Quang cảnh Tọa đàm “Chung tay đẩy lùi hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Lại Bá Hà cho biết, theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng của Thành phố đã đạt nhiều kết quả trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đặc biệt, Thành phố xử lý kịp thời nhiều vụ sản xuất, buôn bán sữa, thuốc, thực phẩm, thực phẩm chức năng giả; kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả thương hiệu nổi tiếng... Nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng bị phát hiện và xử lý đã tạo hiệu ứng xã hội, được dư luận ghi nhận, đánh giá cao.
Theo đồng chí Lại Bá Hà, Hà Nội là trung tâm thương mại lớn, cũng là nơi hội tụ nhiều thương hiệu uy tín trong và ngoài nước. Nếu không quyết liệt chặn đứng hàng giả, uy tín hàng Việt sẽ dần bị bào mòn, gây tổn thất không thể đong đếm cho. Vì vậy, hơn lúc nào hết, công cuộc “làm sạch” thị trường cần được coi là nhiệm vụ cấp bách, liên tục và có chiến lược lâu dài...
Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Lại Bá Hà phát biểu đề dẫn Tọa đàm
Tọa đàm có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước như: Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn Thủ đô và người tiêu dùng. Tọa đàm sẽ phác họa bức tranh về tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường hiện nay; phân tích rõ những “kẽ hở”, bất cập về mặt chính sách khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái “lộng hành”; những khó khăn của cơ quan chức năng trong việc quản lý chất lượng hàng hóa; đồng thời, đưa ra các giải pháp phù hợp, hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hiện nay...
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, qua công tác kiểm tra, trong số các sản phẩm vi phạm bị phát hiện, nhóm có nhiều sai phạm nhất là thực phẩm chức năng. Trong khi đó, tỷ lệ thuốc giả lại rất thấp. Điều đáng lo ngại là không ít sản phẩm thực phẩm chức năng bị phát hiện quảng cáo sai sự thật, thậm chí bị “thần thánh hóa” như thuốc chữa bệnh, trong khi bản chất của thực phẩm chức năng chỉ là sản phẩm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, không thay thế thuốc chữa bệnh. Chính điều này đã gây ra sự ngộ nhận và hoang mang trong dư luận xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin và lựa chọn của người tiêu dùng.
Ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) trao đổi về việc quảng cáo, bán thuốc qua mạng
Không chỉ dừng lại ở việc gắn mác “chống ung thư”, “tăng cường miễn dịch vượt trội”, “cải thiện sinh lý tức thì”, nhiều đối tượng còn lợi dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để tung ra hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng giả, không rõ nguồn gốc, thậm chí không qua bất kỳ kiểm định nào. Các đối tượng vi phạm hiện nay ngày càng tinh vi hơn, tổ chức bài bản, sử dụng công nghệ cao để che giấu hành vi, lừa dối người tiêu dùng. Điều này khiến công tác quản lý trở nên khó khăn và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và toàn xã hội.
Ông Dương Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội dẫn chứng cụ thể một số vụ việc điển hình như: phát hiện hơn 23.000 sản phẩm bánh kẹo không rõ nguồn gốc tại La Phù; 2,5 tấn gạo có dấu hiệu giả mạo; hàng nghìn lon sữa và thực phẩm chức năng bị tẩy xóa hạn sử dụng. Đặc biệt, không ít sản phẩm thực phẩm chức năng bị gắn nhãn mác của thương hiệu nổi tiếng nước ngoài, nhưng thực chất lại là hàng giả, hàng trôi nổi được gia công thô sơ, không đạt tiêu chuẩn an toàn.
Cùng với công tác kiểm tra thị trường, các đoàn công tác liên ngành của thành phố Hà Nội cũng đẩy mạnh kiểm tra về an toàn thực phẩm. Trong 84 cơ sở sản xuất, kinh doanh được kiểm tra, có tới 63 cơ sở vi phạm chiếm gần 75%. Số liệu này phần nào phản ánh thực trạng đáng lo ngại về chất lượng sản phẩm trên thị trường hiện nay. Không ít cơ sở đã bị đình chỉ hoạt động, buộc khắc phục vi phạm trước khi được phép hoạt động trở lại. Những vụ việc gây rúng động dư luận như bánh cốm Nguyên Ninh, bim bim Đức Vinh, bánh kẹo tại La Phù... là lời cảnh tỉnh không chỉ đối với các cơ sở sản xuất mà còn với người tiêu dùng về sự dễ dãi trong lựa chọn sản phẩm.
