Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trung ương
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung trình bày 5 nhóm nội dung chủ yếu: (1) Khái quát thực trạng khu vực KTTN; (2) Các nội dung cốt lõi của Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị; (3) Các nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ; (4) Các nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển KTTN và Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 17/5/2025 của Chính phủ về Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội; (5) Tổ chức thực hiện.
Khái quát về thực trạng khu vực KTTN, Thủ tướng Chính phủ cho biết trong gần 40 năm qua, từ khi Đổi mới đến nay, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với KTTN đã được thể hiện rất rõ tại các Văn kiện Đại hội Đảng, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ cụ thể hoá các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển KTTN.
KTTN ngày càng có vai trò quan trọng, thể hiện rõ qua Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng.
Các đại biểu dự tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng
Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành gần 60 luật, hơn 40 nghị quyết, pháp lệnh, 17 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Chính phủ ban hành khoảng 1.000 nghị định có liên quan đến KTTN.
Giai đoạn 2021 đến nay, khu vực KTTN gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người lao động . Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp rất kịp thời và tương đối toàn diện với các chính sách về giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, khoanh nợ, hoãn nợ…
Đồng thời, Chính phủ đã ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch liên quan đến phát triển KTTN trên các lĩnh vực (tiêu biểu như Đề án phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững; Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ...).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu
Đánh giá quá trình phát triển của khu vực KTTN trong gần 40 năm qua, theo Thủ tướng có thể được khái quát thành 5 giai đoạn: (1) Giai đoạn 1986 - 1999: hình thành và được thừa nhận; (2) Giai đoạn 2000 - 2005: Khởi sắc với Luật Doanh nghiệp; (3) Giai đoạn 2006 - 2015: Hội nhập và mở rộng; (4) Giai đoạn 2016 - 2024: Khởi nghiệp bùng nổ và là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế; (5) Giai đoạn từ năm 2025 trở đi: Định hướng phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
KTTN đã phát triển với những kết quả nổi bật, cụ thể: số lượng doanh nghiệp thành lập tăng mạnh, từ khoảng 5.000 doanh nghiệp năm 1990 lên 50.000 doanh nghiệp năm 2000, và 200.000 năm 2005 (gấp 40 lần sau 15 năm); đến nay có gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế.
KTTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, là khu vực có đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP. Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTN đạt khoảng 6-8%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế.
Khu vực KTTN đóng góp rất quan trọng tạo việc làm, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt ở vùng nông thôn, địa bàn khó khăn. Giai đoạn 2017-2024, khu vực KTTN sử dụng bình quân hơn 43,5 triệu lao động, chiếm hơn 82% tổng số lao động có việc làm trong nền kinh tế.
Tỷ trọng vốn đầu tư của KTTN trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, từ 44% năm 2010 lên 56% năm 2024; đóng góp hơn 30% tổng thu NSNN, khoảng 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
KTTN là khu vực năng động trong đổi mới công nghệ, sáng tạo sản phẩm và dịch vụ. Các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tăng nhanh, từ 1.500 startup năm 2015 lên khoảng 4.000 startup vào năm 2024. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang hình thành, phát triển, vươn tầm khu vực, quốc tế.
Đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển lớn mạnh, tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên ngày càng mạnh mẽ; đặc biệt, ngay cả trong những thời kỳ khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, các doanh nghiệp, doanh nhân vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thể hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề
Bên cạnh đó, mặc dù có nhiều đóng góp quan trọng, khu vực KTTN vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Mục tiêu phát triển KTTN đề ra tại Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 (đạt 1,5 triệu doanh nghiệp và đóng góp 55% GDP vào năm 2025) vẫn chưa đạt được.
Gần 98% doanh nghiệp tư nhân (DNTN) có quy mô nhỏ và vừa (DNNVV), siêu nhỏ (gần 70% quy mô siêu nhỏ), sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế; năng suất lao động thấp hơn khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước; tỷ lệ DNTN tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI thấp (chỉ khoảng 21%).
Việc tiếp cận các nguồn lực còn khó khăn, nhất là về tài chính, tín dụng, đất đai, nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đối với DNNVV (chiếm gần 98% số lượng doanh nghiệp nhưng tiếp cận chưa đến 20% tổng dư nợ tín dụng). Các DNTN chiếm chưa đến 10% tổng vốn hóa thị trường chứng khoán.
