Quang cảnh phiên họp
Trong năm 2024, thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH Thành phố và cả hệ thống chính trị đã thống nhất quan điểm xuyên suốt về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của tín dụng chính sách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và của từng địa phương; chỉ đạo, quyết liệt trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ và bám sát chủ trương chính sách của Chính phủ cũng như các Nghị quyết, chỉ đạo của HĐQT, Tổng Giám đốc NHCSXH, chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, tổ chức triển khai tín dụng chính sách xã hội kịp thời, có chất lượng, đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Đến ngày 31/12/2024, tổng nguồn vốn hoạt động tại Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội là 16.609 tỷ đồng, tăng 330 tỷ đồng so với quý III và tăng 2.413 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó: Vốn huy động từ dân cư, tổ chức kinh tế và tiền gửi tiết kiệm qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đạt 2.453 tỷ đồng, tăng 10 tỷ đồng so với quý III và tăng 197 tỷ đồng so với đầu năm; nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 9.820 tỷ đồng, tăng 319 tỷ đồng so với quý III và tăng 2.061 tỷ đồng so với đầu năm.
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội Phạm Văn Quyết báo cáo tại phiên họp
Doanh số cho vay năm 2024 đạt 7.206 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 4.800 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến ngày 31/12/2024 đạt 16.567 tỷ đồng, tăng 339 tỷ đồng so với quý III và tăng 2.406 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 17%.
Trong năm 2024, đã có 114.772 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Hà Nội được vay vốn tại NHCSXH. Trong đó: có 22 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, 8.085 người lao động thuộc các làng nghề, làng nghề truyền thống, 80 chủ thể OCOP được vay vốn; nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua NHCSXH đã thu hút, tạo việc làm cho 58.648 lao động; các chương trình tín dụng chính sách giải ngân qua NHCSXH đã góp phần hỗ trợ vốn cho trên 27.479 hộ gia đình xây dựng mới, cải tạo 54.958 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; giúp cho vay 118 lượt HSSV được vay vốn trang trải chi phí học tập; hỗ trợ cho vay 99 lượt người chấp hành xong án phạt tù; 600 lượt hộ nghèo, cận nghèo để xây dựng, sửa chữa nhà ở theo Nghị quyết số 14/NQ-HĐND của HĐND Thành phố và 62 khách hàng vay vốn để xây mới, sửa chữa nhà để ở chương trình cho vay nhà ở xã hội. Riêng trong quý IV/2024, Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội đã giải ngân 441 tỷ đồng cho 5.627 khách hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi cơn bão số 3 vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện các mục tiêu của Thành phố về phục hồi, phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Các đại biểu tham luận tại các điểm cầu
Về chất lượng tín dụng: Tổng dư nợ quá hạn và nợ khoanh đến ngày 31/12/2024 là 5.582 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,034% trên tổng dư nợ. Toàn Thành phố hiện có 13 đơn vị cấp huyện và 532/579 đơn vị cấp xã không có nợ quá hạn.
Tại hội nghị, sau khi nghe các đại biểu thảo luận, kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải đề nghị các sở, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan, Ban đại diện HĐQT NHCSXH Thành phố và các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới và Kế hoạch số 172/KH-UBND ngày 23/6/2023 của UBND Thành phố về thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội; chủ động tham mưu về nội dung triển khai tín dụng chính sách gắn với bố trí nguồn vốn ủy thác tại địa phương trong quá trình xây dựng văn kiện Đại hội Đảng các cấp.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải phát biểu chỉ đạo tại phiên họp
Tổ chức triển khai có hiệu quả công tác kiểm tra đối với hoạt động tín dụng chính sách, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp; triển khai công tác đối chiếu, phân loại nợ đối với 100% khách hàng tại NHCSXH theo chỉ đạo của Trung ương; tiếp tục triển khai có hiệu quả ứng dụng quản lý tín dụng chính sách của NHCSXH. Nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, ý nghĩa của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, qua đó, phát huy vai trò, trách nhiệm trong tham mưu, chỉ đạo tổ chức triển khai và tập trung các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội trên cơ sở bám sát định hướng chỉ đạo chung, các Chương trình, Kế hoạch, mục tiêu của Thành phố.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng đề nghị thành viên là các Sở, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan bám sát Luật Thủ đô và chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố làm cơ sở tham mưu triển khai các nội dung liên quan đến tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào các nội dung trọng tâm như: Lãi suất cho vay đối với các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn; đối tượng được vay vốn; bố trí ngân sách địa phương cho tín dụng chính sách xã hội..., đảm bảo đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.
Đối với Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, cần xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kiểm tra giám sát tại các địa bàn đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm 2025. Kịp thời kiện toàn thành viên khi có thay đổi về nhân sự, nhất là tại các địa bàn có sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã. Tiếp tục tham mưu UBND cấp huyện cân đối, bố trí ngân sách chuyển bổ sung vốn ủy thác cho vay qua NHCSXH năm 2025 và giai đoạn 2026-2030. Chỉ đạo tổ chức giải ngân kịp thời nguồn vốn được bổ sung và vốn thu hồi trên địa bàn, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao năm 2025. Quán triệt UBND, tổ chức chính trị - xã hội cấp xã làm tốt công tác tuyên truyền, tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, đảm bảo nhanh gọn, đơn giản, thuận tiện, không được phát sinh thêm các thủ tục hành chính ngoài quy định hiện hành, nhất là các đối tượng thụ hưởng theo Nghị quyết số 21/2024/NQ-HĐND ngày 04/10/2024 của HĐND Thành phố; tiếp tục quan tâm nâng mức cho vay để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tránh tình trạng e dè, sợ trách nhiệm trong bình xét cho vay hoặc chia nhỏ vốn vay làm giảm hiệu quả vốn tín dụng chính sách.