Cung ứng dịch vụ công ích:


Bài 2: Điều chỉnh định mức nhưng phải đảm bảo chất lượng (09:21 12/05/2017)


HNP - Việc điều chỉnh hình thức cung ứng, quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá thực hiện dịch vụ công ích theo chỉ đạo của Thành phố năm 2016 đã tạo sự công bằng và cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, gắn chất lượng với giá trị được thanh toán, từng bước giảm tỷ lệ chi từ ngân sách, mở rộng hoạt động xã hội hóa …Tuy nhiên, đợt khảo sát của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội mới đây về vấn đề này cho thấy, vẫn còn nhiều bất cập cần tháo gỡ.

Tăng cường cơ giới hóa trong chăm sóc, cắt tỉa cây xanh


Tại đợt khảo sát mới đây của Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội về kết quả thực hiện các quy định pháp luật về cung ứng dịch vụ công ích, các đơn vị đồng tình cao với chỉ đạo của Thành phố về việc tăng cường cơ giới hóa các dịch vụ, giảm lao động thủ công, nâng cao hiệu suất, giảm chi phí. Tuy vậy, quá trình thực hiện vẫn còn một số bất cập cần sớm được giải quyết. Nhiều đơn vị phản ánh, để bảo đảm yêu cầu cơ giới hóa, nhiều đơn vị đã tập trung kinh phí mua máy móc, trong đó có máy quét hút rác theo tiêu chuẩn châu Âu, nhưng các máy quét hút rác công nghệ mới này mới chỉ phát huy tác dụng tại các tuyến phố lớn có hạ tầng đồng bộ, chưa phát huy được tại các tuyến phố nhỏ. Đáng lưu ý là mặc dù các đơn vị đã thực hiện cơ giới hóa, song đến nay, Thành phố vẫn chưa ban hành quy trình, định mức, đơn giá cho các hạng mục bằng cơ giới nên hiện vẫn thanh toán theo đơn giá duy trì thủ công. Bên cạnh đó, bộ quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá của dịch vụ duy trì vệ sinh môi trường vừa mới ban hành còn thiếu một số quy trình, định mức thực hiện ngoài hiện trường dẫn tới việc xây dựng khối lượng mời thầu chưa sát với thực tế; trong quá trình triển khai có nhiều khối lượng phát sinh nằm ngoài khối lượng đã được trúng thầu mà chưa có hướng dẫn xử lý cụ thể.
 
Theo Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long Nguyễn Mạnh Tiến, từ 1/3/2017, Công ty thực hiện các gói thầu duy trì vệ sinh môi trường tại các quận, huyện: Hoàng Mai, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thường Tín. Công ty đã triển khai cơ giới hóa công tác duy trì vệ sinh môi trường, nhưng do chưa có quy trình, định mức cơ giới, dẫn đến khó khăn, chậm thanh quyết toán. Tương tự, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cũng được giao đảm nhận duy trì vệ sinh môi trường tại 11 quận, huyện và đại lộ Thăng Long, đường Võ Nguyên Giáp hiện vẫn thanh toán theo đơn giá duy trì thủ công như trước đây.
 
Một trong những bất cập được các đơn vị kiến nghị trong đợt khảo sát vừa qua là việc bàn giao, tiếp nhận phạm vi quản lý, thực hiện duy trì theo phân cấp giữa Sở Xây dựng với các quận, huyện, thị xã và giữa Sở Xây dựng với đơn vị duy trì còn chưa dứt điểm, chậm, nhiều nơi mới chỉ dừng ở việc thống kê hiện trạng, chưa có đơn vị tiếp nhận thực hiện công tác duy trì. Tính đến 12/4/2017, mới có địa bàn 15 quận, huyện, thị xã  được bàn giao, tiếp nhận quản lý và tổ chức tiếp tục duy trì theo quy định phân cấp mới; còn 15 quận, huyện chưa bàn giao được cho đơn vị duy trì nên việc duy trì bị một số khu vực bị gián đoạn thực hiện từ 01/01/2017 cho đến nay; điều này ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, sinh trưởng của cây xanh, cây bóng mát trên nhiều tuyến đường.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều cho biết: Thực hiện theo Quyết định số 41/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về "Quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn", huyện đã bàn giao danh mục về cây xanh, cây bóng mát trên địa bàn thị trấn Đại Nghĩa về Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng). Tuy nhiên, đã gần hai tháng kể từ khi bàn giao, đơn vị tiếp nhận vẫn chưa duy tu, cắt tỉa cây xanh, trong khi mùa mưa bão đang đến gần. Vì vậy, lãnh đạo huyện đề nghị thành phố phân cấp cho huyện được quản lý duy trì khối lượng cây xanh, thảm cỏ trên địa bàn để huyện chủ động trong quản lý và khắc phục sự cố nếu có.
 
Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân nhận định: Việc thành phố tập trung tăng cường cơ giới hóa, tổ chức đấu thầu tập trung thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần tiết giảm kinh phí ngân sách, tập trung đầu mối, tăng tính công khai, minh bạch và khả năng cạnh tranh của các nhà thầu cung ứng dịch vụ duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, việc thay đổi hình thức cung ứng từ “đặt hàng” sang đấu thầu, hồ sơ mời thầu chưa chú trọng vào yêu cầu chất lượng, tần suất, khối lượng đặc thù theo từng địa bàn, cho nên dẫn đến nhiều phát sinh trong thực tế đã và đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Vì vậy, các cơ quan tham mưu cho thành phố cần hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình áp dụng các bộ quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá mới được ban hành cho phù hợp với thực tế; thường xuyên rà soát và tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để để xuất điều chỉnh những bất cập đảm bảo quy trình, định mức phù hợp với thực tế trên địa bàn Thành phố... Điều quan trọng nhất, dù có điều chỉnh đơn giá, giảm kinh phí, tăng cường cơ giới hóa thì vẫn phải bảo đảm chất lượng cung ứng dịch vụ công ích trên địa bàn, góp phần cải thiện hơn nữa cảnh quan đô thị, chất lượng sống của người dân Thủ đô.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t