Cung ứng dịch vụ công ích:


Bài 1: Tăng cường cơ giới hóa - nâng cao chất lượng phục vụ (09:20 12/05/2017)


HNP - Thời gian gần đây, nhờ thay đổi phương thức tổ chức thực hiện, đẩy mạnh việc rà soát, xây dựng lại quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá theo hướng đơn giản, dễ quản lý, tăng cường cơ giới hóa… thành phố Hà Nội có nhiều đổi mới rõ nét trong việc cung ứng dịch vụ công ích. Qua đó, đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành sản phẩm, giảm kinh phí duy trì, tiết kiệm ngân sách.

Triển khai cơ giới hóa trong việc quét đường, quét hè đã giúp tăng hiệu quả công việc lên cao gấp nhiều lần so với làm thủ công


Trong những năm qua, công tác duy trì công viên, cây xanh, vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch luôn được Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố quan tâm, chú trọng để đảm bảo mỹ quan đô thị, từng bước chỉnh trang bộ mặt đô thị của Thủ đô được sáng, xanh, sạch, đẹp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
 
Đặc biệt, thực hiện sự chỉ đạo của UBND Thành phố về việc rà soát, xây dựng lại quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá các dịch vụ công ích theo hướng đơn giản, dễ quản lý, tăng cường cơ giới hóa đã mang lại những kết quả tích cực. Tại đợt khảo sát mới đây của Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội về kết quả thực hiện các quy định pháp luật về cung ứng dịch vụ công ích cho thấy, các quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá mới được ban hành và thực hiện từ năm 2017 đã loại bỏ nhiều công việc không cần thiết, thu gọn một số quy trình và mã định mức, góp phần giảm kinh phí duy trì song cơ bản vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ; khuyến khích các đơn vị nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa, năng lực, trình độ của người lao động... Qua rà soát, điều chỉnh, khối lượng các dịch vụ công ích đã được đấu thầu hoặc đặt hàng trong năm 2016 đều tiết giảm (theo từng thời điểm và theo địa bàn quận hoặc huyện) từ 10 - 25% kinh phí thực hiện so với năm 2015, thậm chí có đơn vị có tỷ lệ tiết giảm tới 35% kinh phí thực hiện như quận Cầu Giấy; khối lượng dịch vụ công ích do Sở Xây dựng thực hiện đã tiết kiệm cho ngân sách của Thành phố khoảng 29,.687 tỷ đồng (tiết giảm trong lĩnh vực duy trì vệ sinh môi trường là 123,587 tỷ đồng, tương ứng 29,21%; lĩnh vực duy trì công viên, cây xanh là 174,109 tỷ đồng, tương ứng 40,14%) .
 
Việc tăng cường cơ giới hóa được đẩy mạnh đã đáp ứng chất lượng sản phẩm theo tiêu chí mới của thành phố. Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội - đơn vị dẫn đầu thành phố về việc áp dụng cơ giới hóa trong thực hiện các dịch vụ công ích của Thành phố, năm 2016 đã được trang bị 12 xe nâng các loại có thể vươn tới độ cao 32m; 2 xe cẩu tự hành, 4 máy nghiền cây; trang bị barie, áo phản quang, bộ đàm... Nhờ đó, công tác cắt tỉa cây xanh được thực hiện khoa học hơn. “Với việc tăng cường cơ giới hóa, năm 2016, Công ty đã cắt, sửa gần 50.000 cây xanh, gấp 10 đến 15 lần trước đây. Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai cắt tỉa cây xanh theo phương pháp mới. Cây sẽ được chỉnh sửa 3D trên máy tính trước khi thực hiện trên thực tế. Tiến tới biến cây xanh thành cây cảnh, tạo cảnh quan đẹp hơn nữa”, ông Vũ Trung Kiên - Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội cho biết.
 
Tương tự, tại Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, việc cơ giới hóa trong thu gom, xử lý rác thải cũng được đẩy mạnh. Công ty đã tiến hành thay xe gom, trang bị thêm hàng chục xe quét hút đường. Tại bốn quận nội thành (trước đây), chất lượng vệ sinh môi trường đã được nâng cao khi đơn vị triển khai cơ giới hóa trong việc quét đường, quét hè. Nhờ vậy, đến nay, đơn vị đã giảm được 287 điểm cẩu, 261 xe gom, tiết kiệm nhân công và chi phí sản xuất, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
 
Cùng với đó, để nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công ích, thành phố Hà Nội đã áp dụng rộng rãi hình thức đấu thầu thay vì cơ chế đặt hàng các doanh nghiệp Nhà nước như trước kia. Mặc dù Trung tâm mua sắm tài sản công và thông tin tư vấn tài chính trực thuộc Sở Tài chính mới đi vào hoạt động từ 01/10/2016, song từ đầu năm 2017 đến nay, đã tổ chức đấu thầu được 25/30 gói thầu về duy trì vệ sinh môi trường. Tỷ lệ giảm giá của giá trúng thầu so với giá thầu là 0,4% (15.885 triệu đồng) và giảm so với giá đề xuất của các quận, huyện, thị xã là 4,1% (169.957 triệu đồng). Việc đấu thầu tập trung trong toàn Thành phố đã góp phần bước đầu đưa công tác đấu thầu đi vào nề nếp, chuyên nghiệp, nâng cao tính minh bạch, công khai của hoạt động lựa chọn nhà thầu cung ứng các dịch vụ công ích, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
 
UBND Thành phố cũng đã chỉ đạo và thực hiện một số giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí trong công tác duy trì công viên, cây xanh, vệ sinh môi trường như: thực hiện các mức độ duy trì trên nguyên tắc các khu vực trung tâm, trục đường xuyên tâm, cửa ngõ Thủ đô được chăm sóc với điều kiện tốt nhất, càng xa trung tâm thì mức độ giảm dần; từng bước thay thế thảm cỏ, cây mảng, cây cảnh...bằng cây bóng mát nhằm tăng mật độ, diện tích cây xanh che phủ, tính bền vững và giảm kinh phí duy trì; tăng tỷ lệ cơ giới trong cung ứng các dịch vụ thay thế cho lao động thủ công để nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp, hiện đại và mỹ quan đô thị.
 
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hà Đông Đinh Văn Tiến đánh giá: Việc điều chỉnh hình thức cung ứng, quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá thực hiện dịch vụ công ích theo chỉ đạo của UBND thành phố năm 2016 đã tạo sự công bằng và cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Chỉ tính riêng năm 2016, Công ty đã bố trí hơn 136 tỷ đồng để thực hiện duy trì vệ sinh môi trường và duy trì cây xanh. Việc điều chỉnh này đã đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, gắn chất lượng với giá trị được thanh toán, từng bước giảm tỷ lệ chi từ ngân sách, mở rộng hoạt động xã hội hóa về cung ứng sản phẩm dịch vụ vệ sinh môi trường.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t