Hội nghị do UBND thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố phối hợp tổ chức nhằm thiết thực hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2025; đồng thời cũng là hoạt động thể hiện trách nhiệm, tình cảm của lãnh đạo Thành phố và LĐLĐ Thành phố luôn quan tâm, chăm lo, bảo vệ; sâu sát nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ).
Đây là dịp để lãnh đạo Thành phố và CNVCLĐ trao đổi, đối thoại và cùng nhau bàn bạc, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đời sống, việc làm của công nhân, người lao động, đặc biệt là tại các Khu Công nghiệp và chế xuất của Thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh (phải) chủ trì Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2025
Dự Hội nghị còn có các đồng chí: Ngọ Duy Hiểu - Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Phạm Quang Thanh - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; Vũ Hà - Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy; Trương Việt Dũng - Thành ủy viên, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội; Nguyễn Xuân Đại - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội; Trần Thế Cương - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Nội vụ, Y tế, Tư pháp, Bảo hiểm xã hội Khu vực I, Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố, lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghệ cao và Khu công nghiệp thành phố Hà Nội; cùng hơn 200 CNLĐ, đại diện cho hơn 2,7 triệu đoàn viên, CNVCLĐ trên địa bàn Thủ đô.
Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, thành phố Hà Nội dự Hội nghị
Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, thành phố Hà Nội dự Hội nghị
Báo cáo về tình hình đời sống, việc làm, quan hệ lao động và kiến nghị, đề xuất của CNLĐ Thủ đô năm 2025, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh cho biết: Hiện nay, Hà Nội có trên 270.000 doanh nghiệp với khoảng 2,7 triệu lao động. LĐLĐ thành phố Hà Nội đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp hoạt động 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với tổng số trên 9.000 Công đoàn cơ sở và gần 800 nghìn đoàn viên.
Trong điều kiện đất nước, Thủ đô đang còn nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế, chính trị thế giới nhưng với sự quyết tâm, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cùng sự ủng hộ, đồng hành, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, trong đó có đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô để triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, thực hiện chủ đề, kế hoạch công tác năm của Thành phố, thực hiện có hiệu quả các kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh báo cáo tại Hội nghị
Cụ thể, về lao động, việc làm: Những tháng đầu năm 2025, thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi. UBND Thành phố đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động. 3 tháng đầu năm 2025, toàn Thành phố đã giải quyết việc làm cho trên 54,1 nghìn người lao động, đạt 32,03% kế hoạch năm, tăng 10,1% so với cùng kỳ.
Về tiền lương, tiền thưởng: Đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương, phúc lợi cho người lao động. Quý I năm 2025, thu nhập bình quân của người lao động là 7,7 triệu đồng/tháng (tăng 7,35% so với cùng kỳ năm 2024). Tuy nhiên, với mức thu nhập của người lao động như trên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là với công nhân lao động đang làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất...
Quang cảnh Hội nghị
Về nhà ở của CNLĐ khu công nghiệp: Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp, khu công nghệ cao đi vào hoạt động với trên 167 nghìn lao động, trong đó có nhiều lao động ngoại tỉnh, 60% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Nhà ở cho CNLĐ hiện nay tuy được quan tâm nhưng chưa theo kịp sự gia tăng của lực lượng lao động. Một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao... Ngoài ra, các trường học công lập cho con CNLĐ còn thiếu. Điều đó đã gây khó khăn hơn cho người lao động.
Về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp: Hiện nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt gần 2,2 triệu người, tăng hơn 107 nghìn người so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội còn cao. Nhiều doanh nghiệp cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Về quản lý Nhà nước về pháp luật lao động: Công tác quản lý Nhà nước về lao động đã được các cấp chính quyền Thành phố triển khai, thực hiện tốt. Phần lớn các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện đúng các quy định pháp luật; hỗ trợ bổ sung nhiều khoản trợ cấp cho người lao động. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra tại một số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, đặc biệt những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, ít lao động.
Về quan hệ lao động: Tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thành phố thời gian qua vẫn giữ được ổn định; không xảy ra đình công, tranh chấp lao động tập thể. Việc thực hiện đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở… được đẩy mạnh và đi vào thực chất. Vai trò đại diện, tham gia quản lý của tổ chức Công đoàn các cấp được khẳng định; từ đó góp phần vào xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trên địa bàn.
Đại biểu và CNLĐ dự Hội nghị
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, để chuẩn bị cho Hội nghị Chủ tịch UBND Thành phố gặp gỡ, đối thoại với CNLĐ Thủ đô năm 2025, trong gần 2 tháng qua, LĐLĐ Thành phố đã tổ chức lấy ý kiến, kiến nghị của CNLĐ. Kết quả đã tiếp nhận được trên 500 ý kiến, kiến nghị. Qua tổng hợp, CNLĐ có ý kiến đề xuất với Thành phố và các sở, ngành liên quan tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Thứ nhất, về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; trường học cho con công nhân; Thứ hai, về chăm sóc sức khỏe, y tế, bảo hiểm xã hội, an toàn thực phẩm; Thứ ba, về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề; chuyển đổi nghề, tạo việc làm mới cho người lao động; Thứ tư, về hỗ trợ doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại chiều 28/5
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: Hội nghị gặp gỡ, đối thoại ngày hôm nay không chỉ là một sự kiện thường niên mà còn mang ý nghĩa vô cùng quan trọng và sâu sắc. Đây là minh chứng rõ nét cho sự quan tâm đặc biệt, sự lắng nghe chân thành của lãnh đạo Thành phố đối với đời sống, tâm tư, nguyện vọng của giai cấp công nhân. Là dịp để lãnh đạo Thành phố, đại diện các sở, ngành trao đổi, đối thoại và cùng nhau bàn bạc, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đời sống, việc làm của CNLĐ, đặc biệt là CNLĐ tại các khu công nghệ cao và khu công nghiệp của Thành phố.
Mục đích chính của Hội nghị là tạo cầu nối trực tiếp để CNLĐ có cơ hội bày tỏ những kiến nghị, đề xuất, những khó khăn, vướng mắc trong công việc và cuộc sống. Trước Hội nghị, lãnh đạo Thành phố đã nhận được hàng trăm kiến nghị gửi về. Xác định quan điểm mỗi bước tiến, mỗi thành công chung của Thành phố không thể thiếu vai trò quan trọng của lực lượng CNLĐ Thủ đô, với vai trò là người đứng đầu - Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị CNLĐ hãy thẳng thắn trao đổi, có ý kiến, đề xuất nguyện vọng của mình. Chính quyền Thành phố luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị nhất, sẽ đáp ứng tối đa những nguyện vọng chính đáng của các bạn vì điều đó cũng sẽ là động lực để Thành phố phát triển.