Hà Nội tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững (14:14 18/07/2019)


HNP - Trước những diễn biến phức tạp của bệnh dịch lợn Châu Phi, thành phố Hà Nội đã có những giải pháp kịp thời nhằm đảm bảo ổn định trong chăn nuôi; Tập trung xây dựng phương án tái đàn, đồng thời, xây dựng và phát triển các thực phẩm khác nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Hợp tác xã Hoàng Long, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai vẫn phát triển ổn định nhờ nhiều giải pháp


Hà Nội là địa phương có tổng đàn giá súc, gia cầm luôn đứng đầu cả nước, đặc biệt đàn lợn lên tới 1,8 triệu con, đứng thứ 2 sau tỉnh Đồng Nai. Các cơ sở chăn nuôi có ở 24 quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân cư vẫn chiếm tỷ lệ cao, khoảng 60%. Hiện nay, tình hình bệnh dịch lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp, khó lường trên cả nước. Tại Hà Nội, ngay từ khi có thông tin về bệnh dịch, UBND thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Mặc dù đã triển khai rất quyết liệt nhưng dịch bệnh vẫn tiếp tục phát sinh, lũy kế đến nay, bệnh bệnh dịch lợn Châu Phi trên địa bàn thành phố đã xảy ra tại 27.689 hộ chăn nuôi (chiếm 34,3% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) ở 2.295 thôn, tổ dân phố của 445 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện.

Để đảm bảo ổn định thị trường, thành phố đã có những giải pháp đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm cho người dân, đồng thời, ổn định sản xuất. Hiện thành phố có 7,6 triệu người cùng trên 2 triệu khách của các tỉnh, thành thường xuyên có mặt. Nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm của thành phố rất cao. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm của người dân thủ đô, thành phố đang tiếp tục phát triển các đàn, trang trại và khu vực không bị xảy ra dịch bệnh. Bên cạnh đó, thành phố đã chọn giải pháp chuyển đổi đối tượng vật nuôi sang chăn nuôi bò thịt, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, hướng sản xuất con giống và giảm việc chăn nuôi lợn thương phẩm.

Ông Nguyễn Trọng Long, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Hoàng Long tại xã Tân Ước, huyện Thanh Oai cho biết, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn sạch, HTX tăng quy mô chăn nuôi lên 5ha với 350 lợn nái và 3.500 lợn thịt. Đặc biệt, HTX đã đầu tư 1 cơ sở giết mổ công suất 50 con/ngày. Hiện nay, đã hoàn thiện bộ hồ sơ pháp lý từ khâu sản xuất là trang trị chuẩn VIETGAP. Vừa qua, xảy ra dịch lợn tả châu Phi, tuy nhiên, trang trại vẫn phát triển ổn định với quy mô 450 lợn nái và 4.000 lợn thịt.

Theo ông Nguyễn Trọng Long, để đảm bảo ổn định đàn lợn, HTX sẽ tiếp tục áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Trong đó giữ đàn lợn trong môi trường được bảo vệ nghiêm ngặt. Kiểm soát chặt chẽ khu vực chăn nuôi từ các khâu như, người ra vào trại, diệt côn trùng… đặc biệt là tổ chức chăn nuôi theo chuỗi khép kín và ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Không chỉ ở trang trại của HTX Hoàng Long, hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đang tập trung phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đã có hướng mở rộng phát triển chăn nuôi bò thịt, gia cầm và thủy cầm để thay thế sản phẩm thịt lợn thiếu hụt.

Vốn là hộ chăn nuôi lợn nhưng trước những rủi ro do dịch bệnh trên đàn lợn, gia đình anh Đỗ Văn Xuất, thôn Tòng Thái, xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì cũng đã quyết định chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi bò thịt. Được sự hỗ trợ của Trung tâm phát triển nông nghiệp Hà Nội, anh Đỗ Văn Xuất cũng đã nhập 20 con bò thịt giống BBB và Wagyu (Wa you) để chăn nuôi. Đây là 2 giống bò chất lượng cao, chất lượng thịt thơm ngon được thị trường rất ưa chuộng.

Hiện nay, nhiều địa phương sản xuất con giống và đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, phát triển chăn nuôi theo hướng đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn sinh học và gắn với ứng dụng công nghệ cao. Nhiều địa phương như Ứng Hòa, Quốc Oai, Mỹ Đức đang tiếp tục xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và truyền thống. Trong đó, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản, theo hướng chuyên canh và hữu cơ.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, trong tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, người chăn nuôi có thể tạm thời chuyển hướng sang chăn nuôi các con vật khác chờ dịch đi qua. Ông Sơn khuyến cáo, người chăn nuôi không nên nôn nóng tái đàn thời điểm này do dịch lợn tả châu Phi vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt là mầm bệnh, nguồn virus vẫn còn lưu hành dẫn tới nguy cơ tái phát ổ dịch nếu không áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt. "Đối với các hộ chăn nuôi nằm trong vùng xảy ra bệnh dịch lợn tả châu Phi (thôn, xã), sau 30 ngày không phát sinh dịch mới được tái đàn. Trước khi tái đàn phải báo chính quyền, thú y địa phương và được chính quyền địa phương cho phép. Nếu không khai báo sẽ bị xử lý vi phạm" - ông Sơn nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, để đảm bảo phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh phát triển chuỗi, chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm. Đảm bảo truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm; Mỗi chuỗi gắn với các doanh nghiệp đầu tàu để giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, tập trung phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt, là huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống dịch tả lợn châu Phi; Làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh thú y, xây dựng các tủ thuốc thú y xuống tận các thôn bản để giám sát tình hình dịch bệnh và xử lý kịp thời, dứt điểm khi có dịch bệnh xảy ra.


Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t