Ông Đặng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị
Trong nửa đầu năm 2025, Chi nhánh NHCSXH Thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội đã duy trì trao đổi thông tin hai chiều về quy trình nghiệp vụ, cập nhật các chủ trương, chính sách mới, đồng thời cùng tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, các bên đã phối hợp chặt chẽ trong công tác rà soát, bàn giao, chia tách và sáp nhập các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn theo Nghị quyết 19/NQ-HĐND ngày 29/4/2025 của HĐND thành phố Hà Nội liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Việc này đảm bảo các hoạt động cho vay, thu nợ, thu lãi và tiền gửi tại các địa bàn có thay đổi được triển khai liên tục, không bị gián đoạn.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng doanh số cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt 4.593 tỷ đồng với gần 61 nghìn lượt khách hàng. Các chương trình cho vay tập trung vào hỗ trợ tạo việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nhà ở xã hội, học sinh – sinh viên... Tổng doanh số thu nợ đạt 3.395 tỷ đồng, chiếm 74% so với doanh số cho vay.
Tính đến ngày 30/6/2025, tổng dư nợ toàn Thành phố đạt 17.774 tỷ đồng, trong đó dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội là 17.734 tỷ đồng, chiếm 99,8% tổng dư nợ và tăng 1.180 tỷ đồng so với đầu năm. Hiện có hơn 261 nghìn khách hàng dư nợ tại 7.052 Tổ tiết kiệm và vay vốn, bình quân mỗi tổ có 37 thành viên, dư nợ trung bình đạt 2,5 tỷ đồng/tổ và 68 triệu đồng/khách hàng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực vào việc giải quyết việc làm cho 46.207 lao động, hỗ trợ xây dựng mới cho 14.310 hộ gia đình, cải tạo hơn 28.650 công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường; cho 97 lượt học sinh – sinh viên vay trang trải chi phí học tập, hỗ trợ 83 người chấp hành xong án phạt tù và 63 khách hàng vay vốn mua nhà ở xã hội, xây mới hoặc sửa chữa nhà ở xã hội. Những chương trình này góp phần thiết thực vào công cuộc giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đồng thời hạn chế tín dụng đen.
Bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố phát biểu tại hội nghị
Trong nửa đầu năm, các tổ chức chính trị - xã hội đã kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác tại 33 đơn vị cấp huyện, 33 đơn vị cấp xã, 54 tổ tiết kiệm và vay vốn và 165 khách hàng. Chi nhánh NHCSXH Thành phố cũng phối hợp triển khai việc thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm thông qua ứng dụng quản lý tín dụng chính sách trên điện thoại di động, góp phần giảm thời gian giao dịch, tăng hiệu quả hoạt động của các tổ chức và Tổ tiết kiệm và vay vốn trong quá trình chuyển đổi số.
Phát biểu tại hội nghị, bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố nhấn mạnh: Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, hiện toàn Thành phố còn 79 Hội Nông dân cấp xã, trong đó nhiều cán bộ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch mới được bổ nhiệm. Do đó, Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố đề nghị Chi nhánh NHCSXH Thành phố chỉ đạo các Phòng giao dịch tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho vay ủy thác, đặc biệt cho cán bộ mới. Hội Nông dân sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp với Chi nhánh NHCSXH Thành phố để đối chiếu và phân loại nợ định kỳ; đồng thời phối hợp với chính quyền cơ sở rà soát nhu cầu vay vốn, nâng mức vay phù hợp với quy mô sản xuất của từng hộ để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Hội cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ sản xuất, kinh doanh tại làng nghề và các chủ thể OCOP tiếp cận hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách.
Kết luận hội nghị, ông Đặng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục chỉ đạo Hội cấp xã đảm bảo công tác bàn giao hồ sơ và các tài liệu liên quan được diễn ra thông suốt. Các đơn vị cần nhanh chóng ký kết Hợp đồng ủy thác, phân công cán bộ phụ trách theo dõi, tích cực tham gia tập huấn nghiệp vụ, phối hợp với Chi nhánh NHCSXH Thành phố trong công tác đảm bảo điều kiện giao dịch như bố trí điểm giao dịch, bảng biểu, đảm bảo an ninh, an toàn tài sản và con người. Ngoài ra, cần tham gia đầy đủ các phiên giao dịch, kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh và nắm bắt các chính sách mới nhằm tuyên truyền đến người dân có nhu cầu vay vốn đúng quy định và kịp thời được tiếp cận nguồn vốn chính sách.