Bám sát chỉ đạo Trung ương, cụ thể hóa bằng hành động quyết liệt
Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội đã từng bước hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược bằng hành động cụ thể.
Kế hoạch số 306/KH-UBND ngày 30/11/2022, UBND Thành phố đã đề ra 20 chỉ tiêu và 96 nhiệm vụ cụ thể, phân công rõ trách nhiệm cho các sở, ban, ngành, đồng thời theo dõi tiến độ thực hiện 74 nhiệm vụ Thành phố kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương.
Đặc biệt, ngày 28/3/2025, Chỉ thị số 04/CT-UBND đã được ban hành với những giải pháp đột phá nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên. Theo đó, Thành phố giao thực hiện 68 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu, 97 nhiệm vụ trọng tâm và 14 nhóm giải pháp lớn, tạo cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội.
Một điểm nhấn trong các giải pháp đột phá là thiết lập "làn xanh" trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), đặc biệt ưu tiên các dự án trọng điểm, với thời gian xử lý không quá 24 giờ.
Các dự án được ưu tiên giải quyết bao gồm:
Cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu
Cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu
Cầu Trần Hưng Đạo
Tuyến đường sắt đô thị số 5
Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội
Cải tạo chỉnh trang, bổ cập nước sông Tô Lịch
Cải tạo, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường xung quanh Hồ Tây
Khu công nghệ cao Hòa Lạc và các dự án thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Cơ chế "làn xanh" không chỉ tháo gỡ điểm nghẽn thủ tục mà còn gửi thông điệp mạnh mẽ về cam kết cải thiện môi trường đầu tư, tăng tốc độ triển khai các dự án trọng yếu, từ đó tạo động lực lan tỏa cho tăng trưởng.
GRDP tăng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội năm 2024 đạt 1.425,5 nghìn tỷ đồng, cho thấy sức bật ổn định của nền kinh tế Thủ đô trong bối cảnh còn nhiều biến động chung. Bước sang quý I/2025, GRDP tiếp tục ghi nhận kết quả khả quan với 352,1 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng GRDP của Hà Nội năm 2024 đạt 6,52%, phản ánh kết quả của những nỗ lực trong điều hành và triển khai hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, quý I/2025, GRDP của Hà Nội tăng 7,35%, vượt cả mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước (6,93%), cao hơn so với cùng kỳ năm trước (5,44%) và cao hơn kịch bản tăng trưởng đã đề ra từ đầu năm (7,21%).
Song song với tăng trưởng, cơ cấu kinh tế của Hà Nội cũng ghi nhận sự chuyển dịch theo hướng tích cực. So với năm 2023, tỷ trọng ngành dịch vụ trong GRDP năm 2024 tăng 1,54 điểm phần trăm - cho thấy xu thế phát triển đúng định hướng đô thị hiện đại, tăng cường vai trò của khu vực dịch vụ. Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,86 điểm phần trăm; nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm nhẹ 0,01 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 0,67 điểm phần trăm.
Đáng chú ý, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP năm 2024 đạt 12,59%, giảm 0,43 điểm phần trăm so với năm trước. Dù có sự điều chỉnh nhẹ về tỷ trọng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục đóng vai trò trụ cột trong phát triển công nghiệp của Thủ đô.
Thu nhập bình quân đầu người tiếp tục được cải thiện rõ nét. GRDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 163,5 triệu đồng, tăng 13,2 triệu đồng so với năm 2023. Điều này cho thấy chất lượng sống của người dân đang được nâng cao từng bước, đồng thời phản ánh sự chuyển biến tích cực về năng suất lao động và hiệu quả kinh tế.
Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn năm 2024 đạt 95,2%, tăng 1,2 điểm phần trăm so với năm trước, cho thấy hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân và nỗ lực mở rộng diện tiếp cận dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,2%, tăng 1 điểm phần trăm so với năm 2023 - tiếp tục khẳng định hướng đi đúng đắn trong chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô.
Thu ngân sách nhà nước tăng cao
Phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực.
Cân đối thu, chi ngân sách Nhà nước được đảm bảo: Năm 2024, tổng thu NSNN trên địa bàn Thành phố là 513.799 tỷ đồng, đạt 125,8% dự toán, tăng 24,9% so với cùng kỳ, trong đó: Thu nội địa 477.178 tỷ đồng, đạt 126,1% dự toán, tăng 25,2% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương thực hiện 121.386 tỷ đồng, đạt 85,2% dự toán, tăng 9,9% so với năm 2023, trong đó: Chi đầu tư phát triển 60.690 tỷ đồng, đạt 78,8% dự toán sau điều chỉnh, tăng 6,4% so với thực hiện năm 2023.
4 tháng đầu năm 2025, tổng thu NSNN trên địa bàn Thành phố 303.637 tỷ đồng, đạt 60,1% dự toán, tăng 55,5% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó, thu từ xuất nhập khẩu và thu nội địa đều tăng so với cùng kỳ. Thu tiền sử dụng đất là 53.237 tỷ đồng, đạt 125,3% dự toán. Tổng chi ngân sách địa phương là 36.244 tỷ đồng, đạt 21,8% dự toán đầu năm, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó, chi đầu tư phát triển 12.648 tỷ đồng, đạt 14,5% dự toán, tăng 13,0%.
Lĩnh vực đầu tư công được thực hiện tập trung, cơ bản khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải: Tổng mức kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 cấp Thành phố là 203.369,726 tỷ đồng, trong đó, Vốn ngân sách Trung ương là 43.610,031 tỷ đồng, chiếm 21,4% tổng kế hoạch và Vốn ngân sách địa phương của Thành phố là 159.759,695 tỷ đồng, chiếm 78,6% tổng kế hoạch.
