Theo báo cáo nhanh, xã Xuân Mai được thành lập từ 04 xã, thị trấn thuộc huyện Chương Mỹ (cũ) gồm: Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Thủy Xuân Tiên, Xuân Mai. Đây là các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ rừng ngang. Trong khi đó, đất sản xuất nông nghiệp của xã có khoảng 3.560ha bị chia cắt bởi các khu vực đồi gò và đồng bằng; địa hình khu vực phức tạp, đất đai chia cắt bởi các khu vực đồi gò và đồng trũng nên khả năng tiêu úng khó khăn. Toàn xã có hơn 14.000 hộ dân, trong đó khoảng 1.433 hộ thường xuyên bị ngập lụt, với 6.553 nhân khẩu.
Do ảnh hưởng mưa, giông chiều 19/7, theo ghi nhận, xã 06 công trình bị tốc mái (758m2); sập mái 09 chuồng chăn nuôi (180m2); 1.500m2 rau, màu bị đổ; 36 cây xanh bị gãy, đổ (đã xử lý, khắc phục)…
Chủ tịch UBND xã Xuân Mai Nguyễn Anh Đức báo cáo công tác ứng phó với cơn bão số 3
Chủ tịch UBND xã Xuân Mai Nguyễn Anh Đức cho biết, ngay sau khi thành lập xã mới theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, xã đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 2025, trong đó thành lập các tổ giúp việc Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự. Đồng thời rà soát các vị trí thường xuyên ngập lụt và vị trí trú tránh, sơ tán trên địa bàn xã tại các nhà văn hóa, trường học có thể tiếp nhận 6.555 người (có 19 điểm xung yếu thường xuyên ngập, lụt; 20 điểm sơ tán). Xã cũng trưng tập lực lượng xung kích gồm 304 người gồm 04 tổ hỗ trợ sơ tán người và tài sản cho Nhân dân.
Tuy nhiên, xã gặp khó khăn về trang thiết bị như xuồng máy, máy bơm, áo phao, lực lượng công an chính quy tại xã hiện chỉ có 65 người, nên khó bảo đảm công tác điều phối khi thiên tai xảy ra.
Chủ tịch UBND xã Trần Phú Đỗ Hoàng Anh Châu báo cáo công tác phòng, chống thiên tai
Đối với xã Trần Phú cũng chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, tuyên truyền người dân chủ động, ứng phó với những diễn biến phức tạp khi có mưa lớn xảy ra.
Chủ tịch UBND xã Trần Phú Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, địa hình của xã cũng phức tạp, chia cắt bởi các khu vực đồi gò và đồng trũng nên khả năng tiêu úng khó khăn. Về thủy thế có xu hướng thấp dần từ dãy núi tỉnh Phú Thọ về phía sông Bùi xen kẽ các ô trũng sâu và dòng suối thoát lũ của 02 hồ Đồng Sương và Văn Sơn.
Do ảnh hưởng mưa, giông chiều 19/7, trên địa bàn xã có 06 nhà bị tốc mái, 01 trại nuôi gà bị sập mái; 02 trại nuôi lợn bị tốc mái; đổ 33m tường bao; đổ 2 cột điện; 02 hộ chăn nuôi ếch bị ảnh hưởng, diện tích mặt nước khoảng 4.000m2; 460 cây ăn quả bị đổ…
Để chủ động ứng phó với thiên tai, xã đã thành lập đầy đủ các tiểu ban, chuẩn bị lực lượng 1.200 người tại chỗ, hiệp đồng thêm 200 cán bộ, chiến sĩ, ký hợp đồng nguyên tắc cung cấp vật tư gồm 15.000 bao tải, 2.000 cọc tre, vải bạt, phương tiện cơ giới... Các điểm tuần tra, trực ban cũng đã sẵn sàng triển khai nhiệm vụ.
Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Công an Thành phố khẳng định sẽ hỗ trợ các địa phương bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong các tình huống thiên tai, sự cố
Tuy nhiên, địa phương cũng kiến nghị Thành phố bổ sung thiết bị chuyên dụng và làm rõ chỉ giới, địa giới hành chính mới sau sáp nhập để phối hợp chỉ đạo không bị chồng chéo.
Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Công an Thành phố… báo cáo phương án hỗ trợ các địa phương về lực lượng, phương tiện, bảo đảm thông tin liên lạc, giao thông… khi xuất hiện các tình huống thiên tai lớn, phức tạp xảy ra, phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của hai xã trên trong công tác phòng, chống thiên tai, trong đó chú trọng công tác ứng phó với cơn bão số 3.
Theo nhận định của Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cơn bão số 3 có diễn biến khó lường, kèm theo mưa rất lớn, khả năng xuất hiện lũ rừng ngang, nguy cơ cao gây úng ngập diện rộng tại nhiều địa phương. Trong khi đó, năm nay là năm đầu tiên thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp nên có nơi còn lúng túng, chưa đồng bộ trong chỉ đạo ứng phó.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu chỉ đạo
Đối với Xuân Mai, Trần Phú là địa bàn trọng điểm, thường xuyên xảy xã lũ rừng ngay, song cả hai xã đã chủ động và có phương án và bố trí lực lượng thường trực để xử lý các tình huống xấu do thiên tai gây ra. Cả hai địa phương đã thực hiện tốt việc vận hành phương án "4 tại chỗ", trong đó bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân là ưu tiên hàng đầu trong mọi tình huống thiên tai.
Tuy nhiên, hai xã không được chủ quan, lơ là trong bất kỳ tình huống thiên tai nào. Dù bộ máy mới còn nhiều việc phải kiện toàn, nhưng đây cũng là dịp kiểm tra năng lực chỉ huy, điều hành từ cơ sở. Càng trong khó khăn, càng phải gắn bó, hành động quyết liệt hơn nữa để bảo vệ dân.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đã giao Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp các địa phương nghiên cứu phương án bảo đảm an toàn cho người dân theo hướng bền vững ít nhất là 50 năm. Đồng thời tính toán xem phương án di dời dân cư khu vực thấp trũng đến nơi ở mới an toàn, ổn định, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế cho khu vực người dân di chuyển. Đồng thời xây dựng tuyến đê trên địa bàn bền vững…
Đoàn công tác Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội kiểm tra thực tế công tác phòng chống lụt bão, chuẩn bị phương tiện vật tư của xã, công tác bảo đảm an toàn của hộ chăn nuôi thủy sản trên địa bàn xã Phú Cát.
* Chiều cùng ngày (21/7), Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và Thú y Hà Nội, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống lụt bão trong chăn nuôi thủy sản tại các xã: Kiều Phú, Phú Cát.