 02 trục nội dung nằm trong nhóm 1 (nhóm Cao) gồm: "Tham gia của người dân ở cấp cơ sở" và "Quản trị điện tử".
Đối với chỉ tiêu nhiệm kỳ, hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ (xếp nhóm 2) (Năm 2020, Hà Nội xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố, xếp nhóm 4, nhóm Thấp).
Tuy nhiên, qua kết quả công bố, còn một số tồn tại, hạn chế như: Các trục nội dung vốn là thế mạnh của Hà Nội có xu hướng giảm điểm và giảm thứ hạng (Cung ứng dịch vụ công và Thủ tục hành chính); Các trục nội dung có điểm giá trị tuyệt đối còn thấp: Quản trị môi trường; Quản trị điện tử và Trách nhiệm giải trình với người dân…
Với tinh thần cầu thị, đoàn công tác mong muốn các chuyên gia giúp Hà Nội nhận diện thêm tồn tại, hạn chế qua kết quả khảo sát PAPI năm 2024 một cách chi tiết, gắn với từng lĩnh vực, địa bàn cụ thể.
Bên cạnh đó, đoàn công tác cũng đề nghị UNDP cử chuyên gia hỗ trợ Hà Nội trong quá trình tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về CCHC và Chỉ số PAPI. Quan tâm truyền tải các nội dung rất cụ thể, mang tính cầm tay, chỉ việc cho chính quyền cơ sở. Lựa chọn địa bàn khảo sát mang tính đại diện, phản ánh toàn diện nỗ lực của chính quyền trong quá trình điều hành, quản trị.
Cân nhắc điều chỉnh một số nội dung, câu hỏi khảo sát để bảo đảm tính khách quan, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại các đô thị đặc biệt như Hà Nội... Thường xuyên tổ chức các diễn đàn chia sẻ điển hình trong cải thiện chỉ số PAPI đặc biệt là về lĩnh vực quản trị môi trường, cung ứng dịch vụ công trong năm.
Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện UNDP và các chuyên gia đã phân tích, làm rõ thêm một số nội dung thành phần còn yếu như: Quản trị môi trường (chất lượng không khí, chất lượng nước); công khai, minh bạch (Công khai kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất, thu chi ngân sách địa phương…); việc thực hiện thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; tham gia của người dân ở cấp cơ sở; …Trên cơ sở đó, các chuyên gia đã gợi mở, đề xuất một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trương Việt Dũng khẳng định, buổi làm việc là cơ hội hết sức ý nghĩa để thành phố Hà Nội cùng đại diện UNDP và các chuyên gia nhìn lại kết quả của Hà Nội thực hiện PAPI trong thời gian qua, phân tích rõ các nguyên nhân, cũng như đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh, Hà Nội xác định việc nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình phát triển Thủ đô. Trong những năm qua, Thành phố đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ công tác chỉ đạo, điều hành đến các giải pháp về cải cách thể chế; cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ, công chức; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Thành phố tăng cường đối thoại, mở rộng các kênh để tiếp nhận, xử lý kịp thời các ý kiến, phản ánh của người dân; đẩy mạnh minh bạch thông tin hoạt động của chính quyền, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cấp và đặc biệt không ngừng nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, trong đó có giải quyết TTHC.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, chỉ số PAPI của Hà Nội vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt được kỳ vọng. "Đây là điều mà chúng tôi hết sức nghiêm túc nhìn nhận. Chính vì vậy, chúng tôi rất mong muốn lắng nghe những ý kiến góp ý, khuyến nghị xác đáng từ phía UNDP và các chuyên gia, để từ đó điều chỉnh các chính sách, phương pháp tổ chức thực hiện phù hợp hơn với thực tiễn" - đồng chí Trương Việt Dũng bày tỏ.
Trân trọng cảm ơn các ý kiến trao đổi, đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trương Việt Dũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm và đồng hành từ phía UNDP và các chuyên gia trong công tác phân tích, đánh giá dữ liệu và định hướng giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các nội dung PAPI tại Hà Nội.
"Thành phố Hà Nội cam kết tiếp thu đầy đủ các khuyến nghị và sẽ phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động khảo sát, phân tích, giám sát đánh giá đồng thời quyết tâm hành động, tạo chuyển biến thực chất vì một nền hành chính phục vụ, công khai, minh bạch, hiện đại và vì sự phát triển bền vững của Thủ đô" - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng khẳng định.