Ông Nguyễn Phi Thường, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết: Phát triển theo định hướng giao thông công cộng (trước mắt là xe buýt, hướng tới là các loại hình VTHKCC nhanh khối lượng lớn) là giải pháp quan trọng để giải quyết tận gốc bài toán về GTĐT ở các Thành phố hiện nay. Đây cũng là bài học được rút ra từ kinh nghiệm thành công cũng như thất bại về phát triển GTĐT ở các Thành phố lớn trên thế giới và với những gì đang diễn ra ở nước ta hiện nay.
Với người dân ở các đô thị lớn nước ta hiện không thiếu phương tiện đi lại nên muốn hạn chế phương tiện cá nhân và tăng cường sử dụng xe buýt công cộng thì việc đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng dịch vụ theo nguyên tắc “cung cấp dẫn đầu” là nhân tố mang tính quyết định.
Theo số liệu thống kê cho thấy, ở Thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh số lượng phương tiện cá nhân (xe đạp, xe máy, xe con) còn lớn hơn số dân ở độ tuổi đi lại tích cực. Điều này cho thấy thiết kế và cung ứng hệ thống dịch vụ xe buýt phải cạnh tranh được với phương tiện cá nhân. Ở giai đoạn 2001-2011 vừa qua, với tiêu chí “Đi xe buýt nhanh hơn xe đạp và rẻ hơn xe máy”, hệ thống xe buýt ở Hà Nội bước đầu đã thành công. Theo điều tra xã hội học, đối tượng đi xe buýt ở Hà Nội hiện nay chủ yếu là học sinh, sinh viên chiếm 65% cán bộ, công chức các cơ quan Nhà nước chỉ chiếm 8%. Nếu theo thu nhập, trên 80% số người đi xe buýt hiện nay là nhóm có thu nhập thấp (dưới 2 triệu đồng/tháng).
Về những thành công của xe buýt công cộng ở Hà Nội: Sau 10 năm (2001-2011), xe buýt Hà Nội đã “mua được thói quen” của người dân. Luồng tuyến tăng 2,4 lần, xe tăng 4 lần và khách vận chuyển tăng 30 lần: Từ 15 triệu khách năm 2001 lên trên 400 triệu khách năm 2011, trong đó Transerco vận chuyển chiếm trên 92% tổng lượng khách đi lại xe buýt của toàn Thành phố.
Xe buýt đã có những đóng góp tích cực trong việc giảm ùn tắc và đảm bảo trật tự an toàn giao thông: Diện tích chiếm dụng động cho 1 người đi xe buýt là 1,5-2m2, trong khi đó với 1 người đi xe máy là 8-12m2 và đi con là 24-26m2. Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ chiếm dụng đường của xe buýt trên một số tuyến phố chính chỉ từ 4-12% nhưng vận chuyển 12-24% lượng khách. Từ năm 2006 đến nay, va chạm giao thông của xe buýt Hà Nội giảm cả 3 chỉ tiêu về số vụ va chạm, số người chết và số người bị thương. Xe buýt hiện vận chuyển được khoảng 10% nhu cầu đi lại nhưng tỷ lệ va chạm giao thông có liên quan đến xe buýt chỉ chiếm dưới 1% tổng số vụ va chạm giao thông trên địa bàn. Bên cạnh đó, về chất lượng dịch vụ xe buýt đã được cải thiện: Theo kết quả điều tra xã hội học, giá vé xe buýt hiện nay là quá rẻ, 26% số người được hỏi đánh giá chất lượng dịch vụ xe buýt là tốt; 65% đánh giá bình thường, 8% đánh giá kém và 1% đánh giá là rất kém...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực của xe buýt thì những hạn chế, yếu kém về chất lượng dịch vụ của xe buýt Hà Nội còn tồn tại, đó là: Mạng lưới giao thông quá tải, thời gian chuyến đi kéo dài, chất lượng dịch vụ bị ảnh hưởng nhất là trong giờ cao điểm. Năm 2011, thời gian chuyến đi của hành khách tăng trên 40% so với năm 2005 do tốc độ lưu thông của xe giảm và thời gian chờ đợi kéo dài. Do ùn tắc nhất là trong giờ cao điểm, trên các trục hành lang chính, xe buýt thường xuyên bị muộn giờ từ 10-15 phút, thậm chí có những lượt xe bị muộn tới 30 phút. Mặt khác do tần suất phục vụ của nhiều tuyến giờ cao điểm còn thấp nên khách thường phải chờ đợi lâu. Ngoài ra, hạ tầng dành cho xe buýt thiếu và yếu, nhiều khu vực người dân khó tiếp cận với xe buýt và có khu vực còn trắng về xe buýt. Nhiều điểm dừng đỗ xe buýt chiếm dụng, phương tiện cá nhân đỗ dưới lòng đường gây khó khăn cho xe buýt khi ra vào điểm đón trả khách...
Chính vì vậy, để đưa ra một số giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt công cộng ở Hà Nội trong thời gian tới, ông Nguyễn Phi Thường cho biết, Tổng Công ty vận tải Hà Nội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, nhất là đối với đội ngũ lái xe, bán vé; bên cạnh đó, cũng tổ chức các lớp đào tạo chuyên đề về thái độ phục vụ đặc biệt là cho đội ngũ lái xe, bán vé, tổng hợp các hành vi phản cảm và vi phạm các tiêu chí phục vụ bằng video, hình ảnh...để giáo dục, chấn chỉnh.
Đồng thời, Tổng Công ty sẽ tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho xe buýt, chủ động phối hợp với liên ngành GTVT-Công an TP và các lực lượng chức năng khác triển khai các biện pháp phòng, chống tội phạm ở các điểm dừng đỗ trên xe buýt nhất là trong giờ cao điểm. Đẩy mạnh chương trình chăm sóc khách hàng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ tiên tiến vào công tác quản lý điều hành, tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Củng cố chất lượng đoàn phương tiện, đảm bảo duy trì các tiêu chí về chất lượng phương tiện như tốt, sạch, đầy đủ thông tin khi đưa ra tuyến. Chủ động nghiên cứu đề xuất với TP về cơ chế và các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của xe buýt công cộng.
Về giải pháp lâu dài: Tiếp tục đổi mới chương trình và nâng cao chất lượng đào tạo nhất là đào tạo đội ngũ lái xe, bán vé. Lấy việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nòng cốt để nâng cao chất lượng dịch vụ và hình ảnh của xe buýt; Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng đoàn xe buýt; Tiếp tục đầu tư cơ sở hậu cần doanh nghiệp theo hướng hiện đại đi đôi với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ tiên tiến vào công tác quản trị doanh nghiệp theo mô hình Depot xe buýt. Chủ động đầu tư ứng dụng công nghệ thẻ Smart card thay thế hệ thống xe buýt hiện nay...