Hội nghị toàn quốc tổng kết 13 năm thi hành Luật thi đua, khen thưởng (15:58 21/12/2017)


HNP - Sáng 21/12, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 13 năm thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng và triển khai công tác thi đua, khen thưởng năm 2018. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương; Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội.


Trong 13 năm qua, phong trào thi đua yêu nước phát triển sâu rộng trong cả nước đã từng bước được đổi mới với nhiều hình thức, nội dung phong phú, bám sát nhiệm vụ chính trị và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Các phong trào thi đua đã trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Qua các phong trào thi đua, đã có nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc, được các ngành, các cấp khen thưởng. Chất lượng công tác khen thưởng ngày càng được nâng cao, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua; Việc bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến có bước chuyển biến tích cực.

Từ khi có Luật và Nghị định của Chính phủ, công tác khen thưởng có nhiều tiến bộ hơn và dần đi vào nề nếp, chất lượng được nâng lên. Các bộ, ngành, địa phương đã chú trọng khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích, khen thưởng người lao động trực tiếp, góp phần động viên, giáo dục, nêu gương trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các loại hình khen thưởng được tích cực triển khai ở các cấp, các ngành kịp thời và thiết thực. Việc khen thưởng tổng kết các giai đoạn cách mạng đến nay đã cơ bản hoàn thành.

Đáng chú ý, công tác khen thưởng đối với người trực tiếp lao động sản xuất, công tác, chiến đấu… đã có nhiều chuyển biến tích cực: Khen thưởng Bằng khen cấp Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chiếm tỷ lệ trên 50%. Khen thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động các Hạng, Huân Chương Bảo vệ Tổ quốc chiếm tỷ lệ 15%. Qua số liệu khen thưởng 13 năm (2004 - 2017) cho thấy tỷ lệ khen thưởng thường tập trung cao vào những năm Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, cụ thể: Danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc có 3.562 cá nhân; Danh hiệu Anh hùng Lao động với 511 tập thể, cá nhân; Cờ thi đua của Chính phủ với 13.872 trường hợp; Huân chương Dũng cảm 89 cá nhân; Huy chương Chiến sỹ vẻ vang cho 1.359.523 cá nhân; Huân chương Lao động các hạng: 68.064 tập thể, cá nhân. Qua thống kê cho thấy, tỷ lệ khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được chiếm 14,33%; khen thưởng theo niên hạn chiếm 63,15%; khen thưởng kháng chiến chiếm 20,66%, các danh hiệu vinh dự nhà nước chiếm 1,35%...

Thực hiện Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg về tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp, trong 7 năm (2010-2016), có 23 bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ 48 giải thưởng, trong đó, có 30 giải thưởng được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép tổ chức.

Về bộ máy tổ chức công tác Thi đua, khen thưởng: Tính đến năm 2012, trên toàn quốc có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Ban Thi đua- Khen thưởng là tổ chức tương đương cấp Chi cục trực thuộc Sở Nội vụ; Đối với các đơn vị hành chính cấp huyện và sở, ban, ngành cấp tỉnh, theo thống kê có khoảng 50% số đơn vị bố trí được 01 cán bộ chuyên trách, một số ít quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có 02 cán bộ chuyên trách, phần lớn số còn lại phân công 01 cán bộ thuộc phòng Nội vụ kiêm nhiệm. Đối với cấp xã, phường, thị trấn theo quy định: UBND cấp xã được bố trí 1/2 biên chế công chức; nhưng đến nay, việc triển khai vẫn còn gặp nhiều  khó khăn, phần lớn do cán bộ làm công tác văn hóa- xã hội, cán bộ làm công tác thống kê hoặc làm công tác văn phòng đảm nhiệm công tác thi đua, khen thưởng, đồng thời, kiêm nhiệm nhiều công tác khác.

Tuy nhiên, sau 13 năm triển khai, Luật Thi đua, khen thưởng đã bộc lộ những bất cập cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, như: việc tổ chức chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua chưa đồng đều ở các vùng miền và các thành phần kinh tế. Nhiều nơi, phong trào thi đua còn mang tính hình thức, chưa tạo động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân; hiệu quả, tác dụng của các phong trào thi đua còn chưa cao. Ngoài ra, Luật xây dựng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng chưa phù hợp ở các cấp, nhất là cấp cơ sở; Khen thưởng nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý; khen thưởng tập thể nhỏ và lao động trực tiếp còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào các kỳ đại hội.

Một số chủ trương chính sách của Đảng về thi đua, khen thưởng chưa được thể chế hóa; một số quy định về thủ tục, hồ sơ còn rườm rà,phức tạp chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính. Đồng thời, việc trích lập Quỹ thi đua, khen thưởng chưa huy động được các nguồn lực để thực hiện tốt việc khen và thưởng. Thực tế, nhiều đơn vị có khen nhưng không có thưởng...

 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị

 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận kết quả sau 13 năm thi hành Luật thi đua, khen thưởng. Đồng chí cho biết, Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng về công tác này. Đây là những chủ trương, định hướng quan trọng, cơ sở để hoàn thiện cơ chế, chính sách về thi đua, khen thưởng

Tuy nhiên, sau 13 năm, Luật đã thể hiện có những bất cập cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng chí lưu ý, trong thời gian qua, còn có tình trạng đề xuất bình chọn khen thưởng mang tính cào bằng, luân phiên mà chưa đảm bảo đúng thực chất, thành tích. Một số trường hợp đề xuất khen thưởng đối với tập thể, cá nhân không đúng dẫn đến khen thưởng chưa chính xác, khiến dư luận xã hội bất bình nên cần chú trọng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra.


Để phát huy tính tích cực của công tác thi đua, khen thưởng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt văn bản thi đua khen thưởng đi đôi với đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Đồng chí nhấn mạnh mỗi phong trào thi đua phải xác định được mục tiêu, nội dung cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương, đơn vị, trong đó, chú trọng các công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo người nghèo, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai.


Bên cạnh đó, cần chú ý phát hiện bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình điển hình tiên tiến để tạo thành phong trào. Trong bình xét thi đua, phải công khai, minh bạch, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ để làm thước đo đánh giá thành tích; chú ý vinh danh các nhà khoa học để phát triển khoa học công nghệ, các tấm gương lao động giỏi, sáng tạo. Đồng thời, quan tâm khen thưởng doanh nghiệp có nhiều thành tích nhằm khuyến khích phong trào khởi nghiệp.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng lưu ý việc thi đua khen thưởng phải gắn với nâng cao đạo đức, tác phong cán bộ; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra để tránh các trường hợp bỏ lọt hồ sơ hoặc khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích không xứng đáng.


Nhật Minh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t