Nguồn vốn được tập trung bố trí để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và Thành phố, các công trình trọng điểm của Thành phố, các dự án hạ tầng kỹ thuật khung; hệ thống các cầu bắc qua sông Hồng; những dự án trọng điểm có vai trò thúc đẩy liên kết các tỉnh vùng Thủ đô, liên kết các huyện; các dự án phục vụ trực tiếp mục tiêu đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội…
Đột phá trong đầu tư hạ tầng giao thông
Tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông - là một trong những khâu đột phá của Thành phố. Thành phố đã phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông; tập trung đầu tư, nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông đô thị khoảng 12-15% diện tích đất đô thị. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị, tập trung các tuyến giao thông kết nối với các đô thị vệ tinh và kết nối vùng.
Thành phố đã khởi công và khánh thành nhiều dự án gắn biển các công trình chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước như: Khởi công dự án xây dựng nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long, tại huyện Hoài Đức; khánh thành, thông xe tuyến đường Lê Quang Đạo kéo dài…
Hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn được tập trung phát triển, mở mới các tuyến buýt. Đến nay, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng ước đạt 20%; vận tải hành khách đường sắt đô thị đạt 9,5 triệu lượt, tăng 10,9% so với thực hiện cùng kỳ 2023. Doanh thu đường sắt đô thị tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2023. Thành phố đã phê duyệt Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn, đạt 100% vào năm 2035.
Đầu tư hoàn thiện hệ thống cấp nước sạch tập trung năm 2025
Năm 2024, hệ thống mạng lưới cấp nước sạch tập trung được phủ kín với chi tiêu cấp nước khoảng 100÷150 lít/người/ngày đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và tiếp tục mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn. Thành phố đã đầu tư hoàn thiện mạng cấp nước tập trung nâng tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch tập trung đạt trên 92%. Thành phố đang triển khai cấp nước cho các đơn vị còn lại, hoàn thành năm 2025.
Tiếp tục vận hành hiệu quả các nhà máy xử lý nước thải đã được đầu tư xây dựng đã đưa vào hoạt động. Thực hiện công tác đầu tư xây dựng các Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và chuẩn bị đầu tư dự án nhà máy nước thải: Kiến Hưng, Sơn Tây, Tây sông Nhuệ…
Tổ chức phát động phong trào trồng cây xanh trên địa bàn Thành phố. Từ đầu năm đến nay, toàn Thành phố đã trồng mới được hơn 4.500 cây xanh bóng mát.
Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế
Ngành Dịch vụ được chú trọng phát triển, trong đó, tập trung số hóa các lĩnh vực dịch vụ, đẩy mạnh thương mại điện tử và phát triển du lịch theo hướng hình thành các sản phẩm du lịch theo chuỗi, ứng dụng chuyển đổi số.
Năm 2024, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 27,86 triệu lượt khách, tăng 12,7% so với năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt 110,52 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2023.
Ngành công nghiệp được cơ cấu lại theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, sản phẩm công nghiệp chủ lực: Đến năm 2024, Hà Nội có 104 doanh nghiệp với 156 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong đó, 7 doanh nghiệp thuộc TOP doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, tiêu biểu như các dự án trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc: đã thu hút được 111 dự án đầu tư (96 dự án trong nước và 15 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đăng ký khoảng 115.830 tỷ đồng.
Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện
Năm 2024, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội đạt 68,38 điểm, tăng 4 bậc, từ 28 lên 24, nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt.
Năm 2024, thu hút đầu tư xã hội đạt 548,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2023. Quý I/2025, đạt 93,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% - cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 (tăng 8,5%).
Bên cạnh đó, Hà Nội dẫn đầu cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023 và 2024; có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (chiếm trên 26% cả nước), 168 doanh nghiệp khoa học công nghệ (chiếm 21% cả nước), triển khai gần 300 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 55% vào năm 2024. Trên địa bàn có 32 vườn ươm doanh nghiệp (chiếm 38,1% cả nước) và 14 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (chiếm 40% cả nước). Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu dẫn đầu cả nước vào năm 2025, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2030 và thuộc nhóm dẫn đầu ở châu Á vào năm 2045, với Khu công nghệ cao Hòa Lạc làm hạt nhân, các viện nghiên cứu, trường đại học là chủ thể, và doanh nghiệp làm trung tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
An sinh xã hội được đảm bảo, phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống được nâng cao. Năm 2024, toàn Thành phố giải quyết việc làm cho 225.858 lao động, đạt 139,9% kế hoạch năm, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2023.
Chỉ số Cải cách hành chính-PAR INDEX năm 2024, Hà Nội đạt 92,57%, xếp thứ 3/63% (năm thứ 3 liên tiếp), cao hơn 4,38% so với kết quả trung bình nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2024 xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, năm 2024, tăng 19 bậc so với năm 2023.
Động lực và tầm nhìn
Mục tiêu tăng trưởng hai con số không đơn giản chỉ là một chỉ tiêu thống kê, mà là minh chứng cho tầm nhìn, quyết tâm và năng lực triển khai của cả hệ thống chính trị. Với những tiền đề vững chắc, chính sách đột phá và cách làm quyết liệt, Thủ đô Hà Nội đang từng bước khẳng định vị thế đầu tàu phát triển của cả nước trong thời kỳ mới.
Không chỉ là tăng trưởng về lượng, Hà Nội còn đặt mục tiêu phát triển toàn diện, bao trùm và bền vững – nơi mỗi công dân đều có cơ hội đóng góp và hưởng thành quả từ sự phát triển chung của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Chỉ đạo nội dung: Minh Nguyệt
Thực hiện: Vương Vân - Hoàng Linh
Trình bày: Hoàng Linh - CTV