Với tinh thần đổi mới, sáng tạo và chu đáo, Hà Nội không chỉ lan tỏa vẻ đẹp văn hóa, lịch sử mà còn khẳng định vai trò là điểm đến "An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn" trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực.
Du khách chụp ảnh lưu niệm với cụm pano tuyên truyền 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại hồ Hoàn Kiếm
Chuỗi sự kiện mở màn: "Get on Hanoi 2025" và hội chợ du lịch quốc tế
Ngay từ đầu tháng 3/2025, ngành Du lịch Hà Nội đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá nhằm tạo "đà" cho dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Điển hình là chuỗi sự kiện "Du lịch Hà Nội chào 2025 - Get on Hanoi 2025" tổ chức ngày 4/3 tại cụm di tích Đền, Chùa, Đình Hai Bà Trưng; cùng với đó là sự tham gia tích cực tại Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hanoi 2025 (từ 10 - 13/4) và Lễ hội quà tặng Du lịch Hà Nội 2025 với chủ đề "Du lịch Hà Nội - Điểm đến di sản thế giới" (từ 11 - 13/4 tại không gian phố Trần Nhân Tông). Các hoạt động này không chỉ thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp lữ hành mà còn góp phần xây dựng hình ảnh Thủ đô như một trung tâm du lịch năng động, sáng tạo.
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2025
Triển lãm, trưng bày đặc sắc khắp Thủ đô
Không khí lễ hội lan tỏa khắp Hà Nội thông qua hàng loạt hoạt động văn hóa đặc sắc, trải dài từ trung tâm Thành phố đến các khu di tích, không gian công cộng. Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, hai sự kiện lớn là "Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam" (01/4 - 04/5) và "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2025" (17 - 20/4) giới thiệu sự phong phú, đặc sắc của các vùng miền trên cả nước.
Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, triển lãm "Kể - Thiết kế trẻ trong lòng di sản" diễn ra từ 8 - 16/4 mang lại góc nhìn mới mẻ về di sản thông qua lăng kính sáng tạo của thế hệ trẻ. Các hoạt động tại khu phố cổ Hà Nội cũng sôi động không kém, nổi bật với triển lãm nghề mây tre đan "Made of Tre", các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt tại Đình Kim Ngân, trưng bày nghề khảm trai Chuyên Mỹ, triển lãm ảnh "Ký ức và huyền thoại" cùng các buổi workshop trải nghiệm văn hóa thủ công truyền thống.
Khách quốc tế tham quan tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Không gian quanh Hồ Gươm, các trung tâm văn hóa tại phố Hàng Buồm, Hàng Bài, và khu vực Nhà hát Lớn đều được chỉnh trang, cải tạo để phục vụ du khách. Đặc biệt, dự án cải tạo Vườn hoa Cổ Tân được khánh thành với điểm nhấn là tác phẩm nghệ thuật "Hồi sinh" – một biểu tượng sáng tạo độc đáo được chế tác từ cây xà cừ hơn 60 năm tuổi bị bão quật ngã. Đây hứa hẹn là điểm "check-in" mới mẻ cho người dân và du khách khi đến Hà Nội dịp này.
Các điểm du lịch mở rộng sản phẩm trải nghiệm
Không chỉ ở trung tâm Thành phố, nhiều khu, điểm du lịch vùng ven cũng chủ động làm mới sản phẩm để thu hút du khách. Khu nghỉ dưỡng Làng Mô Retreat mang đến trải nghiệm "Hào khí Việt Nam"; Ba Vì triển khai chương trình "Khám phá bản sắc Ba Vì" với hàng loạt hoạt động hấp dẫn như tìm hiểu văn hóa thờ cúng người Mường, thực hành nông cụ truyền thống, vẽ trứng đà điểu nghệ thuật, trị liệu bằng lá thuốc người Dao...
Các điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cũng được thúc đẩy phát triển theo hướng kết hợp chăm sóc sức khỏe với bảo tồn văn hóa địa phương, góp phần định hình thương hiệu du lịch xanh, bền vững cho Thủ đô trong tương lai.
Du khách tham quan vườn chè tại Ba Vì
Dịch vụ lưu trú, ẩm thực và tiện ích được nâng cấp
Hệ thống khách sạn tại Hà Nội cũng đồng loạt tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng kèm dịch vụ nhằm thu hút du khách lưu trú trong dịp lễ. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra chất lượng dịch vụ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự... cũng được tăng cường để đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho du khách.
Đặc biệt, trong hai ngày 30/4 và 1/5, tại khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Ban quản lý Lăng tổ chức phát miễn phí nước uống, sữa và bánh mỳ cho người dân và du khách đến viếng Bác - một hành động nhỏ nhưng đầy ý nghĩa nhân văn, thể hiện tinh thần phục vụ tận tâm của ngành Du lịch Thủ đô.
Điểm nhấn bắn pháo hoa nghệ thuật
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất dịp lễ năm nay là chương trình bắn pháo hoa trong khuôn khổ chương trình chính luận nghệ thuật "Hẹn ước Bắc Nam" và cầu truyền hình trực tiếp "Vang mãi khúc khải hoàn". Hai sự kiện quy mô lớn này sẽ được tổ chức tại đường đua F1 (quận Nam Từ Liêm) và sân khấu đa năng Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), hứa hẹn tạo nên không gian giải trí đỉnh cao, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và thu hút hàng vạn người dân, du khách tham dự.
Khách quốc tế trải nghiệm phố cổ Hà Nội bằng xích lô
Đảm bảo môi trường du lịch "xanh - sạch - đẹp"
Song song với việc tổ chức các hoạt động phong phú, ngành Du lịch Hà Nội cũng đặc biệt chú trọng xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn và thân thiện. Thông qua các văn bản chỉ đạo, Sở Du lịch yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch niêm yết công khai giá cả, đảm bảo bán đúng giá, không chèo kéo khách; đồng thời tăng cường thu gom, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp cho các điểm du lịch.
Ngành cũng yêu cầu các đơn vị rà soát, nâng cấp cơ sở vật chất, quy trình phục vụ, chuẩn bị đầy đủ phương án cứu hộ, cứu nạn tại các điểm có đông du khách, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc.
Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay là cơ hội vàng để Hà Nội thể hiện vị thế là một trung tâm du lịch lớn, giàu bản sắc văn hóa và đầy sức sống. Với sự chuẩn bị công phu, đồng bộ và chuyên nghiệp, ngành Du lịch Thủ đô kỳ vọng sẽ mang đến cho người dân và du khách những trải nghiệm đáng nhớ, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô sau thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh và thiên tai.