Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, trên địa bàn Thành phố hiện có 72.671 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó có 39.244 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; 07 cơ sở giết mổ công nghiệp, 24 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 718 điểm giết mổ thủ công, 454 chợ, 141 siêu thị, 25 trung tâm thương mại, 14.081 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản (3.271 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, 10.810 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản), 5.044 ha trồng rau an toàn được quản lý. Sản xuất thực phẩm của Thành phố đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.
Đoàn kiểm tra liên ngành của quận Ba Đình kiểm tra an toàn thực phẩm tại bếp ăn của một khách sạn trên địa bàn
Năm 2024, Thành phố đã triển khai đồng bộ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, tuyến Thành phố đã ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo và triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), tập trung vào các dịp cao điểm về ATTP như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Lễ hội Xuân, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu năm 2024...
Toàn Thành phố đã thành lập 656 đoàn kiểm tra, hậu kiểm kết quả như sau: Tổng số cơ sở được kiểm tra, hậu kiểm là 70.809 cơ sở, trong đó có 63.445 cơ sở đạt chiếm tỷ lệ 89,6%, phát hiện 7.364 cơ sở vi phạm.
Trong 7.364 cơ sở vi phạm thì có 3.234 cơ sở bị phạt tiền với số tiền phạt là 14,1 tỷ đồng; 5.709 cơ sở bị buộc tiêu hủy sản phẩm; 01 cơ sở thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; 753 cơ sở bị nhắc nhở tại chỗ những lỗi tồn tại của người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Mới đây, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra cơ sở Bò nhúng dấm 555 (có địa chỉ tại 138A phường Giảng Võ, quận Ba Đình). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở này kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trước vi phạm trên, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định xử phạt chủ hộ kinh doanh Bò nhúng dấm 555 với số tiền 12,5 triệu đồng.
Tương tự, tại thời điểm kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội phát hiện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thế giới hải sản (có địa chỉ ở số 06/H1 Khu đô thị mới Yên Hòa - Cầu Giấy, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước (gồm: Kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu; kiểm tra trong quá trình chế biến và trước khi sử dụng). Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng phát hiện cơ sở này thực hiện không đúng quy định về việc lưu mẫu thức ăn. Với những lỗi vi phạm nêu trên, Thanh tra Sở Y tế đã ra quyết định xử phạt cơ sở 16 triệu đồng.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, vào thời cận kề Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cơ quan chức năng của Thành phố đã và đang tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể... Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cùng Đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố kiểm tra an toàn thực phẩm tại một trung tâm thương mại trên địa bàn quận Thanh Xuân dịp cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn
Tại Kế hoạch số 355/KH-UBND ngày 21/11/2024 về đảm bảo ATTP phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, Lễ hội và có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các cơ sở kinh doanh tại các chợ và siêu thị, tổ chức thanh, kiểm tra đồng bộ từ cấp Thành phố đến cấp xã, phường, thị trấn. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định pháp luật, công khai rộng rãi các cơ sở vi phạm trên các phương tiện truyền thông.
Vừa qua (19/12), tại cuộc họp triển khai các nội dung thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cũng một lần nữa đề nghị các trưởng đoàn kiểm tra có trách nhiệm kiểm tra đột xuất theo nhánh lĩnh vực, không báo trước, sau đó quay về làm việc với Ban Chỉ đạo của địa phương để đánh giá công tác quản lý ATTP có hiệu quả, thực chất hay không, xem xét trách nhiệm cụ thể.
"Tất cả kết quả kiểm tra phải được cập nhật, kịp thời công khai ngay trên các phương tiện truyền thông…", Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu.
* Liên quan đến vụ nghi ngờ ngộ độc xảy ra tại Trung tâm Hội nghị Almaz (quận Long Biên, Hà Nội) vào trưa ngày 19/12 vừa qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã thành lập 3 tổ phản ứng nhanh điều tra vụ việc. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã đề nghị Sở Y tế Hà Nội điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, xét nghiệm mẫu thức ăn và bệnh phẩm để tìm nguyên nhân; tạm đình chỉ cơ sở nghi gây ngộ độc; xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.