Một bộ phận DNTN chưa nghiêm túc tuân thủ pháp luật, thông tin chưa minh bạch, thiếu tầm nhìn chiến lược; đạo đức, văn hóa kinh doanh còn hạn chế (cạnh tranh thiếu lành mạnh, sản xuất hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm hợp đồng…). Một số DNTN còn tham gia vào buôn lậu, trốn thuế, thao túng thị trường, găm hàng, đội giá…
Qua thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ những bất cập mang tính căn cơ: Nhận thức về KTTN còn hạn chế, quan điểm chưa cởi mở; công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn bất cập; tổ chức thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách về KTTN chưa thực sự kịp thời, hiệu quả; một bộ phận DNTN chưa thực sự chủ động, linh hoạt, tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên.
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ các yếu tố khách quan từ tình hình thế giới và yêu cầu chủ quan. Trong bối cảnh mới nhiều khó khăn, thách thức, những cũng có cơ hội mới, thời cơ mới cho phát triển đất nước, để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH đã đề ra, nhất là hai mục tiêu chiến lược 100 năm, đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy, nhận thức, tầm nhìn; quyết liệt hành động mạnh mẽ hơn, khơi thông mọi động lực cho phát triển đất nước; đặc biệt là sự cấp thiết phải xoá bỏ mọi định kiến, phát huy vai trò, tạo sự đột phá phát triển KTTN để thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước trong tình hình mới.
Thủ tướng cho biết, Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển KTTN, trong đó nổi bật là:
(1) KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Thực tiễn đổi mới ở nước ta và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đây là lực lượng tiên phong thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập quốc tế.
(2) Phát triển KTTN nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Đây là yêu cầu tất yếu khách quan, trong đó KTTN là phương thức quan trọng nhất để giải phóng sức sản xuất, kích hoạt, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là trong nhân dân.
(3) Xoá bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về KTTN; coi doanh nhân là những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế. Chỉ có như vậy, chúng ta mới thực sự bảo đảm KTTN bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực.
(4) Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp, đóng góp cho đất nước. Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và phát huy vai trò của KTTN tham gia các nhiệm vụ quan trọng, chiến lược của quốc gia, vươn tầm khu vực, thế giới.
(5) Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; tôn vinh, cổ vũ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh. Qua đó, góp phần thúc đẩy, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, khát vọng cống hiến của đội ngũ doanh nhân cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Cho rằng cần phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu trên phạm vi cả nước, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng nhấn mạnh "thương trường là chiến trường", cần tạo động lực, truyền cảm hứng cho các chiến sỹ trên mặt trận kinh tế cống hiến vì đất nước.
Đại diện các doanh nghiệp trao đổi với Thủ tướng Chính phủ
Để đạt được các mục tiêu đề ra tới năm 2030, 2045, Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thể hiện tinh thần đổi mới, đột phá, cải cách mạnh mẽ, bảo đảm bám sát 3 đột phá chiến lược (về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng) và trong tổng thể 04 Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị, gồm: (1) Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; (2) Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; (3) Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật; (4) Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển KTTN.
Thủ tướng cho biết, nội dung trọng tâm của 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách nhất đối với phát triển KTTN hiện nay. Đó là: (1) Đổi mới tư duy, nhận thức và hành động; (2) Cải cách, nâng cao chất lượng thể chế; (3) Tăng cường tiếp cận các nguồn lực; (4) Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; (5) Tăng cường kết nối doanh nghiệp; (6) Phát triển DNTN lớn; (7) Hỗ trợ DNTN nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh; (8) Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân.
Nhóm 1, đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển KTTN.
Thủ tướng nêu rõ, đây là yêu cầu trước hết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề cho phát triển KTTN; yêu cầu các cơ quan truyền thông, báo chí chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin tuyên truyền (cổ vũ, lan tỏa những mô hình tốt, cách làm hay, khích lệ tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân; nghiêm cấm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, đưa thông tin sai sự thật, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, doanh nhân).
