Hội nghị kết quả triển khai Đề án chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, đoàn thể Thành phố 6 tháng đầu năm 2025
Ngay từ những tháng đầu năm 2025, Ban Chỉ đạo 204 đã tổ chức phiên họp đầu tiên, thông qua quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và xây dựng kế hoạch triển khai Đề án chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, đoàn thể Thành phố.
Một trong những điểm nhấn nổi bật là công tác tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ. Thành ủy đã chỉ đạo các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy và các đơn vị trực thuộc rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, thủ tục hành chính liên quan đến công tác Đảng, đề xuất sửa đổi, bổ sung để triển khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Hà Nội cũng là địa phương tiên phong xây dựng và tích hợp 04 TTHC Đảng lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, gồm: thu, nộp đảng phí; lấy ý kiến nhận xét của chi ủy, chi bộ nơi cư trú đối với đảng viên; chuyển sinh hoạt đảng chính thức và chuyển sinh hoạt đảng tạm thời. Tháng 6/2025, Thành ủy Hà Nội chính thức thí điểm triển khai các thủ tục này tại tất cả các tổ chức Đảng thuộc Đảng bộ Thành phố có điều kiện truy cập và sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì Hội nghị
Sau gần một tháng đưa vào sử dụng, đến ngày 24/6/2025, hệ thống ghi nhận hơn 1,2 triệu lượt truy cập từ 63 tỉnh, thành và 27 quốc gia; 40.974 tài khoản đảng viên đăng ký; 10.120 giao dịch nộp đảng phí; 44 đảng viên thực hiện lấy ý kiến nhận xét nơi cư trú; 22 đảng viên chuyển sinh hoạt chính thức và 8 đảng viên chuyển sinh hoạt tạm thời. Việc đưa thủ tục Đảng lên môi trường số được các tổ chức Đảng, đảng viên đánh giá cao về hiệu quả, tiết kiệm, minh bạch. Riêng thủ tục lấy ý kiến nhận xét nơi cư trú, dự kiến giúp Hà Nội tiết kiệm khoảng 250 tỷ đồng mỗi năm.
Bên cạnh đó, Thành ủy Hà Nội đã chú trọng phát triển hạ tầng số, duy trì hoạt động ổn định các hệ thống CNTT như: mạng số liệu chuyên dùng, hệ thống hội nghị trực tuyến từ Trung ương đến Thành ủy và địa phương. Hai trung tâm dữ liệu vận hành liên tục, đảm bảo an toàn thông tin và hỗ trợ kỹ thuật.
Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Nguyễn Việt Hùng báo cáo
Tính đến 10/6, hệ thống quản lý văn bản và điều hành đã có 2.157 đơn vị, 4.682 tài khoản cá nhân sử dụng; 2.125 văn bản đi, 36.132 văn bản đến; 935 chữ ký số tổ chức và 1.957 chữ ký số cá nhân đã được cấp. Hệ thống trợ lý ảo hỏi đáp văn kiện hoàn thành 8.381 câu hỏi, ghi nhận 1.004 phiên trò chuyện với 2.479 tin nhắn.
Công tác số hóa hồ sơ, tài liệu Đảng cũng được đẩy mạnh. Việc số hóa tài liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung là nền tảng quan trọng để triển khai các ứng dụng số, phục vụ quản lý, điều hành, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, quá trình triển khai Đề án chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, đoàn thể thành phố, Hà Nội vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như: hạ tầng chưa đồng bộ; nguồn nhân lực cũng như kinh phí đầu tư cho chuyển đổi số còn hạn chế…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã báo cáo định hướng sắp tới trong việc tổ chức cơ sở dữ liệu đảng viên; số hóa tài liệu; thực trạng hạ tầng dùng chung hiện nay tại các xã, phường nhằm đảm bảo kết nối đường truyền diện rộng cũng như Internet tốc độ cao, đảm bảo thiết bị đầu cuối thông suốt…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, mặc dù có nhiều nỗ lực từ các cơ quan, đơn vị, nhưng kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số các cơ quan đảng, đoàn thể của Thành phố vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của Thủ đô. Sau khi thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính theo mô hình hai cấp với 126 xã, phường mới, nếu không tăng tốc, sẽ làm chậm công tác chuyển đổi số của Thành phố.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo
Để tạo ra sự chuyển biến thực chất, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu đánh giá thẳng thắn trong đó, phải chỉ rõ những mặt làm được và mặt còn tồn tại và xác định rõ vị trí của Hà Nội trong bảng xếp hạng chuyển đổi số của cả nước.
Đồng chí cũng yêu cầu không xây dựng các phần mềm riêng lẻ mà thống nhất sử dụng một nền tảng dùng chung; Giao Sở KH&CN cùng với các đơn vị liên quan, khẩn trương hoàn thành việc tích hợp các phần mềm điều hành tác nghiệp của Thành phố vào hệ thống chung của Quốc gia.
Phó Bí thư Thường trực cũng yêu cầu rà soát và xây dựng lại chương trình công tác 6 tháng cuối năm một cách khoa học và khả thi. Về lưu trữ và số hóa tài liệu, cần coi đây là nhiệm vụ cấp bách, phải triển khai ngay từ đầu đối với các đơn vị mới.
Ngoài ra, thành lập nhóm chuyên gia để tham mưu cho Ban Chỉ đạo; rà soát, cơ cấu lại tổ giúp việc theo hướng tinh gọn và hiệu quả hơn. Qua đó, thể hiện quyết tâm của Thường trực Thành ủy trong việc tạo ra một bước đột phá trong công tác chuyển đổi số của Thành phố, xứng đáng với vai trò và vị thế của Thủ đô.
Nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm là tăng cường chuyển đổi số trong nội bộ từng cơ quan cũng như tăng cường hỗ trợ, tập huấn cho cơ sở; ưu tiên đầu tư hạ tầng, hoàn thiện hệ thống phòng họp trực tuyến… Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu các đơn vị phải có sự thay đổi căn bản trong nhận thức về chuyển đổi số. Mỗi đồng chí lãnh đạo, mỗi Thủ trưởng đơn vị phải thực sự là hạt nhân, là người truyền cảm hứng và dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị mình, góp phần vào thành công chung của Thành phố.