Quang cảnh Hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Ngô Thúy Hằng, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Thành phố cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội đã bám sát chỉ đạo của Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc NHCSXH, cùng với sự lãnh đạo của HĐND, UBND Thành phố và Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH Thành phố. Tập thể cán bộ, người lao động tại Chi nhánh đã nỗ lực, chủ động triển khai các chương trình tín dụng chính sách, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tính đến ngày 30/6/2025, tổng nguồn vốn hoạt động tại Chi nhánh đạt 17.819 tỷ đồng, tăng 1.210 tỷ đồng so với đầu năm. Đặc biệt, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương lên tới 11.215 tỷ đồng, tăng 1.395 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 63% tổng nguồn vốn hoạt động.
Trong nửa đầu năm, tổng doanh số cho vay đạt 4.606 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 3.399 tỷ đồng (bằng 74% doanh số cho vay). Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội đã giải ngân cho 60.771 lượt khách hàng, trong đó nổi bật là các chương trình cho vay tạo việc làm với hơn 46.200 lao động được hỗ trợ vốn, hơn 14.300 hộ được vay cải tạo và xây mới 28.650 công trình nước sạch và vệ sinh. Ngoài ra, Chi nhánh còn hỗ trợ 97 lượt khách hàng vay vốn chương trình cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg; 83 lượt người chấp hành xong án phạt tù được vay để tái hòa nhập sản xuất; 63 khách hàng vay vốn mua, xây dựng nhà ở xã hội.
Tính đến hết tháng 6, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 17.774 tỷ đồng, với 261.661 khách hàng đang vay vốn. Mức tăng trưởng dư nợ đạt 1.207 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng 7,3%. Các chương trình tín dụng chính sách tiếp tục phát huy vai trò là công cụ hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tín dụng đen và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.
Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị
Một điểm sáng nổi bật trong công tác triển khai nhiệm vụ của Chi nhánh là việc chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã. Chi nhánh NHCSXH Hà Nội đã kịp thời rà soát, kiện toàn lại các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) phù hợp với địa giới hành chính mới. Đồng thời, Chi nhánh cũng tham mưu cho UBND cấp xã bố trí 503 điểm giao dịch tại các địa điểm thuận tiện như trụ sở UBND xã, nhà văn hóa, trụ sở cũ của các xã/phường trước khi sáp nhập... Việc duy trì hoạt động giao dịch cố định hàng tháng tại các điểm giao dịch xã đã giúp đảm bảo tính thông suốt và kịp thời của các chương trình tín dụng chính sách xã hội, phục vụ tốt nhất người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế.
Bước sang nửa cuối năm 2025, Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội tiếp tục phát động phong trào thi đua trong toàn hệ thống nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đó, tập trung triển khai một số giải pháp chủ lực như: phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND Thành phố ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 60/2024/QĐ-UBND, điều chỉnh quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH, nhằm phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy và chính quyền hai cấp sau sắp xếp.
Song song với đó, Chi nhánh NHCSXH Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp để rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn thực tế của các đối tượng thụ hưởng, làm cơ sở đề xuất UBND Thành phố bố trí ngân sách bổ sung vốn ủy thác năm 2026; tích cực tham mưu Tổng Giám đốc NHCSXH về kế hoạch tín dụng nguồn vốn Trung ương trong thời gian tới.
Để đảm bảo chất lượng tín dụng, Chi nhánh NHCSXH Hà Nội sẽ tập trung đôn đốc giải ngân nguồn vốn tăng trưởng và vốn thu hồi, hoàn thành đúng tiến độ các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2025. Công tác xử lý các khoản vay bị rủi ro do nguyên nhân khách quan cũng sẽ được tiếp tục rà soát và hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. Ngoài ra, Chi nhánh tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng cũng như hiệu quả giao dịch xã.
Cùng với đó, NHCSXH Thành phố sẽ tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, từ cán bộ chi nhánh đến cán bộ phối hợp tại địa phương nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý và tinh thần trách nhiệm. Công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các điểm giao dịch xã để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tín dụng chính sách.