Nhóm 2, đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của KTTN và bảo đảm thực thi hợp đồng của KTTN.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp này nhằm giải quyết triệt để, hiệu quả vấn đề thể chế, không để thể chế tiếp tục là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", mà là động lực thúc đẩy mạnh mẽ KTTN phát triển. Tinh thần đặt ra là phải đổi mới tư duy xây dựng và thực thi pháp luật; xoá bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm"; khắc phục triệt để tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu nhất quá giữa giữa các bộ, ngành, địa phương; chủ động kiến tạo một môi trường thể chế thuận lợi nhất; tập trung giải quyết về bản chất những vấn đề cốt lõi nhất về bảo đảm quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng, thực thi hợp đồng; phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự để củng cố niềm tin của doanh nghiệp, doanh nhân, thúc đẩy phát triển KTTN.
Về cải cách, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xoá bỏ các rào cản tiếp cận thị trường; tạo mọi thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính. Chuyển từ nền hành chính công vụ, quản lý là chủ yếu sang phục vụ và kiến tạo phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Không phân biệt đối xử giữa KTTN với các thành phần kinh tế khác trong huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực; hoàn thiện thể chế, có cơ chế, chính sách đặc biệt thúc đẩy phát triển KTTN.
Về phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự, Nghị quyết nêu rõ: Bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo. Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án. Bảo đảm giá trị niêm phong, kê biên, tạm giữ, phong tỏa tương ứng với dự kiến hậu quả thiệt hại trong vụ án. Phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp với tài sản có được từ hành vi vi phạm pháp luật, tài sản khác liên quan đến vụ án; giảm thiểu tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhóm 3 là tạo thuận lợi cho KTTN tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao. Theo Thủ tướng, đây cũng là điểm mới của Nghị quyết, trong đó đưa ra các giải pháp cụ thể đối với những vấn đề đang vướng mắc.
Theo đó, tăng cường cơ hội tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh cho KTTN; đẩy mạnh và đa dạng hoá nguồn vốn cho KTTN; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho KTTN.
Nhóm 4 là thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong KTTN, với các cơ chế, chính sách đột phá.
Đơn cử, tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển bằng 200% chi phí thực tế; trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; được sử dụng quỹ để tự triển khai hoặc đặt hàng nghiên cứu phát triển bên ngoài theo cơ chế khoán sản phẩm.
Nhóm 5 là tăng cường kết nối giữa các DNTN, DNTN với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.
Nhóm 6 là hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn KTTN tầm cỡ khu vực và toàn cầu. Đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả các hình thức hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân thông qua các mô hình "lãnh đạo công - quản trị tư", "đầu tư công - quản lý tư", "đầu tư tư - sử dụng công".
Xây dựng, triển khai chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; Chương trình vươn ra thị trường quốc tế (Go Global)…
Nhóm 7 là hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh.
Trong đó, thực hiện hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, nhất là cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, ưu tiên chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh là thanh niên, phụ nữ, nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và các mô hình kinh doanh bao trùm, tạo tác động xã hội.
Nhóm 8 là đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.
Theo đó, tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các doanh nhân, doanh nghiệp điển hình, tiên tiến, kinh doanh hiệu quả, bền vững, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, tham gia tích cực các hoạt động vì cộng đồng.
Thiết lập mối quan hệ giữa các cấp uỷ đảng, chính quyền với DNTN chặt chẽ, thực chất, chia sẻ, cởi mở, chân thành; phát huy vai trò góp ý, phản biện chính sách của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phát triển Đảng trong khu vực DNTN, doanh nhân.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội
Về tổ chức thực hiện, Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cụ thể cho Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ, các Ban Đảng ở Trung ương, Đảng ủy các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương trong triển khai thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW.
Về Kế hoạch hành động của Chính phủ, Thủ tướng cho biết, Kế hoạch được ban hành nhằm cụ thể hoá, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. Phương châm đặt ra là phải tập trung thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết định, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm. Phân công nhiệm vụ phải bảo đảm cụ thể, rõ ràng cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện với tinh thần "6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả".
Bám sát 5 quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết số 68-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ với 117 nhiệm vụ cụ thể, giao cho từng bộ, ngành, các địa phương chủ trì hoặc phối hợp triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, với thời hạn, kết quả cụ thể.
Thủ tướng cũng cho biết, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển KTTN với một số nội dung chủ yếu: Về cải thiện môi trường kinh doanh; về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; về hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; về hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; về hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong; về điều khoản thi hành.
Ngay trong ngày 17/5/2025, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể với thời hạn cụ thể cho các bộ, cơ quan, địa phương để tập trung triển khai thực hiện, phát huy hiệu quả ngay từ thời điểm ban hành.