Quang cảnh buổi làm việc
Tham gia đoàn công tác có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải; đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội; đại diện một số bộ, ngành liên quan.
Về phía thành phố Hà Nội, dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố; Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố; Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2024, Thành phố đã chủ động triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách và quy định pháp luật về phát triển, sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Các văn bản chỉ đạo điều hành, quy phạm pháp luật được ban hành kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Trong công tác tuyển dụng, Hà Nội đã thực hiện theo hướng chuyên nghiệp, khoa học, đảm bảo tính công khai, minh bạch và nâng cao chất lượng. Từ năm 2021 đến nay, Thành phố đã tổ chức 3 kỳ thi tuyển công chức hành chính, tuyển dụng được 437 công chức và 7.091 viên chức.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố được bố trí phù hợp với chuyên môn, trình độ và yêu cầu công việc, phát huy hiệu quả năng lực, sở trường. Đồng thời, để thu hút, đãi ngộ nhân tài chất lượng cao, Thành phố đã có một số cơ chế: quỹ ưu đãi, khuyến khích các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi; các ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng; hỗ trợ nghiên cứu...
Hằng năm, Thành phố đều tổ chức lễ tuyên dương sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc các trường đại học, học viện trên địa bàn, đồng thời xây dựng chỉ tiêu tuyển dụng thủ khoa vào cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô. Thực hiện Nghị quyết 14/2013/NQ-HĐND của HĐND Thành phố, từ năm 2014 - 2017, Thành phố đã tuyển dụng 91 nhân tài và vinh danh 1.183 thủ khoa xuất sắc.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn báo cáo tại buổi làm việc
Cùng với đó, giáo dục nghề nghiệp của Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc, với hệ thống cơ sở đào tạo đa dạng, quy mô lớn và chất lượng cao, góp phần đáp ứng yêu cầu nhân lực cho không chỉ Thủ đô mà còn cho các địa phương khác, phục vụ hiệu quả tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại như số lượng thủ khoa, người tài đăng ký thi tuyển công chức, viên chức còn hạn chế; nhiều người chuyển sang khu vực tư nhân do thu nhập cao hơn, môi trường làm việc hấp dẫn hơn.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã nêu nhiều nội dung quan tâm và đề nghị UBND Thành phố làm rõ, như: tình hình cán bộ, công chức, viên chức rời khu vực công sang tư, đặc biệt trong lĩnh vực y tế; tiến độ ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư các cơ sở trọng điểm quốc gia; kế hoạch sử dụng ngân sách Thành phố để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hỗ trợ học nghề chất lượng cao theo quy định mới của Luật Thủ đô năm 2024; chính sách thu hút sinh viên giỏi, trọng dụng nhân tài; đánh giá hiệu quả việc triển khai các cơ chế, chính sách này trên thực tế.
Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu làm rõ thêm một số nội dung Đoàn giám sát quan tâm, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, bên cạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế, Thành phố luôn đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển nguồn nhân lực, coi đây là một trong những động lực then chốt để phát triển bền vững. Theo đó, Hà Nội đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo, điều hành liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, Thành phố chú trọng đến việc xây dựng các cơ chế, chính sách thiết thực nhằm thu hút, đào tạo và đãi ngộ nhân tài. Mới đây, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua một số nghị quyết liên quan đến chế độ đãi ngộ với vận động viên đạt thành tích cao, học sinh đoạt giải quốc tế, với mức thưởng tương xứng nhằm khích lệ tinh thần nỗ lực, cống hiến.
Đáng chú ý, để cụ thể hóa việc triển khai Luật Thủ đô năm 2024, HĐND thành phố Hà Nội đã chủ động ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng, trong đó có chính sách liên quan đến phát triển nguồn nhân lực. Hiện nay, UBND Thành phố đang tích cực xây dựng các dự thảo nghị quyết để trình tại kỳ họp chuyên đề HĐND Thành phố vào cuối tháng 4/2025 và kỳ họp thường lệ giữa năm của HĐND Thành phố. Nhân dịp này, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn bày tỏ mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Hà Nội triển khai hiệu quả 9 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù theo quy định của Luật Thủ đô, góp phần đưa luật sớm đi vào cuộc sống.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Thành phố đã đạt được trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Để tiếp tục phát huy kết quả và nâng cao hiệu quả công tác phát triển nguồn nhân lực, Trưởng đoàn giám sát đề nghị Hà Nội đẩy mạnh cải cách giáo dục, triển khai hiệu quả các chủ trương, đề án và kế hoạch liên quan đến nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt tập trung vào nhân lực chất lượng cao phục vụ định hướng phát triển và quy hoạch của Thành phố trong tương lai.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh cũng lưu ý, Hà Nội cần chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn; đồng thời đầu tư nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, đặc biệt về chuyên môn, kỹ năng công nghệ thông tin, ngoại ngữ và phương pháp giảng dạy hiện đại. Đồng thời, cần đẩy mạnh việc hiện đại hóa cơ sở vật chất, thúc đẩy mô hình đào tạo gắn với thực hành tại doanh nghiệp, đầu tư cho các ngành nghề trọng điểm.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần tiếp tục thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, tham gia phát triển nguồn nhân lực tại chỗ thông qua các chính sách ưu đãi phù hợp. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số phục vụ công tác giáo dục và quản trị nguồn nhân lực, cùng với việc nâng cao hiệu quả phân luồng, hướng nghiệp, xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực hiện đại cũng là những nhiệm vụ cấp thiết.
Kết thúc buổi làm việc, Đoàn giám sát ghi nhận các nhóm kiến nghị, giải pháp của thành phố Hà Nội, đồng thời đề nghị UBND Thành phố tiếp tục hoàn thiện báo cáo, bổ sung và chỉnh lý nội dung dựa trên các ý kiến trao đổi tại buổi làm việc để gửi lại cho Đoàn giám sát tổng hợp.