Những bước chân đầu tiên
Báo chí Việt Nam ra đời từ đầu thế kỷ XX, gắn liền với tiến trình lịch sử dân tộc và khát vọng độc lập, tự do. Tờ Gia Định Báo, phát hành ngày 15/4/1865 tại Sài Gòn, là tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên đánh dấu sự hình thành của báo chí nước ta. Ban đầu tờ báo do Ernest Potteaux - một người Pháp tổ chức in ấn, xuất bản; đến năm 1869, học giả Trương Vĩnh Ký tiếp quản, cùng Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút.
Ở miền Bắc, tờ Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo (1892) được xuất bản bằng chữ Hán và Đại Việt Tân Báo (1905) là một trong những tờ báo quốc ngữ đầu tiên, góp phần lan tỏa tinh thần canh tân, cải cách. Tại Trung Kỳ, năm 1927, tờ Tiếng Dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng sáng lập ra đời tại Huế, trở thành diễn đàn phản ánh mạnh mẽ lòng yêu nước và ý chí tự cường dân tộc.
Mốc son lịch sử - Báo chí cách mạng ra đời
Một dấu mốc đặc biệt quan trọng là ngày 21/6/1925, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) sáng lập báo Thanh Niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội - tại Quảng Châu (Trung Quốc). Đây được xem là tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam, đặt nền móng cho dòng báo chí gắn bó mật thiết với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc. Kể từ đó, ngày 21/6 hằng năm trở thành Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam - dịp tri ân và tôn vinh những người làm báo.
Chỉ trong giai đoạn từ năm 1925 đến 1930, đã có khoảng 100 tờ báo ra đời với nhiều ngôn ngữ khác nhau: chữ quốc ngữ, chữ Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh… Trong đó, báo chí cách mạng đã bí mật truyền tải tư tưởng, đường lối đấu tranh cách mạng, góp phần làm dậy sóng phong trào yêu nước khắp cả nước.
Giai đoạn kháng chiến: Ngọn đuốc soi đường
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, báo chí tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong việc củng cố chính quyền cách mạng, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Bên cạnh báo in, nhiều phương tiện truyền thông mới cũng được ra đời như: Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945), Thông tấn xã Việt Nam (15/9/1945)... Các cơ quan báo chí đã thể hiện tinh thần dấn thân, vượt mọi gian khó, đưa thông tin đến tận chiến hào, thôn xóm, vùng sâu, vùng xa.
Trong giai đoạn 1945-1975, khi đất nước bị chia cắt, báo chí hai miền hoạt động trong hai môi trường chính trị - xã hội khác biệt, nhưng cùng chung một lý tưởng: phục vụ Nhân dân, bảo vệ tổ quốc. Báo chí miền Bắc đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền chính sách xây dựng xã hội chủ nghĩa, hậu phương lớn cho tiền tuyến. Ở miền Nam, báo chí cách mạng hoạt động bí mật, linh hoạt trong lòng địch, cổ vũ tinh thần đấu tranh, hun đúc khát vọng thống nhất đất nước.
Báo chí thời kỳ đổi mới: Gắn bó cùng công cuộc phát triển đất nước
Bước vào thời kỳ đổi mới (từ năm 1986), báo chí Việt Nam bước sang một trang mới - sôi động, đa dạng và hiện đại hơn. Đại hội V Hội Nhà báo Việt Nam (1989) khẳng định yêu cầu hiện đại hóa báo chí, mở rộng dân chủ, nâng cao chất lượng nội dung, tiếp cận thông tin đa chiều và phản ánh trung thực hơn đời sống xã hội.
Sự ra đời của Luật Báo chí năm 1990 đánh dấu cột mốc pháp lý quan trọng, tạo hành lang cho báo chí phát triển đúng định hướng nhưng vẫn giữ được sự năng động, sáng tạo. Kể từ đó đến nay, báo chí Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng và hình thức thể hiện, trở thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc xây dựng xã hội dân chủ, văn minh.
Hà Nội - Báo chí: Đồng hành cùng phát triển
Là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, Hà Nội từ lâu đã là mảnh đất sản sinh, nuôi dưỡng nhiều tờ báo lớn và những cây bút xuất sắc.
Ngày 14/10/1954: 4 ngày sau khi Thủ đô được giải phóng. Một trạm truyền thanh cố định được lắp đặt tại Nhà Thông tin - Triển lãm Thủy Tạ với cơ sở vật chất kỹ thuật đơn sơ, đã đặt nền móng cho sự phát triển phát thanh - truyền hình của Đài Hà Nội sau này. Ngày 25/8/1989: UBND Thành phố ra quyết định đổi tên Đài Phát thanh Hà Nội thành Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, chính thức ghi nhận Đài là tờ báo nói và báo hình của Thành phố.
Ngày 24/10/1957, tờ Thủ đô Hà Nội (tiền thân của báo Hànộimới) phát hành số đầu tiên. Trong một lần về thăm Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt tên mới cho tờ báo là "Hànộimới" - một cái tên đầy kỳ vọng về một Thủ đô đổi mới, phát triển.
Ngày 1/1/1999, báo Kinh tế & Đô thị - cơ quan ngôn luận của UBND thành phố Hà Nội - chính thức phát hành. Báo đã trở thành kênh truyền thông chính thống uy tín, phản ánh sát thực đời sống đô thị và kinh tế Hà Nội trong tiến trình hội nhập. Tới ngày 28/12/2012, Kinh tế & Đô thị ra mắt phiên bản điện tử, khẳng định bước chuyển mình theo hướng hiện đại.
