Tham dự Hội thảo có Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundo Assomo; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hoàng Đạo Cương; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà; Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; đại diện lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành sở hữu Di sản; các ban quản lý Di sản thế giới tại Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học…
Hội thảo là một sự kiện trong chuỗi các hoạt động triển khai Kế hoạch Hành động giai đoạn 2021 - 2025 của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bản ghi nhớ Hợp tác Việt Nam - UNESCO giai đoạn 2021 - 2025, Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 và các kết luận của Hội nghị Văn hóa Toàn quốc nhấn mạnh vai trò của văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương sẽ diễn ra vào thời gian tới.
Các đại biểu dự hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới: tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững”
Thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam về trách nhiệm bảo tồn Di sản
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: "Di sản không chỉ là ký ức của quá khứ cần được bảo tồn, mà còn là tài sản chiến lược cho tương lai - một nguồn lực quý giá giúp các cộng đồng định vị bản sắc văn hóa, củng cố sự gắn kết xã hội và tạo động lực cho phát triển sáng tạo. Tuy nhiên, các giá trị Di sản - cả văn hóa và thiên nhiên - đang đứng trước nhiều nguy cơ: biến đổi khí hậu, đô thị hóa thiếu kiểm soát, mặt trái của toàn cầu hóa, áp lực từ du lịch đại trà, và không ít trường hợp là sự thờ ơ từ chính con người.
Trong bối cảnh đó, việc bảo vệ và phát huy giá trị Di sản trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết - không chỉ để lưu giữ những giá trị của quá khứ, mà để xây dựng nền tảng bền vững cho tương lai. Điều này đã được khẳng định trong Công ước Di sản Thế giới năm 1972 của UNESCO - công ước quốc tế đầu tiên và duy nhất kết nối bảo tồn thiên nhiên với di sản văn hóa, tạo ra một cách tiếp cận mới hài hòa giữa con người và thiên nhiên".
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hoàng Đạo Cương phát biểu khai mạc Hội thảo
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, Việt Nam hiện có 8 Di sản thế giới được UNESCO công nhận, bên cạnh hàng nghìn di sản văn hóa và thiên nhiên cấp quốc gia. Từ Hoàng thành Thăng Long, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, Quần thể danh thắng Tràng An, Thành nhà Hồ đến Phong Nha - Kẻ Bàng, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn - mỗi Di sản là một kho tàng quý báu, kết tinh từ hàng nghìn năm lịch sử, văn hóa và sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên. Đây không chỉ là niềm tự hào dân tộc mà còn là những tài sản chiến lược, nếu được bảo tồn và quản lý hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, tạo việc làm bền vững, gìn giữ môi trường sinh thái và nuôi dưỡng bản sắc văn hóa - những thành tố thiết yếu cho phát triển bền vững.
Trong thời đại số, việc bảo tồn và phát huy di sản cần gắn liền với đổi mới sáng tạo: ứng dụng công nghệ số, tận dụng sức mạnh truyền thông mạng xã hội, phát triển các mô hình đối tác công - tư (PPP) để lan tỏa giá trị di sản đến đông đảo công chúng, nhất là thế hệ trẻ. Đặc biệt, vai trò trung tâm của cộng đồng trong quản lý và gìn giữ di sản - không chỉ với tư cách là người thụ hưởng mà là chủ thể sáng tạo. Những mô hình như tại Quần thể Danh thắng Tràng An - khu di sản hỗn hợp thiên nhiên và văn hóa duy nhất của Việt Nam cho thấy, khi người dân - đặc biệt là thanh niên và phụ nữ - được trao quyền và tham gia thực chất, Di sản có thể trở thành nền tảng cho phát triển sinh kế, bảo vệ môi trường và gắn kết cộng đồng một cách bền vững.
"Với tinh thần đó, Hội thảo này là một định hướng hết sức đúng đắn, kịp thời và thiết thực, đồng thời góp phần thực hiện những nội dung quan trọng của các hội nghị quốc tế như: Hội nghị thượng đỉnh Tương lai (Future Summit), các cam kết tại Hội nghị P4G vừa qua - nơi Việt Nam thể hiện vai trò trách nhiệm và tích cực trong thúc đẩy hợp tác đa phương vì một tương lai xanh và bền vững", Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nói.
Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundo Assomo; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hoàng Đạo Cương cùng đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao chủ trì Hội thảo
Trên cơ sở những nội dung nêu trên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã đặt ra 6 vấn đề lớn để Hội thảo thảo luận, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế pháp lý để cộng đồng được tham gia quản lý di sản, nâng cao năng lực cộng đồng, lồng ghép tri thức bản địa vào quy hoạch phát triển, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và mở rộng hợp tác quốc tế…
Hà Nội xác định "đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển bền vững"
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, Thủ đô Hà Nội được biết đến là "Thành phố di sản" với các Di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng gồm 6.494 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có những Di sản đã được UNESCO vinh danh như: Di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Di sản Hội Gióng, Di sản Ca trù, Di sản bia Tiến sĩ Triều Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám… đây cũng chính là tiềm năng, thế mạnh, là nguồn lực để Hà Nội phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển văn hóa và du lịch văn hóa.
Thành phố Hà Nội xác định "đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển bền vững", trong đó việc bảo vệ, phát huy giá trị các Di sản là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, của mỗi người dân.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu chào mừng Hội thảo
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác quản lý di tích nói chung và Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội nói riêng vẫn còn đặt ra nhiều thách thức trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản, nhất là việc bảo tồn và phát huy các di tích khảo cổ nằm sâu dưới lòng đất, đòi hỏi các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và đề xuất các giải pháp bảo tồn từ nhiều góc độ khác nhau, đặc biệt khi Thủ đô Hà Nội - thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được định hướng phát triển không gian sáng tạo văn hóa, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật đương đại, kết nối di sản với cộng đồng và giới trẻ.
"Tại Hội thảo ngày hôm nay, thành phố Hà Nội mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm và định hướng phát huy giá trị Di sản hướng tới mục tiêu quản lý bền vững các khu Di sản, tiếp cận dựa vào cộng đồng. Đặc biệt là sự ủng hộ, chia sẻ với nỗ lực của Thành phố trong việc phát huy giá trị, bảo tồn Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội và phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa nhằm xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh.
Quang cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm từ góc độ quản lý nhà nước, sở hữu Di sản trong việc phát huy giá trị Di sản thế giới phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của người dân.
Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo cũng đã trực tiếp giải đáp một số vấn đề mà các đại biểu đặt ra, tư vấn về chuyên môn công tác bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới trong phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng và chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế.
Hội thảo đã rút ra một số kiến nghị, đề xuất cho công tác quản lý Di sản trong thời gian tới, bao gồm: tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý trong quản lý di sản; tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức và vai trò, sự tham gia của cộng đồng vì đây chính là chủ sở hữu di sản; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển du lịch bền vững; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ quản lý di sản và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.