Theo Quyết định, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Thạch Thất. Ranh giới cụ thể: Phía Bắc và Đông Bắc giáp huyện Phúc Thọ; phía Đông Nam và Nam giáp huyện Quốc Oai; phía Tây Nam và Nam giáp tỉnh Hòa Bình; phía Tây và Tây Bắc giáp thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì. Quy mô diện tích khoảng 18.752,51ha. Quy mô dân số: Dân số dự báo quy hoạch đến năm 2030: khoảng 648.900 người. Dân số dự báo quy hoạch đến năm 2040: khoảng 693.200 người. Dân số dự báo quy hoạch đến 2050: khoảng 779.800 người. Thời hạn quy hoạch: Đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (có dự báo giai đoạn năm 2040).
Huyện Thạch Thất là huyện ngoại thành phía Tây thành phố Hà Nội có xu hướng phát triển kinh tế tổng hợp công nghiệp, khoa học công nghệ cao, cơ sở đào tạo đại học, y tế, thương mại dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, sinh thái, công nghiệp làng nghề, đảm bảo vai trò không gian cửa ngõ tích cực phía Tây của Thủ đô Hà Nội. Là huyện có đô thị vệ tinh của Hà Nội với tính chất là trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ cao; trung tâm đại học Quốc gia và cao đẳng dạy nghề chất lượng cao; trung tâm y tế, khám chữa bệnh, điều dưỡng; đô thị sinh thái, tiết kiệm năng lượng; vui chơi giải trí, du lịch sinh thái phục vụ nhân dân Thủ đô và vùng phụ cận.
Ngoài ra, huyện Thạch Thất có kết nối giao thông thuận lợi với trung tâm Hà Nội và các khu du lịch, nghỉ dưỡng lớn. Có khả năng phát triển dịch vụ logistic, trung chuyển hàng hóa. Nằm trong khu vực Hành lang xanh, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững môi trường của Thủ đô. Là khu vực có tài nguyên đất đai, lao động để phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, xanh, sinh thái. Là huyện có thế mạnh để phát triển kinh tế tiểu thủ công nghiệp làng nghề, làng nghề gắn với du lịch, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Phát triển gắn liền với bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa và bản sắc cảnh quan làng xã truyền thống. Có ý nghĩa về quốc phòng, an ninh cho vùng Thủ đô và cả nước.
Mục tiêu quy hoạch nhằm cụ thể hóa định hướng đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt, phù hợp với yêu cầu của Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô (xây dựng huyện Thạch Thất trở thành một trong những huyện phát triển mạnh về công nghiệp, TTCN làng nghề sạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thương mại, dịch vụ du lịch... phát triển khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo chất lượng cao tại Hòa Lạc, tạo động lực phát triển đô thị); đảm bảo định hướng của Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ dô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hòa, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn kết hợp với phát triển du lịch xanh... phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của huyện Thạch Thất, tạo nguồn lực, không gian và động lực góp phần phát triển mới cho Thủ đô Hà Nội); phù hợp, tích hợp trong đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (trong đó có lưu ý tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị khu vực dự kiến xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai) và quy hoạch quỹ đất dự trữ phát triển đã xác định tại thị trấn Liên Quan) và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan (như giao thông, bến xe liên tỉnh, cấp, thoát nước, nhà ở xã hội tập trung,...).
Cùng với đó, kế thừa và phát huy chọn lọc các nội dung của đồ án Quy hoạch chung xây dựng huyện Thạch Thất và các đồ án khác đã được phê duyệt; rà soát công tác triển khai quy hoạch trên địa bàn huyện. Đề xuất, kiến nghị những nội dung cần điều chỉnh bổ sung trong quá trình thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Xác định mối liên hệ vùng, liên kết về không gian kinh tế - xã hội, đô thị, nông thôn huyện Thạch Thất với các khu vực lân cận trong và ngoài thành phố Hà Nội để đề xuất, lựa chọn mô hình phát triển không gian vùng. Xác định các mục tiêu, động lực phát triển, mô hình phát triển, cấu trúc hệ thống đô thị và nông thôn phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội; phân cấp, phân loại đô thị theo không gian lãnh thổ và quản lý hành chính trên địa bàn huyện.
Thực hiện những quan điểm chủ đạo trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, phù hợp với các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố và Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Phát huy các tiềm năng lợi thế của huyện về vị trí, đất đai, địa hình, cảnh quan, văn hóa để khai thác phù hợp với tình hình mới. Định hướng phát triển kinh tế theo hướng cân bằng và bền vững nhằm phục vụ quá trình phát triển công nghiệp, đô thị hóa, tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ dân sinh...
Thực hiện từ khi có đầy đủ hồ sơ và cơ sở pháp lý như: các văn bản pháp lý khác có liên quan, bản đồ đo đạc hiện trạng theo đúng quy định hiện hành. Thời gian hoàn thành không quá 12 tháng (không kể thời gian thẩm định và phê duyệt theo quy định)...
Độc giả có thể theo dõi toàn văn Quyết định trên
TẠI ĐÂY.