Cùng với An ninh Thủ đô, Người Hà Nội, Pháp luật & Xã hội, Hànộimới điện tử, Hanoitv,… mạng lưới báo chí Thủ đô ngày càng mở rộng, không ngừng đổi mới, góp phần quan trọng vào công tác thông tin, tuyên truyền, kết nối giữa chính quyền và Nhân dân.
Đồng hành cùng Báo chí Thủ đô phát triển, Cổng Thông tin điện tử Thành phố (hanoi.gov.vn - ra mắt vào ngày 10/10/2003) cùng với sự ra đời, phát triển của các trang thông tin thành phần: Youtube và Facebook "Thủ đô Hà Nội - Việt Nam" là những kênh thông tin chính thống của chính quyền Thành phố trên mạng Internet, tích cực thông tin, tuyên truyền về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, là "cầu nối giữa chính quyền các cấp với nhân dân Thủ đô".
Đặc biệt, ngày 9/5/2025, Hà Nội chính thức đưa vào vận hành Trung tâm Báo chí Thủ đô - Cơ sở 2 của Trung tâm Truyền thông, Dữ liệu và Công nghệ số thành phố Hà Nội. Đây là trung tâm chuyên nghiệp, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu truyền thông trong thời đại số. Việc thành lập Trung tâm thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Thành phố trong công cuộc đổi mới công tác báo chí, truyền thông, hướng đến một nền báo chí công khai - minh bạch - hiện đại.
Báo chí trong kỷ nguyên số
Báo chí - nghề của sự thật - đang bước vào một kỷ nguyên chưa từng có: Kỷ nguyên số. Ở đó, thông tin không chỉ lan truyền nhanh chóng mà còn được định hình bởi những công nghệ chưa từng xuất hiện trong lịch sử báo chí như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), thực tế ảo (AR/VR) và hàng loạt nền tảng số mới mẻ.
Sự bùng nổ của mạng xã hội và truyền thông phi chính thống đã tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực thông tin. Trong hoàn cảnh ấy, chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu thiết yếu. Các cơ quan báo chí không chỉ cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận, mà còn phải mạnh dạn ứng dụng công nghệ hiện đại để bắt kịp xu hướng và thị hiếu công chúng.
Tại Hà Nội, nhiều cơ quan báo chí đã chủ động áp dụng công nghệ số, phân tích dữ liệu để tạo ra những sản phẩm báo chí sinh động, hấp dẫn, thu hút độc giả qua nhiều nền tảng như báo điện tử, mạng xã hội, podcast, video ngắn… Đây là bước đi tích cực nhằm mở rộng độ phủ sóng và tăng tính tương tác với người dùng.
Tuy nhiên, công nghệ là công cụ, không phải "Người Làm Báo". Công nghệ, dù ưu việt đến đâu, cũng chỉ là phương tiện.
Như Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh từng nhấn mạnh: "AI có thể giúp nhà báo phát hiện và lan tỏa thông tin, nhưng cũng có thể dẫn tới sai lệch, định kiến và vi phạm đạo đức nghề nghiệp". Vì thế, hơn lúc nào hết, người làm báo vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc truyền thống: kiểm chứng thông tin, so sánh tài liệu, hoài nghi phát hiện - những giá trị đã tôi luyện báo chí qua cả thế kỷ.
Hay như nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam - đã nói, nghề báo là danh xưng thiêng liêng, bởi đằng sau mỗi tác phẩm không đơn thuần là câu chữ, mà là thân phận con người, là số phận của một cộng đồng. Chính vì thế, khi đứng giữa dòng chảy thông tin số, báo chí càng cần giữ cho mình sự nhân văn, khách quan và bản lĩnh nghề nghiệp.
Trong môi trường số, tin giả, thông tin sai lệch, xuyên tạc đang trở thành mối đe dọa thực sự. Điều này đòi hỏi các nhà báo không chỉ giỏi nghiệp vụ, vững vàng về đạo đức, mà còn phải làm chủ công nghệ, tích hợp các kỹ năng đa phương tiện để giữ vững vai trò "người gác cửa" của thông tin chính xác và công lý.
... và Hành trình không ngừng đổi mới
Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), chúng ta có quyền tự hào về hành trình vẻ vang của báo chí cách mạng - lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Dù ở bất kỳ giai đoạn nào, báo chí cũng luôn đồng hành cùng dân tộc, phản ánh hơi thở thời đại, kiên định lý tưởng phụng sự Tổ quốc và Nhân dân.
Song hành cùng niềm tự hào ấy, là trách nhiệm và khát vọng: đổi mới để không tụt lại, sáng tạo để tiếp tục phụng sự xã hội tốt hơn. Kỷ nguyên số đang mở ra một chương mới đầy thử thách nhưng cũng vô vàn cơ hội. Và trên hành trình ấy, Báo Chí - nếu giữ vững tinh thần nhân văn, bản lĩnh nghề nghiệp và tinh thần đổi mới - sẽ tiếp tục là ánh sáng dẫn đường trong không gian số đầy biến động...
Báo chí không đứng ngoài thời cuộc. Báo chí đang viết tiếp câu chuyện của mình - một cách mạnh mẽ, hiện đại và trách nhiệm!
Chỉ đạo nội dung: Minh Nguyệt
Thực hiện: Hoàng Linh - Vương Vân
Trình bày: Hoàng Linh - CTV