Quang cảnh Hội nghị
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Kiều Oanh: Tốc độ chuyển dịch tỷ trọng ngành công nghiệp thấp hơn mục tiêu
Trong thời kỳ 10 năm từ 2011-2020, ngành công nghiệp - xây dựng (CN-XD) của Hà Nội có mức tăng trưởng 8,68%/năm; trong giai đoạn 3 năm 2021-2023, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tăng trưởng của các ngành CN-XD có tốc độ giảm, chỉ đạt 5,3%/năm. Các ngành công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng chung của vùng Đồng bằng sông Hồng (8,68% so với 11,19%). Với tốc độ tăng trưởng này, đóng góp của ngành công nghiệp - xây dựng thành phố Hà Nội vào vùng Đồng bằng sông Hồng đã và đang có xu hướng giảm dần.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh tham luận tại Hội nghị
Bình quân giai đoạn 2011-2020 giá trị tăng thêm công nghiệp đạt 8,5%/năm; trong giai đoạn 3 năm 2021-2023 giá trị tăng thêm công nghiệp chỉ tăng khoảng 5,5%/năm, thấp hơn chỉ tiêu đề ra của giai đoạn 2021-2025 là tăng 7,5- 8%.
Tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng trong cơ cấu kinh tế đã tăng dần, từ khoảng 19,3% năm 2010, lên 20,8% năm 2015 và đạt 23,65% vào năm 2023. Cơ cấu công nghiệp - xây dựng cơ bản đã đạt mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 là chiếm 22,5-23%, song xét riêng về cơ cấu của công nghiệp chế biến chế tạo còn thấp hơn mục tiêu chiếm 17% GRDP Thành phố.
Bình quân giai đoạn 2011-2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn đạt khoảng 11%/năm; trong giai đoạn 3 năm 2021-2023 cũng đạt mức tăng tương đương khoảng 11%/năm, cao hơn mức chỉ tiêu đề ra của giai đoạn 2021-2025 là tăng 10%/năm.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố Hà Nội cũng tăng trưởng mạnh từ 8,1 tỷ USD năm 2010 lên 10,5 tỷ USD năm 2015 và đạt khoảng 16,6 tỷ USD năm 2023. Bình quân giai đoạn 2011-2020 kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt khoảng 6,5%/năm; trong giai đoạn 3 năm 2021-2023 do ảnh hưởng của thị trường quốc tế nên chỉ đạt mức tăng 3,2%/năm.
Công nghiệp - thương mại của Thành phố vẫn còn hạn chế. Đó là tốc độ chuyển dịch tỷ trọng ngành công nghiệp còn thấp hơn mục tiêu đặt ra; vai trò đầu mối, dẫn dắt của ngành dịch vụ của Thủ đô chưa thật nổi bật trong mối quan hệ với các tỉnh phụ cận, các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng; phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn Thành phố có quy mô nhỏ và vừa, công nghệ ở mức trung bình; khung hành lang pháp lý quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử còn chưa rõ ràng, nhiều khoảng trống cần phải hoàn thiện; chi phí logistics trong thương mại điện tử còn khá cao...
Vì vậy, Sở Công Thương đề xuất 5 giải pháp để tái cơ cấu ngành công nghiệp - thương mại. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và môi trường kinh doanh trở thành động lực cho thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và số hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của ngành Công Thương thành phố Hà Nội; huy động hiệu quả các nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương thành phố Hà Nội; tăng cường công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững…
Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực I Vũ Mạnh Cường: Cơ cấu nguồn thu dịch chuyển theo hướng bền vững
Từ năm 2021 đến năm 2024, ngành Thuế Thủ đô đã thu được 1.476 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân qua các năm đạt 16%. Đặc biệt, trong năm 2024 thu được 482 nghìn tỷ đồng, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng, góp phần đưa tổng thu ngân sách nhà nước của Thành phố lần đầu vượt ngưỡng 500 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu nguồn thu có sự dịch chuyển theo hướng bền vững trên cơ sở tỷ trọng thu từ các ngành sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ có xu hướng tăng dần qua các năm và giảm dần sự lệ thuộc số thu ngân sách vào các khoản thu từ tài nguyên, đất đai.
Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực I Vũ Mạnh Cường tham luận tại Hội nghị
Xét theo cơ cấu nguồn thu của khối sản xuất kinh doanh, giai đoạn 2021-2024 có sự dịch chuyển giữa các khối kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài so với giai đoạn 2017-2020. Trong đó, đứng đầu là kinh tế tư nhân có sự bứt phát mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng luôn đạt mức cao trên 17%, đã đưa khối kinh tế tư nhân từ giữ vị trí thứ hai trong đóng góp thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2017-2020 lên giữ vai trò nòng cốt, đóng góp 45% tổng thu của khối sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021-2024. Thứ hai là khối kinh tế nhà nước, tốc độ tăng trưởng bình quân số thu qua các năm đạt thấp nhất trong 3 khối (đạt 9%), từ giữ vai trò chủ đạo trong đóng góp số thu ngân sách trong giai đoạn 2017-2020, đến nay đã giảm xuống vị trí thứ 2, đóng góp khoảng 38% tổng thu từ sản xuất kinh doanh.
Năm 2025, nhiệm vụ thu do Trung ương và Thành phố giao cho cơ quan Thuế tổng số 478.100 tỷ đồng; cơ cấu thu vẫn tập trung chủ yếu vào khối sản xuất kinh doanh, chiếm tỷ trọng thu 45% tổng thu ngân sách nhà nước, tăng 10,2% so với thực hiện năm 2024; trong đó, nhiệm vụ thu tập trung vào khối kinh tế tư nhân, khối có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định, chiếm tỷ trọng thu trên 48% tổng thu từ sản xuất kinh doanh, tăng gần 13% so với thực hiện năm 2024.
Lãnh đạo Thành phố tham dự Hội nghị
Để phấn đấu thực hiện thành công, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ công tác thuế năm 2025, tạo nền tảng vững chắc cho việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của cả giai đoạn 2026-2030, cơ quan thuế đã đưa ra các giải pháp mang tính chất đột phá để áp dụng trong công tác quản lý thu ngân sách theo định hướng phát triển chung của kinh tế xã hội trong thời đại mới, gồm: Kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch; đổi mới nâng cao chất lượng công tác quản lý thuế, tập trung phát triển nhóm hộ cá nhân kinh doanh trong thành phần kinh tế tư nhân; tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy quản lý thuế mới theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; thay đổi cơ chế hoạt động từ hoạt động theo chức năng quản lý thuế sang hoạt động theo mô hình quản lý thuế theo đối tượng người nộp thuế kết hợp chức năng
Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh: Tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 10,36%
Giai đoạn 2021-2025, Quận ủy Cầu Giấy đã triển khai nhiều chiến lược hiệu quả nhằm cơ cấu các ngành kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 đạt 10,36%, trong đó, tốc độ tăng của giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ đạt 11,08%. Tỷ trọng khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 65%, tập trung phát triển nhóm sản phẩm ngành dịch vụ chất lượng cao như công nghệ thông tin, phần mềm ứng dụng, tài chính, ngân hàng.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện liên tục tăng và vượt dự toán. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 2021-2025 thực hiện 77.575 tỷ đồng, đạt 111% dự toán Thành phố giao; bằng 224,2% giai đoạn 2016-2020.
Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh tham luận tại Hội nghị
Cơ cấu thu chuyển dịch tích cực, các khoản thu bền vững từ sản xuất kinh doanh tăng nhanh, giảm dần các khoản thu liên quan đến tài nguyên, đất đai. Trong giai đoạn 2021-2025, thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 36.402 tỷ đồng, chiếm 65,6% tổng thu ngân sách nhà nước, bằng 193,5% so với nhiệm kỳ trước, tăng bình quân 241,9%/năm.
Thời gian tới, quận tiếp tục định hướng phát triển kinh tế bền vững theo cơ cấu thương mại -dịch vụ, xây dựng, phấn đấu duy trì và nâng cao tỷ trọng thương mại - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế; chú trọng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; quyết liệt thực hiện các giải pháp đột phá nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Đồng thời, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.
Bên cạnh đó, quận tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, giao thông và công nghệ thông tin, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn hoạt động trên địa bàn.