Ông Dương Mạnh Hùng (giữa), Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phát biểu tại Tọa đàm
Thực phẩm chức năng, với đặc thù nằm ở “ranh giới mỏng” giữa thuốc và thực phẩm, dễ bị các đối tượng lợi dụng để trục lợi từ sự thiếu hiểu biết hoặc tin tưởng quá mức của người dân. Mặc dù Luật Dược và các quy định liên quan đã có những quy định rõ ràng về việc công bố, quảng cáo và lưu hành thực phẩm chức năng, nhưng việc thực thi trong thực tế vẫn còn nhiều lỗ hổng. Cơ chế hậu kiểm còn chưa đủ mạnh, nhiều sản phẩm sau khi được cấp phép công bố lại không được theo dõi sát sao quá trình sản xuất, phân phối, dẫn đến việc chất lượng trên thị trường không đồng nhất với hồ sơ công bố ban đầu.
Theo ông Tạ Mạnh Hùng, hiện trong số hơn 40.000 mẫu thuốc được kiểm tra, tỷ lệ thuốc kém chất lượng dưới 1%, thuốc giả dưới 0,1%. Điều này cho thấy công tác kiểm soát đối với lĩnh vực dược phẩm chính thống đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhóm thực phẩm chức năng lại không được kiểm soát chặt chẽ như vậy, dẫn đến việc nhiều sản phẩm không bảo đảm chất lượng, thậm chí bị làm giả vẫn trôi nổi trên thị trường.
Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy chuẩn riêng cho thực phẩm chức năng từ điều kiện sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, ghi nhãn, quảng cáo đến phân phối. Không thể áp dụng cơ chế quản lý thực phẩm chức năng giống như thực phẩm thông thường, bởi đối tượng sử dụng phần lớn là người cao tuổi, người bệnh hoặc có nhu cầu đặc biệt về sức khỏe, những nhóm dễ bị tổn thương nếu sử dụng sản phẩm kém chất lượng.
Bên cạnh đó, vai trò của truyền thông, báo chí trong công tác tuyên truyền, giáo dục người tiêu dùng về cách nhận biết sản phẩm an toàn, cách phân biệt sản phẩm chính hãng và sản phẩm giả cũng cần được đẩy mạnh. Người tiêu dùng cũng phải là “lá chắn đầu tiên” trong công cuộc chống hàng giả bằng việc nâng cao nhận thức, thận trọng trong lựa chọn sản phẩm, không chạy theo quảng cáo “màu mè”, ưu tiên mua tại các nhà thuốc, hệ thống phân phối uy tín và có hóa đơn rõ ràng.
Các đại biểu chụp ảnh tại Tọa đàm “Chung tay đẩy lùi hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”
Tọa đàm cũng cho thấy, chống hàng giả không thể là việc riêng của một ngành, một lực lượng mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Lực lượng quản lý thị trường, Công an kinh tế và chính quyền các cấp. Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển nhanh, cần xây dựng hệ thống giám sát tự động, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, mã hóa QR code chính thống để phân biệt sản phẩm và hỗ trợ người tiêu dùng kiểm tra thông tin minh bạch.
Vấn nạn hàng giả, quảng cáo sai sự thật trong lĩnh vực thực phẩm chức năng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn là mối đe dọa trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng. Việc phát hiện và xử lý các sai phạm vừa qua mới chỉ là bước đầu. Một thị trường lành mạnh, minh bạch, có trách nhiệm, nơi mà thực phẩm chức năng thực sự là sản phẩm hỗ trợ sức khỏe đúng nghĩa cần đến nỗ lực bền bỉ, quyết liệt và đồng lòng từ cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp, truyền thông và người dân. Đây không chỉ là cuộc chiến chống hàng giả, mà còn là cuộc chiến vì niềm tin và sự an toàn của người tiêu dùng Việt Nam.