Các đại biểu dự phiên họp giải trình
Theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố Nguyễn Thanh Bình, hiện nay các quy hoạch liên quan đến công viên, cây xanh của Hà Nội chủ yếu dựa trên Quyết định số 1495/QĐ-UBND ngày 18/3/2014 về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 (gọi tắt là Quy hoạch 1495). Tuy nhiên, từ đó đến nay có nhiều văn bản pháp lý quan trọng khác được ban hành, trong đó không còn khái niệm "quy hoạch công viên, cây xanh".
Cũng theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố, Thành phố hiện chưa thực hiện điều chỉnh Quy hoạch 1495 cũng như chưa xây dựng được một đề án tổng thể để làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng, cải tạo công viên, cây xanh theo hướng đồng bộ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư mà còn tạo ra những khó khăn trong quá trình thu hút nguồn lực xã hội hóa cho các dự án công viên, vườn hoa.
Tại phiên giải trình, đại diện các sở, ngành của Thành phố cũng đã thẳng thắn chỉ rõ các bất cập hiện nay và đề xuất giải pháp tháo gỡ. Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, Quy hoạch 1495 đã đặt ra khung định hướng tổng thể hệ thống công viên, hồ và cây xanh của Thành phố. Tuy nhiên, thực tế triển khai còn gặp khó khăn do nhiều vị trí công viên, vườn hoa mới được xác định sơ bộ, chưa có đầy đủ thông tin về diện tích, tính chất hay các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại phiên họp
Trên cơ sở đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã tham mưu cho UBND Thành phố ban hành kế hoạch cụ thể hóa các nội dung của Quy hoạch 1495 thông qua hệ thống các đồ án quy hoạch phân khu. Đồng thời, các chủ đầu tư và địa phương được giao tổ chức lập và triển khai các quy hoạch chi tiết nhằm đảm bảo tính khả thi và đồng bộ giữa quy hoạch và thực tiễn đầu tư.
Ngoài ra, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã rà soát tổng thể các công viên đang và sẽ được đầu tư trên toàn Thành phố. Theo thống kê đến thời điểm hiện tại, có 32 công viên thuộc diện công viên cây xanh và 28 công viên chuyên đề đã được xác định trong danh mục lập quy hoạch chi tiết với tỷ lệ 1/500. Danh mục này đã được UBND Thành phố thống nhất tại Văn bản số 2183/VP-ĐT ban hành ngày 28/02/2024.
Đồng thời, Sở cũng phân loại, thống kê đầy đủ theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025, gồm 45 công viên và vườn hoa hiện hữu được cải tạo, 6 công viên xây dựng mới, cùng với 6 công viên, vườn hoa đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục quy hoạch. Những đề xuất cụ thể đối với từng công viên cũng đã được gửi đến UBND Thành phố để chỉ đạo, điều hành.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Phi Thường cũng đã làm rõ thêm về những tồn tại trong việc thực hiện Quy hoạch 1495 và Quy hoạch 12593 liên quan đến phát triển công viên, cây xanh trên địa bàn Thành phố. Ông cho biết, hiện nay toàn Thành phố có tổng cộng 212 công viên chưa được đầu tư. Bên cạnh đó, có một số công viên đã đưa vào sử dụng nhưng lại không nằm trong kế hoạch đầu tư sửa chữa, gây ảnh hưởng đến chất lượng hạ tầng đô thị và nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Phi Thường trao đổi tại phiên họp giải trình
Để giải quyết triệt để những bất cập này, UBND Thành phố đã giao Sở Xây dựng chủ trì xây dựng một đề án tổng thể phát triển hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa. Theo kế hoạch, đề án sẽ được hoàn thiện trong tháng 8 tới và sẽ đề xuất nhiều cơ chế, chính sách cụ thể để đẩy nhanh tiến độ đầu tư cũng như kêu gọi xã hội hóa nguồn lực.
Báo cáo tại phiên giải trình, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thêm, tính đến hết quý I năm 2025, thành phố Hà Nội đã hoàn thành cải tạo, xây dựng mới tổng cộng 70 công viên, trong đó có 10 công viên và 60 vườn hoa. Con số này đạt 140% so với chỉ tiêu của Chương trình số 03-CTr/TU do Thành ủy Hà Nội đề ra. Các quận, huyện hiện vẫn đang tiếp tục triển khai thi công các công viên, vườn hoa còn lại theo kế hoạch. Dự kiến đến cuối năm, tổng số công viên, vườn hoa được đưa vào sử dụng sẽ tiếp tục tăng đáng kể, góp phần hoàn thiện diện mạo cảnh quan đô thị, cải thiện chất lượng sống của người dân.
Ông Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh, để đạt được kết quả trên cần có sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND Thành phố cùng với sự đồng hành, ủng hộ của người dân. Việc phát triển đồng bộ hệ thống công viên, vườn hoa không chỉ mang lại không gian sống xanh, sạch, đẹp mà còn thể hiện sự quan tâm thiết thực đến nhu cầu an sinh, giải trí và sinh hoạt văn hóa của người dân Thủ đô.