Hà Nội: Có 3 dự án xử lý nước thải làng nghề ở Hoài Đức hỗ trợ xử lý ô nhiễm (15:03 20/07/2019)


HNP - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa rà soát kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng làng nghề và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố.

Theo đó, từ năm 2015 đến nay các quận, huyện, thị xã triển khai xây dựng hạ tầng làng nghề, gồm: Hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; hỗ trợ xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch làng nghề; mặt bằng sản xuất. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, diện tích sản xuất tại các làng nghề rất chật hẹp, thiếu mặt bằng sản xuất, phần lớn các hộ sản xuất chủ yếu trên diện tích đất ở, vì vậy hiện có nhiều làng nghề có nhu cầu mở rộng sản xuất.

Do thiếu mặt bằng sản xuất, các làng nghề không mở rộng được quy mô, dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Như vậy việc xây dựng nội dung, định mức hỗ trợ về mặt bằng sản xuất là rất cấp thiết. Tuy nhiên, theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ nội dung này thuộc thẩm quyền của UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu UBND thành phố quy định cụ thể mức hỗ trợ cho phù hợp với tình hình thực tế.

Liên quan đến hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, hiện nay, trên địa bàn thành phố mới có 3 dự án xử lý nước thải làng nghề tại huyện Hoài Đức, gồm: Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà, xã Dương Liễu, công suất 20.000m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư dự án 333 tỷ đồng theo phương thức xã hội hóa đầu tư vốn ngoài ngân sách, đã hoàn thành đi vào vận hành khai thác tháng 10/2016; Nhà máy xử lý nước thải xã Sơn Đồng, công suất 8.000m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư 231 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố, dự án hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng trong quý I/2019; Dự án nhà máy xử lý nước thải Vân Canh, công suất 4.000m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 139,9 tỷ đồng, hình thức đầu tư xã hội hóa, nhưng đến nay chưa có nhà đầu tư đăng ký.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề xảy ra ở các dạng phố biến, như: Ô nhiễm nước tại các làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, nước thải được đổ trực tiếp ra hệ thống cống rãnh chung hoặc thải ra sông, hồ; ô nhiễm không khí gây bụi, mùi, tiếng ồn; ô nhiễm chất thải rắn do tái chế nguyên liệu (nhựa, kim loại ...) hoặc do bã thải của các loại thực phẩm chế biến, các loại rác thải thông thường. Một số ít làng nghề được đầu tư hệ thống xử lý nước thải như hệ thống xử lý nước thải tập trung tại Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ khí, kim khí tại xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai nhưng đã lạc hậu và xuống cấp, do đó việc xử lý không đạt quy chuẩn về nước thải trước khi thải ra môi trường.

Theo Đề án “Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, thành phố xác định: Bố trí kinh phí từ ngân sách xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề truyền thống, cần được bảo tồn và cơ chế 100% kinh phí cho một số làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xây dựng công trình trạm xử ỉý nước thải đầu mối của khu gom xử lý nước thải tập trung; khu tập kết chất thải rắn cho các doanh nghiệp trong nước, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư xây mới công trình xử lý nước thải, chất thải tập trung tại các làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nước thải, chất thải gây ra, có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định và nằm trong kế hoạch thực hiện hằng năm. Ưu tiên phân bổ không thấp hơn 10% tổng kinh phí sự nghiệp môi trường cho công tác bảo vệ môi trường làng nghề, ưu tiên cho các địa phương có làng nghề truyền thống và làng nghề được công nhận. Tuy nhiên, theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ nội dung này thuộc thẩm quyền của UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu UBND thành phố quy định cụ thể mức hỗ trợ cho phù hợp với tình hình thực tế.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t