Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội: Tiếp tục đẩy mạnh dạy nghề, giới thiệu việc làm cho hội viên (20:23 16/07/2019)


HNP - Nửa đầu nhiệm kỳ (2016 - 2021), các cấp Hội phụ nữ Thành phố đã nỗ lực, sáng tạo, triển khai có hiệu quả phong trào thi đua, các cuộc vận động và những nhiệm vụ trọng tâm. Nhờ đó, đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô.  

Tổ chức thăm quan mô hình HTX RAT xã Tiền Yên, Hoài Đức


Nửa đầu nhiệm kỳ qua, các cấp Hội LHPN TP đã nỗ lực, sáng tạo, triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc” gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”, “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” và hai bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố… Nhiều mô hình thiết thực được xây dựng và triển khai tại cơ sở được đông đảo hội viên phụ nữ tham gia hưởng ứng. Từ phong trào thi đua đã có hàng nghìn công trình, phần việc được các cấp Hội triển khai thực hiện có hiệu quả như xây, sửa mái ấm tình thương; phụng dưỡng mẹ VNAH; tặng sổ tiết kiệm, học bổng, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng đoạn đường phụ nữ tự quản nở hoa, điểm sinh hoạt cộng đồng xanh-sạch-đẹp, mô hình “Sạch đồng ruộng”, chi hội phụ nữ văn minh trong việc cưới, tang…đã khẳng định vai trò, sự đóng góp tích cực của các cấp Hội Phụ nữ vào những thành tựu chung của Thủ đô. Số hội viên đăng ký thực hiện phong trào đạt từ 91% đến 95%, qua bình xét hàng năm có 85% đến 93% đạt chuẩn mực “Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch” theo 3 tiêu chuẩn của phong trào (đạt 109% so với chỉ tiêu nhiệm kỳ).

Trong thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đối với công tác hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và  Dự án 3 “Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững” tiếp tục được triển khai nề nếp thông qua các hình thức như: Tập huấn, tọa đàm, giao lưu, trao đổi về kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, giáo dục con, kỹ năng sống, kỹ năng phòng ngừa xâm hại phụ nữ trẻ em…, tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thiết thực nhân ngày Gia đình Việt Nam, Tháng hành động vì trẻ em… Hội LHPN các quận, huyện, thị và 584/584 xã, phường, thị trấn đã rà soát, đăng ký giúp đỡ 16.970 hộ gia đình (chưa đạt 8 tiêu chí), đến cuối năm 2018, đã giúp đỡ thành công 16.684 hộ gia đình hội viên đạt 8 tiêu chí (tăng 16.084 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí so với đầu nhiệm kỳ).
 
Để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững, thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng năm, Thành Hội chỉ đạo các cấp Hội phân công cán bộ, hội viên đăng ký giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn bằng các biện pháp cụ thể. Các cấp Hội đã khai thác và quản lý hơn 5.704 tỷ đồng (tăng 40% so với năm 2016) cho 210.509 lượt hộ phụ nữ vay; giúp cây, con giống, ngày công lao động…trị giá trên 9,6 tỷ đồng; giới thiệu việc làm, tiêu thụ sản phẩm, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh; phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay… 100% các chi hội duy trì mô hình vận động tiết kiệm tạo nguồn vốn tại chỗ với số tiền hơn 120 tỷ đồng. Trong 3 năm (2016 - 2018), có 100% hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ được giúp đỡ, trong đó, có 6.424 hộ thoát nghèo (đạt tỷ lệ 64% so với chỉ tiêu nhiệm kỳ), 3.099 hộ ra khỏi diện cận nghèo. Ngoài ra, các cấp Hội còn giúp 1.947 hộ có khó khăn phát triển kinh tế, nâng cao mức sống, làm giàu chính đáng. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho phụ nữ và gia đình.
 
Hoạt động dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm tiếp tục được duy trì. Các quận, huyện và cơ sở Hội tăng cường liên kết với các Phòng Lao động thương binh xã hội, Trung tâm khuyến nông, Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề, kết nối trực tiếp với các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tổ chức đào tạo nghề và tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Trung tâm hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội chủ động kết nối khai thác các dự án phi chính phủ về đào tạo nghề, duy trì điểm giao dịch việc làm, tổ chức phiên tuyển dụng việc làm trực tiếp, xây dựng giáo trình các khóa đào tạo kỹ năng, nghề lưu động phù hợp nhu cầu phụ nữ tại địa phương và đào tạo phát triển nghề truyền thống tại các làng nghề... Kết quả đã dạy nghề, cung ứng giới thiệu việc làm ổn định cho 53.217 lao động (đạt 118% chỉ tiêu nhiệm kỳ); giới thiệu việc làm theo thời vụ cho hơn 24.000 lao động. 
 
Trong vận động phụ nữ tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị, văn minh, nhiều mô hình tự quản hiệu quả, thiết thực được duy trì, nhân rộng như mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa xanh - sạch - đẹp thân thiện với môi trường” tại 18 huyện, thị xã với 307 điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa xanh, sạch, đẹp thân thiện với môi trường; mô hình sạch đồng ruộng tại 401 xã có hoạt động sản xuất nông nghiệp; 3.999 đoạn đường tự quản xanh, sạch, đẹp, nở hoa; 240 mô hình “Biến điểm rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản”… được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao, góp phần thay đổi hành vi, xây dựng cảnh quan nông thôn và đô thị văn minh.          
 
Phát huy những kết quả đã đạt được, căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ của Thành phố trong giai đoạn tới, trên cơ sở nhiệm vụ chung của phong trào Phụ nữ Việt Nam nhiệm kì 2017-2022, các cấp Hội phụ nữ Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc” gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tiêu chí “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”. Đồng thời, khảo sát, rà soát các đối tượng phụ nữ nghèo, có các hoạt động cụ thể, phù hợp hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo, nâng cao mức sống; chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình giúp phụ nữ thoát nghèo hiệu quả. Phối hợp với các đơn vị, các ngành chức năng rà soát, nắm bắt nhu cầu học nghề, tìm việc làm của lao động nữ; Mở rộng liên kết đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Duy trì “Điểm giao dịch việc làm phụ nữ Hà Nội”, tăng cường hoạt động liên kết, khai thác nguồn lực tổ chức các hoạt động truyền thông, tổ chức sự kiện, nâng cao năng lực cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ kinh doanh, phụ nữ khối chợ, phụ nữ các làng nghề.

Thu Uyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t